Chủ nhật, 24/11/2024 08:54 (GMT+7)
Thứ năm, 10/10/2019 09:23 (GMT+7)

Nỗ lực bền bỉ của Chính phủ, nhìn từ bảng xếp hạng toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Suốt từ năm 2014 tới nay, Chính phủ liên tiếp ban hành 6 Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, nhưng năm 2019 đã ghi những dấu ấn cả về quyết tâm mạnh mẽ hơn, giải pháp đột phá hơn, cả về kết quả đạt được.

Nỗ lực bền bỉ của Chính phủ, nhìn từ bảng xếp hạng toàn cầu - Ảnh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị WEF ASEAN 2018. Ảnh: VGP.

Đầu tháng trước, UBND tỉnh Đắk Nông đã phê duyệt đề án xây dựng và triển khai bộ chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn. Với việc Đắk Nông vốn 2 năm liền (2017 – 2018) đứng thứ hạng 63/63 cả nước về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, đây là chỉ dấu cho thấy đã có những chuyển biến mới trong nhận thức và hành động của Đắk Nông nói riêng và các địa phương trên cả nước về công tác này.

Nay, theo xếp hạng vừa được Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) công bố, Việt Nam đứng thứ 67 trong 141 nền kinh tế về năng lực cạnh tranh, tăng tới 10 bậc so với năm trước.

Năm 2019 là năm thứ sáu liên tiếp Chính phủ ban hành các Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, nếu các năm trước, Nghị quyết này được đánh số 19 thì năm nay, Nghị quyết được lấy số 02, ngay sau Nghị quyết 01 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Một điểm đáng chú ý khác: Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành Nghị quyết này ngay trong ngày đầu tiên của năm mới, cùng lúc với Nghị quyết 01.

Cũng như các Nghị quyết 19 trước đây, Nghị quyết 02 sử dụng các xếp hạng của quốc tế về Việt Nam và lấy những thứ hạng đó làm thước đo, đồng thời cũng căn cứ vào nội dung các xếp hạng để tìm kiếm các giải pháp và mục tiêu tương ứng.

Tuy nhiên, so với các Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 có nhiều điểm mới căn bản về cách tiếp cận. Trước hết, Nghị quyết xác định cơ quan chịu trách nhiệm với từng chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Nếu các Nghị quyết 19 trước đây đưa ra hàng trăm giải pháp cụ thể, mỗi bộ có thể có hàng chục giải pháp do Chính phủ chỉ định thì năm nay, Chính phủ tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần. Nói cách khác, về cơ bản, Chính phủ đã trao quyền chủ động cho các Bộ trưởng, thay vì “cầm tay chỉ việc” giao giải pháp và nhiệm vụ cụ thể với từng chỉ số như trước đây.

Mặc dù vậy, Nghị quyết cũng nêu rõ những nhóm nhiệm vụ mà Chính phủ lựa chọn để ưu tiên chỉ đạo quyết liệt. Đó là, tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh một cách thực chất; tiếp tục cải cách toàn diện kiểm tra chuyên ngành; tăng cường thanh toán không dùng tiền mặt; đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến; phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo.

Mặt khác, ngoài các bảng xếp hạng đã được đề cập trong các Nghị quyết 19, Nghị quyết 02 sử dụng thêm một xếp hạng nữa về mức độ sẵn sàng của các quốc gia cho nền sản xuất tương lai, vừa được WEF thực hiện từ 2018; cùng hai xếp hạng chuyên ngành về dịch vụ hậu cần logistics và năng lực cạnh tranh du lịch.

Như vậy, cho tới nay, thế giới có xếp hạng nào đo lường về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia thì chúng ta đều sử dụng và áp dụng vào Nghị quyết 02.

Và thực tế đã cho thấy, các nhóm giải pháp trong Nghị quyết đều đã được triển khai khá đồng bộ và quyết liệt. Chẳng hạn, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, một nội dung rất mới của Nghị quyết là đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt, được ghi nhận có nhiều chuyển biến tích cực trong năm 2019. Kế hoạch hành động của các địa phương đều chú trọng tới nội dung này. Theo khảo sát của Công ty kiểm toán PWC đối với 27 nước đã ghi nhận Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong năm 2018 với tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán di động ở Việt Nam đã tăng từ 37% lên 61%.

Cùng với đó, mặc dù còn phải tiếp tục cải cách, thời gian qua, trung bình trên 50% số điều kiện kinh doanh, 50% số dòng hàng phải kiểm tra chuyên ngành đã được cắt bỏ hoặc đơn giản hoá…

Vẫn theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, hoạt động kiểm tra, giám sát và đôn đốc thực hiện Nghị quyết được coi trọng. Văn phòng Chính phủ thực hiện tích cực, quyết liệt và hiệu quả trong việc đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương triển khai Nghị quyết. Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ cũng thường xuyên, liên tục tổ chức các hoạt động kiểm tra, giám sát, qua đó thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ của các Bộ, ngành. Hội đồng quốc gia về Phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh (do Tổng thư ký chủ trì) tổ chức các cuộc họp đánh giá độc lập về thực hiện Nghị quyết số 02…

Ở địa phương, cũng có một số kết quả điển hình trong thực hiện cải cách. Chẳng hạn, về Khởi sự kinh doanh, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới năm 2018, thủ tục này trải qua 8 bước và mất 17 ngày. Một số địa phương đẩy mạnh cải cách chỉ tiêu này theo hướng tích hợp các bước thủ tục và rút ngắn thời gian, theo đó số thủ tục và thời gian giảm đáng kể. Ví dụ như số thủ tục giảm còn 5 bước; thời gian còn 5 ngày (tại Đồng Tháp), 8 ngày (Quảng Ninh)…

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia về Phát triển bền vững và Nâng cao năng lực cạnh tranh, trong năm qua, chỉ số đổi mới sáng tạo quốc gia của Việt Nam tăng 3 bậc, từ 45 lên 42. Chỉ số cung cấp dịch vụ công trực tuyến năm vừa qua tăng 15 bậc lên thứ 59. Thanh toán điện tử tăng 19,6% số lượng giao dịch, 26,6% giá trị, đặc biệt thanh toán qua di động tăng 104% số giao dịch và 155% giá trị. Chỉ số an toàn an ninh thông tin của Việt Nam tăng 50 bậc từ 100 lên 50. Giáo dục phổ thông xếp thứ 38. Việt Nam có 2 trường đại học vào tốp 1000 trường đại học hàng đầu thế giới…

Có một thực tế là hiếm có phiên họp Chính phủ nào mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không đề cập tới yêu cầu tiếp tục quyết liệt cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia. “Liệu có bao nhiêu đồng chí đã nghiên cứu kỹ 12 nhóm trụ cột, 98 tiêu chí trong đánh giá năng lực cạnh tranh của WEF hay 10 nhóm chỉ tiêu trong đánh giá môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới?”, Thủ tướng từng đặt câu hỏi với các thành viên Chính phủ.

Mới nhất, tại phiên họp Chính phủ vừa diễn ra đầu tháng 10, trước mức độ vào cuộc khác nhau giữa các Bộ, ngành, địa phương trong thực hiện Nghị quyết 02, Thủ tướng yêu cầu cần cải thiện mạnh mẽ, thực chất môi trường đầu tư kinh doanh và cho biết, lần này đánh giá thi đua, phải xem xét môi trường đầu tư kinh doanh của các địa phương.

Một quyết định đáng chú ý khác mới đây của Thủ tướng, là quyết định thành lập Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với mục tiêu thực hiện hỗ trợ, phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng trên nền tảng phát triển khoa học và công nghệ.

Đúng như Thủ tướng đã nhận định, nếu chúng ta không làm thực sự quyết liệt, hiệu quả nhiệm vụ cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, thì chúng ta sẽ thua ngay trên sân nhà, thua ngay các đối tác truyền thống đang cải cách rất mạnh mẽ xung quanh. Kết quả đạt được của năm 2019, được quốc tế ghi nhận, sẽ là động lực để Chính phủ tiếp tục thúc đẩy các giải pháp cải cách mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn phải thừa nhận rằng trong suốt những năm qua, các nỗ lực cải cách là không đồng đều giữa các bộ, cơ quan, địa phương. Mặt khác, các nước trên thế giới cũng đang trong cuộc đua cải cách không ngừng, trong bối cảnh tình hình thế giới cũng có nhiều biến động. Đây chính là một lý do dẫn tới việc, sau khi nhảy tới 5 bậc trong bảng xếp hạng năm 2017 của WEF, thì sang năm 2018, Việt Nam lại tụt 3 bậc, đứng thứ 77 trong 140 nền kinh tế, bất chấp điểm số tăng nhẹ.

Do đó, việc Việt Nam tăng tới 10 bậc trong bảng xếp hạng năm nay của WEF càng có ý nghĩa khi từ năm ngoái, WEF sử dụng phương pháp mới để đánh giá toàn diện các động lực của nền kinh tế toàn cầu trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4, trong đó nhấn mạnh đến đổi mới sáng tạo.

Bạn đang đọc bài viết Nỗ lực bền bỉ của Chính phủ, nhìn từ bảng xếp hạng toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới