Chủ nhật, 24/11/2024 10:00 (GMT+7)
Thứ sáu, 03/07/2020 06:51 (GMT+7)

Nỗi lo khủng hoảng nợ toàn cầu

Theo dõi KTMT trên

Hệ lụy kinh tế từ đại dịch Covid-19 đối với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi lớn hơn nhiều so với các nước phát triển. Nền kinh tế "đóng băng", tỉ lệ thất nghiệp và nợ công tăng cao là những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội cận kề sau đại dịch.

Nỗi lo khủng hoảng nợ toàn cầu - Ảnh 1
Một khu nhà ở tạm bợ của người dân ở Thủ đô Manila, Philippines.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo, cuộc cạnh tranh thương mại khiến giá cả leo thang sẽ là khởi nguồn của cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế theo sau những tác động của đại dịch. WTO cũng đưa ra dự báo, thương mại toàn cầu có thể giảm từ 13% đến 32% trong năm nay.

Đại dịch Covid-19 đang đẩy các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển vào một thách thức nhân đạo trong bối cảnh hệ thống y tế quá tải, các chính phủ thiếu nguồn lực để triển khai các chính sách tài khóa, các gói hỗ trợ tiền tệ và vận hành hệ thống an sinh xã hội còn kém phát triển hoặc thậm chí chưa tồn tại ở nhiều quốc gia. Hơn 90 quốc gia đã tìm tới quỹ hỗ trợ khẩn cấp của WTO và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF). Những tác động từ các lệnh hạn chế đi lại và giãn cách xã hội khiến nhiều người mất đi sinh kế. Tại những khu sống tạm bợ ở Sao Paulo (Brazil), Mumbai (Ấn Độ) hay Manila (Philippines), những căn phòng nhỏ nơi hơn 10 người cùng sinh sống trong tình cảnh thiếu thực phẩm và nước sạch báo hiệu nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo cấp bách trên toàn cầu. WTO hối thúc các quốc gia, tổ chức tín dụng chung tay tìm kiếm giải pháp giãn nợ hoặc tạm thời "đóng băng" các khoản nợ của những nước đang phát triển trong giai đoạn đại dịch.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định, một số quốc gia trong nhóm thị trường mới nổi với chính sách quản lý nợ công chặt chẽ có khả năng "chịu đựng" những tác động của suy thoái kinh tế tốt hơn những quốc gia khác, tuy nhiên vẫn còn nhiều nước với tỉ lệ nợ quá lớn rất cần sự hỗ trợ. Từ tháng 3/2020 đến nay, khoảng 260 tỉ USD từ ngân sách 1.000 tỉ USD đã được IMF giải ngân tới 63 trong tổng số 103 nước đã kêu gọi sự hỗ trợ.

Các lãnh đạo của nhóm G7 cũng chủ động đưa ra sáng kiến giãn, giảm nợ cho những quốc gia nghèo nhất thế giới đến hết năm 2020 và xa hơn nếu như cần thiết. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IMF cũng chỉ ra, một vài quốc gia còn lưỡng lự trước khi nộp đơn xin cứu trợ do lo ngại bị hạ mức xếp hạng tín dụng.

Trong bối cảnh phần lớn nguồn lực của các quốc gia đều phải ưu tiên và được chuyển hướng nhằm chống dịch Covid-19, IMF cảnh báo, các quốc gia và tổ chức tín dụng không thể mong chờ các khoản thanh toán nợ đều đặn như trước. Nhưng những thỏa thuận giảm, giãn nợ trong thời gian đại dịch cũng chỉ là tạm thời. Nhiều chính phủ sẽ buộc phải đàm phán lại các điều khoản với các chủ nợ về các khoản thanh toán, do không còn khả năng chi trả.

WTO khuyến cáo, các chủ nợ quốc tế nếu không muốn đối mặt với một cuộc chiến pháp lý lâu dài và tốn kém với các quốc gia vỡ nợ, cần thỏa hiệp giãn nợ ngay cho những nền kinh tế có mức xếp hạng tín dụng dưới chuẩn "AAA". Báo cáo của tổ chức xếp hạng tín dụng Moody’s chỉ ra, cần có giải pháp giảm mức thanh toán nợ nhằm hạn chế áp lực thanh khoản ngắn hạn đối với các quốc gia đang bên bờ vực phá sản. IMF nhận định, thị trường mới nổi và đang phát triển có thể cần đến 2.500 tỉ USD để vượt qua "thách thức kép" về y tế và kinh tế.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới mới đây dự báo thế giới sẽ còn cần thêm rất nhiều thỏa thuận tái cấu trúc các khoản nợ. Các bộ trưởng tài chính của nhóm G7 cũng kêu gọi sự chung tay của nhóm chủ nợ tư nhân trong cuộc khủng hoảng nợ công gần kề. Đồng thời, nhóm G7 đưa ra một giải pháp toàn diện yêu cầu thiết lập cơ sở dữ liệu nợ toàn cầu và các chủ nợ cần phải cho vay theo cơ chế hướng dẫn về tỉ lệ nợ an toàn nhằm giữ cho nền kinh tế thế giới được bền vững.

Đoàn Hiếu

Bạn đang đọc bài viết Nỗi lo khủng hoảng nợ toàn cầu. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới