Chủ nhật, 24/11/2024 04:23 (GMT+7)
Thứ ba, 02/02/2021 11:54 (GMT+7)

Nông nghiệp hữu cơ giải pháp ‘cứu cánh’ môi trường

Theo dõi KTMT trên

Hiện nay an toàn vệ sinh thực phẩm và ô nhiễm môi trường là những vấn đề đang được các quốc gia quan tâm hàng đầu. Vì vậy, việc thực hiện phương thức canh tác nông nghiệp hữu cơ được coi là giải pháp quan trọng để phát triển bền vững.

Việt Nam là một nước nông nghiệp với 75% dân số và nguồn lao động sinh sống tại nông thôn. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, năm 2018 ngành nông nghiệp đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung của nền kinh tế, góp phần ổn định chính trị – xã hội. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của ngành, tình trạng ô nhiễm môi trường nông nghiệp ngày càng nghiêm trọng.

Hiện nay, các vấn đề cần được giải quyết của ngành nông nghiệp là ô nhiễm ở các khu vực nuôi trồng thủy sản, khu chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, các làng nghề, vùng sản xuất thâm canh do tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan và khu vực nông thôn do chất thải từ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt không được thu gom xử lý đúng quy cách, hợp vệ sinh.

Bà Laura Tuck (Phó Chủ tịch về Phát triển bền vững của Ngân hàng Thế giới) cho biết: “Tăng trưởng nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện an ninh lương thực và giúp hàng triệu người thoát nghèo đói ở khu vực Đông Á trong 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này cũng đi kèm với ô nhiễm đất, nước và không khí”.

Nông nghiệp hữu cơ giải pháp ‘cứu cánh’ môi trường - Ảnh 1
Việt Nam có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển nông nghiệp hữu cơ. (Nguồn: internet)

Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (World Bank) về thách thức ô nhiễm môi trường trong sản xuất nông nghiệp tại Việt Nam, Trung Quốc, Philipines, sản xuất nông nghiệp đang gây ra ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tương đương với sản xuất công nghiệp. Do sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, nông nghiệp trở thành nguyên nhân chính làm ô nhiễm đất, không khí và nước.

Trong đó, các vấn đề như ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước tác động xấu đến sức khỏe con người và làm suy thoái hệ sinh thái, gây xói mòn, giảm độ phì nhiêu của đất,… 

Nông nghiệp hữu cơ hướng đi mới cho nền nông nghiệp

Bởi những tổn hại nặng nề mà nông nghiệp truyền thống đem tới cho môi trường, sự ra đời của nông nghiệp hữu cơ hiện trở thành một trong những giải pháp tối ưu nhằm hạn chế và kiểm soát ô nhiễm, đảm bảo phát triển một nền nông nghiệp bền vững.

Trên thế giới, nông nghiệp hữu cơ đã góp phần không nhỏ đối với môi trường trong đó có giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Lượng phát thải khí nhà kính đã tăng từ 4,7 tỉ tấn CO2 (trong năm 2001) lên hơn 5.3 tỉ tấn (năm 2018), tương đương tăng hơn 14%. 

Mặt khác, các trang trại hữu cơ không sử dụng phân bón nito tổng hợp mà chủ yếu dựa vào chu trình chăm sóc khép kín, giảm thiểu thiệt hại nhờ yếu tố mùa vụ nên nguy cơ phát thải nitơ oxit tại các trang trại hữu cơ thấp hơn các trang trại truyền thống. Ngoài ra, nông nghiệp hữu cơ giúp giảm thiểu 30% – 70% năng lượng để sản xuất phân bón hóa học và thuốc trừ sâu phục vụ cho nông nghiệp truyền thống. Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ phần nào giữ lại cacbon trong đất từ đó hạn chế lượng cacbon phát thải ra bầu khí quyển gây hiện tượng nóng lên toàn cầu. Điều này được thực hiện bằng các phương pháp đơn giản như ủ các phần thừa sau thu hoạch như rơm, rạ, hay chính phân động vật trở thành phân bón hữu cơ.

Vì vậy nông nghiệp hữu cơ trở thành một giải pháp nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu bởi không sử dụng các loại phân bón hóa học làm chậm tình trạng suy thoái đất và nước. Theo đó, hạn chế tình trạng biến đổi gen, giảm sự xuất hiện của các loài thiên địch, mặt khác nông dân giữ được các giống cây trồng lâu năm cho năng suất cao.

Xu hướng được nhiều quốc gia áp dụng

Tại Việt Nam, xu hướng sản xuất nông nghiệp hữu cơ đang được doanh nghiệp, người sản xuất và người tiêu dùng quan tâm. Đặc biệt, sản phẩm hữu cơ của nghề làm vườn (Organic horticulture) như rau, quả… có thị trường rộng lớn, giá trị cao, đang tạo động lực mạnh mẽ cho nhiều doanh nghiệp và người sản xuất.

Nông nghiệp hữu cơ giải pháp ‘cứu cánh’ môi trường - Ảnh 2
Nông nghiệp hữu cơ đang được nhiều quốc gia áp dụng.

Diện tích nông nghiệp hữu cơ của thế giới cũng đang có xu hướng tăng nhanh trong những năm qua: Năm 2016, đạt 57,8 triệu hecta, chiếm 1,2% tổng diện tích đất nông nghiệp với giá trị sản phẩm hữu cơ khoảng 89,7 tỉ USD. Trong vòng 10 năm (2006-2016), diện tích đất nông nghiệp hữu cơ của thế giới tăng 150%. Có 178 nước sản xuất nông nghiệp hữu cơ với 2,7 triệu người thực hành sản xuất theo phương pháp hữu cơ, trong đó có 87 nước có quy định pháp luật quản lý sản phẩm hữu cơ.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm hữu cơ lớn nhất là Mỹ (trên 45% giá trị), tiếp đến là Đức và Pháp. Tuy nhiên, nếu tính theo đầu người thì Thuỵ sỹ tiêu thụ sản phẩm hữu cơ nhiều nhất (274 Euro/đầu người/năm).

Hiện nay, 73% diện tích sản xuất nông nghiệp hữu cơ thế giới thuộc về 10 nước dẫn đầu. Úc có diện tích đất nông nghiệp hữu cơ nhiều nhất với 27,1 triệu hecta, trong đó 97% là những đồng cỏ chăn nuôi rộng lớn; kế đến là Argentina (3,0 triệu hecta); Trung Quốc (2,3 triệu hecta); Mỹ (2 triệu hecta).

IFOAM cho rằng, phát triển nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu của nông nghiệp thế giới và xác định tầm nhìn chiến lược của nông nghiệp hữu cơ đến năm 2030 sẽ góp phần giải quyết các thách thức trong tương lai của nông nghiệp; trở thành hệ thống sử dụng đất được ưa chuộng và được lựa chọn ở nông thôn; đảm bảo an ninh lương thực và bảo vệ an toàn hệ sinh thái nhờ việc tăng cường chức năng sinh thái;  sản xuất thực phẩm lành mạnh và đem lại lợi ích cho tất cả mọi người.

Hoài Thu

Bạn đang đọc bài viết Nông nghiệp hữu cơ giải pháp ‘cứu cánh’ môi trường. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới