Ninh Bình: Vững bước khẳng định vị thế trên bản đồ du lịch Việt Nam và khu vực
Năm 2024 là một năm thắng lợi lớn của ngành Du lịch Ninh Bình. Với chiến lược xuyên suốt là phát triển du lịch xanh và bền vững, địa phương này đang nỗ lực hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm du lịch lớn của quốc gia và khu vực.
Ngành Du lịch Ninh Bình đã đạt được những kết quả đáng tự hào trong năm 2024. Toàn ngành đón 8,7 triệu lượt khách, vượt 16% so với kế hoạch đề ra (7,3 triệu lượt khách). Doanh thu đạt 9.100 tỷ đồng, vượt kế hoạch Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII giao 50%. Đây cũng là năm đánh dấu 10 năm Quần thể Danh thắng Tràng An được ghi danh là Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới. Ninh Bình đã đón lượt khách quốc tế thứ 1,5 triệu - “lập đỉnh” cao nhất từ trước đến nay, vượt qua thời kỳ đỉnh cao của ngành Du lịch năm 2019.

Chất lượng dịch vụ du lịch tại địa phương này ngày càng được nâng cao. Nhiều sản phẩm, tour, tuyến mới được đưa vào khai thác đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của đông đảo du khách. Trong năm, địa danh Ninh Bình tiếp tục được xướng tên ở nhiều danh hiệu uy tín quốc tế như “Top 10 kỳ quan thế giới dành cho những người không thích đám đông” hay “Top 10 trải nghiệm cuốn hút nhất thế giới”...
Để đạt được những kết quả trên, trong mỗi giai đoạn phát triển, tỉnh Ninh Bình đều có những điều chỉnh chính sách, chiến lược phát triển phù hợp với điều kiện thực tế và nguồn lực đã có, trong đó du lịch luôn được xác định là lĩnh vực ưu tiên. Đặc biệt, trong Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh xác định phát triển du lịch, công nghiệp văn hóa là mũi nhọn gắn với những sản phẩm và dịch vụ cao cấp, đặc sắc, có giá trị thương hiệu cao.
Theo ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình, để thực hiện các mục tiêu trong năm mới cũng như khát vọng đã được xác định trong Quy hoạch tỉnh, đưa Ninh Bình trở thành một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đòi hỏi những bước đi chiến lược, bài bản, đúng hướng cũng như quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và người dân.
Theo đó, ngành du lịch của tỉnh này sẽ tiếp tục làm tốt công tác tham mưu, quy hoạch phát triển du lịch theo hướng xanh, bền vững như Quy hoạch Công viên động vật hoang dã quốc gia Ninh Bình; Quy hoạch phân khu các khu vực trong khu di sản Tràng An; Quy hoạch tổng thể bảo tồn và phát huy các giá trị di sản Tràng An; các Khu du lịch sinh thái Vân Long, Cúc Phương, hồ Đồng Thái…
Đồng thời quy hoạch, khoanh vùng bảo vệ nghiêm các khu vực có giá trị cảnh quan, không gian văn hóa, tiềm năng phát triển du lịch như: Bảo tồn không gian văn hóa Kinh đô Hoa Lư xưa tại xã Trường Yên và vùng phụ cận; không gian văn hóa khu vực sông Bôi, sông Hoàng Long; không gian văn hóa làng nghề Văn Lâm truyền thống.

Ngành Du lịch Ninh Bình sẽ ưu tiên xây dựng các sản phẩm du lịch có chất lượng, coi chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ du lịch là lợi thế cạnh tranh trong tương lai so với các tỉnh, thành lân cận. Tập trung phát triển 4 nhóm sản phẩm du lịch chính, gồm: Nhóm sản phẩm du lịch văn hóa-lịch sử là nhóm sản phẩm du lịch đặc thù, mang thương hiệu riêng cho du lịch Ninh Bình; nhóm sản phẩm du lịch tham quan thắng cảnh thiên nhiên; nhóm sản phẩm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe gắn với các khu nghỉ dưỡng cao cấp và các hệ sinh thái biển, rừng, các nguồn khoáng nóng; nhóm sản phẩm du lịch sáng tạo theo tư duy đột phá, có hàm lượng chất xám cao, tiết kiệm tài nguyên.
Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình nhấn mạnh: Ngành sẽ chú trọng đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh xã hội hóa, liên kết, huy động mọi nguồn lực tập trung đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất, kỹ thuật du lịch đồng bộ, hiện đại; nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp trong việc giữ gìn bảo vệ môi trường và những giá trị di sản, phấn đấu xây dựng Ninh Bình trở thành trung tâm du lịch lớn của cả nước và khu vực, điểm đến “An toàn-Thân thiện-Chất lượng-Hấp dẫn”.
Sông Hồng