Chủ nhật, 24/11/2024 10:46 (GMT+7)
Thứ sáu, 21/01/2022 18:00 (GMT+7)

Những lùm xùm sau ánh hào quang của Sao Mai Group - "ông lớn" ngành điện mặt trời

Theo dõi KTMT trên

Sao Mai Group được biết đến với vai trò là nhà đầu tư năng lượng sạch với hàng loạt dự án quy mô lớn, tuy nhiên, đằng sau những hào quang thì doanh nghiêp này cũng từng dính phải không ít lùm xùm.

Sao Mai Group được thành lập từ năm 1988, có trụ sở chính tại TP Long Xuyên, tỉnh An Giang. Doanh nghiệp này hoạt động kinh doanh đa ngành nghề trong các lĩnh vực như bất động sản, thủy sản, du lịch, thực phẩm, xây dựng, đầu tư tài chính, năng lượng (điện mặt trời), y tế... Tập đoàn này hiện đang sở hữu hàng trăm ha đất, trải dài trên các tỉnh An Giang, Bà Rịa - Vũng Tàu, Kiên Giang, TP HCM, Thanh Hóa... 

Sao Mai đang làm ăn thế nào?

Dù được biết đến là "ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng tái tạo nhưng tình hình của doanh nghiệp lại không mấy "sáng sủa". Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2021, Sao Mai Group ghi doanh thu thuần đạt 3.475 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ; do giá vốn hàng bán tăng cao nên lợi nhuận gộp chỉ đạt 342 tỷ đồng, giảm 6% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong kỳ, chi phí tài chính giảm 8% xuống 130 tỷ đồng, chủ yếu từ lãi tiền vay và chênh lệch tỷ giá. Tuy nhiên, chi phí bán hàng lại tăng mạnh tới 76% lên 72 tỷ đồng do tiền vận chuyển và mua công cụ, dụng cụ tăng mạnh.

Những lùm xùm sau ánh hào quang của Sao Mai Group - "ông lớn" ngành điện mặt trời - Ảnh 1
Sao Mai Group được biết đến "ông lớn" trong lĩnh vực năng lượng tái tạo.

Kết quả, lợi nhuận sau thuế của Sao Mai Group quý II/2021 chỉ đạt 102 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ năm trước; lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ cũng giảm 37% xuống còn 86 tỷ đồng.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2021, dù Sao Mai Group tăng doanh thu khoảng 3% đạt mức 6.257 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế lại giảm 19% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 252 tỷ đồng. Lãi sau thuế của cổ đông công ty mẹ 200 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2020.

Năm 2021, Sao Mai Group đặt mục tiêu doanh thu 13.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 700 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa năm, công ty mới thực hiện được khoảng 48% mục tiêu doanh thu và 36% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tình hình kinh doanh của Sao Mai Group mấy năm gần đây có vẻ kém khả quan, khi lợi nhuận liên tiếp sụt giảm. Cụ thể, năm 2018, công ty ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt 1.197 tỷ đồng, sang năm 2019 giảm xuống còn 823 tỷ đồng, năm 2020 cũng chỉ đạt 572 tỷ đồng.

Chiếu theo báo cáo tài chính vừa công bố, tại ngày 30/6/2021, tổng tài sản của Sao Mai Group đạt 18.079 tỷ đồng, tăng 2,6% so với đầu năm. Trong đó, các khoản phải thu ngắn hạn 3.970 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm (chiếm 22% cơ cấu tài sản); hàng tồn kho 2.852 tỷ đồng...

Cũng tại thời điểm ngày 30/6/2021, tổng nợ phải trả của Sao Mai Group đạt gần 10.957 tỷ đồng, trong đó tổng nợ vay là hơn 8.225 tỷ đồng. Trong khi đó, vốn chủ sở hữu của công ty lúc này đạt 7.122 tỷ đồng.

Như vậy, tổng nợ phải trả của Sao Mai Group đã vượt vốn chủ sở hữu tới hơn 3.800 tỷ đồng. Mặc dù tài sản ngắn hạn vẫn cao hơn nợ ngắn hạn, nhưng việc nợ phải trả cao hơn vốn chủ sở hữu có nghĩa là nguồn vốn của công ty được tài trợ chủ yếu bởi nợ.

Về nguyên tắc, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu càng lớn thì sẽ gặp khó khăn trong việc trả nợ khi khả năng thanh toán bị đe dọa, nguy cơ phá sản vì thế cũng tăng lên.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu ASM của Sao Mai Group chốt phiên 30/7/2021 ở mức 12.700 đồng/đơn vị, giảm 25% so với thời điểm đầu năm.

Từng vướng lùm xùm "lật kèo" mua đất

Vào khoảng tháng 6/2018, Sao Mai khởi động dự án Nhà máy điện năng lượng mặt trời và mua lại đất của người dân ở xã An Hảo, huyện Tịnh Biên ở khu vực chân núi Cấm. Dự án này có vốn đầu tư trên 5.600 tỷ động, dự kiến triển khai trên 275ha, đóng điện vào tháng 6/2019.

Những lùm xùm sau ánh hào quang của Sao Mai Group - "ông lớn" ngành điện mặt trời - Ảnh 2
Những lùm xùm sau ánh hào quang của Sao Mai Group - "ông lớn" ngành điện mặt trời - Ảnh 3
Đơn kiến nghị của người dân gửi cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, trong quá trình thu mua đất của người dân, phía người của Sao Mai bị người dân tố “lật kèo” vì mua đất với giá tiền không thống nhất. Cụ thể, thời điểm ban đầu Sao Mai mua đất với giá 55 triệu đồng/công và cam kết với người bán đất (một số bằng miệng, một số bằng giấy tờ), rằng nếu giá đất có tăng thì Sao Mai sẽ trả thêm tiền.

Sau khi người dân phản ứng vì giá đất đã tăng, một số hộ khác bán được giá cao hơn, Sao Mai chỉ đồng ý hỗ trợ thêm 25 triệu đồng/công để đền bù thêm phần thiệt hại hoa màu, lúa. Người dân không đồng tình nên cùng khởi kiện Sao Mai ra tòa.

Từng trả lời báo chí về vấn đề này, ông Trương Vĩnh Thành – Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sao Mai cho biết: "Giá đất bị đẩy lên cao sau này là do một số người đầu cơ tự đẩy giá lên, chứ không phải do người của Sao Mai mua cao hơn giá ban đầu. Việc người dân kiện, chúng tôi chấp nhận còn ai muốn lấy lại đất thì sẽ trả”.

Đại diện Tập đoàn Sao Mai cũng cho biết dự án đã được UBND tỉnh An Giang chấp thuận chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án. Đây là dự án không thuộc trường hợp Nhà nước đứng ra thu hồi đất nên nhà đầu tư tự nhận việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất với người dân. 

Luật sư Chu Văn Hành cho rằng, theo Luật Ðất đai, khi được Nhà nước giao đất, doanh nghiệp tự thỏa thuận với người bị mất đất. Hai bên phải làm biên bản giá đền bù làm căn cứ để tránh việc doanh nghiệp “lật kèo”.

Doanh nghiệp đền bù đất theo đúng giá, giao tiền cho Nhà nước. Nhà nước áp giá đất của UBND tỉnh để đền bù, bồi thường cho người dân.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Những lùm xùm sau ánh hào quang của Sao Mai Group - "ông lớn" ngành điện mặt trời. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới