Chủ nhật, 24/11/2024 08:39 (GMT+7)
Thứ sáu, 16/07/2021 16:36 (GMT+7)

Nữ tiến sĩ Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế về nghiên cứu nhiễm mặn

Theo dõi KTMT trên

Tiến sĩ Nguyễn Kim Anh cùng các cộng sự nhận được giải thưởng uy tín của Tạp chí PEPS với bài báo đánh giá về tình hình nhiễm mặn ở khu vực sông Mê Kông, Việt Nam, lấy khu vực thử nghiệm là tỉnh Trà Vinh.

Tạp chí Tiến bộ trong khoa học Trái đất và Hành tinh (PEPS) thuộc Hội địa vật lý Nhật Bản (JpGU) vừa trao giải thưởng “Bài báo khoa học được nhiều người quan tâm nhất năm 2021” cho một nữ TS trẻ người Việt Nam với công trình nghiên cứu về tình hình nhiễm mặn tại khu vực sông Mê Kông.

Nữ tiến sĩ Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế về nghiên cứu nhiễm mặn - Ảnh 1
TS Nguyễn Kim Anh với giải thưởng quốc tế cho công trình nghiên cứu của mình. (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, người nhận giải thưởng là nữ TS Nguyễn Kim Anh, hiện là nghiên cứu viên chính Viện Địa lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đang là nghiên cứu viên sau TS tại Trung tâm nghiên cứu không gian và viễn thám, thuộc Đại học Trung ương Đài Loan (Trung Quốc).

TS Kim Anh cùng các cộng sự nhận được giải thưởng uy tín của Tạp chí PEPS với bài báo đánh giá về tình hình nhiễm mặn ở khu vực sông Mê Kông, Việt Nam, lấy khu vực thử nghiệm là tỉnh Trà Vinh.

Công trình nghiên cứu sử dụng tư liệu viễn thám quang học là ảnh vệ tinh Landsat 8 OLI để chiết tách các thông tin về độ nhiễm mặn thông qua các chỉ số độ mặn của thực vật (VSSI), chỉ số thực vật được điều chỉnh trong đất (SAVI), chỉ số thực vật (NDVI) và chỉ số độ mặn khác biệt chuẩn hóa (NDSI).

Nhóm nghiên cứu đã chứng minh được tiềm năng cao trong việc giám sát về mặt không gian và về mặt vật lý độ mặn của đất ở lớp đất trên cùng. Đồng thời đề xuất phương pháp ước tính độ mặt của đất bằng cách sử dụng các biến số lấy từ vệ tinh với chi phí thấp và độ chính xác tương đối cao.

Đây là thông tin hữu ích để quy hoạch khu vực nhiễm mặn và lựa chọn các loại cây trồng phù hợp, giúp giảm thiệt hại kinh tế tại các khu vực đồng bằng có nguy cơ cao về xâm nhập mặn do biến đổi khí hậu.

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Tokyo, TS Kim Anh cho biết do dịch bệnh COVID-19 nên Ban tổ chức năm nay đã gửi giấy chứng nhận qua đường bưu điện, thay vì tổ chức lễ trao giải tại Nhật Bản như thường lệ.

Nữ TS trẻ tâm sự ý tưởng nghiên cứu của cô và các cộng sự xuất phát từ tình trạng ngập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long ngày càng phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của người nông dân và chiến lược phát triển nông nghiệp tại vựa lúa lớn nhất của cả nước.

Chính vì thế, cô muốn đóng góp công sức vào việc theo dõi, đánh giá thực trạng cũng như dự báo tình hình nhiễm mặn thường xuyên để các nhà quản lý có các giải pháp ứng phó kịp thời.

Nữ tiến sĩ Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế về nghiên cứu nhiễm mặn - Ảnh 2
Giải thưởng của Tạp chí Tiến bộ trong khoa học Trái đất và Hành tinh (PEPS). (Ảnh: Phạm Tuân/TTXVN)

PEPS là tạp chí uy tín của Nhật Bản, có hệ số ảnh hưởng Impact Factor (IF2020) cao, thường đăng tải các công trình nghiên cứu chuyên ngành có tính ứng dụng thực tế.

Giải thưởng “Bài báo khoa học được nhiều người quan tâm nhất” được tạp chí này trao hằng năm dành cho các cá nhân và nhóm tác giả có công trình nghiên cứu giá trị, được xét duyệt dựa trên chất lượng bài báo cũng như số người theo dõi và số lượt tải.

Bên cạnh công trình nghiên cứu khoa học được nhận giải thưởng trên, TSKim Anh còn có 12 bài báo khoa học thuộc danh mục ISI (hệ thống các tạp chí có tiêu chuẩn khoa học quốc tế), chủ yếu đánh giá tổn thương hệ môi trường sinh thái, được đăng trên các tạp chí khoa học uy tín của nước ngoài.

Hiện, cô cũng là gương mặt được chọn làm đại sứ truyền thông cho tổ chức Viễn thám và địa tin học quốc tế (IEEE GRSS) phụ trách khu vực châu Á-Thái Bình.

Phạm Tuân

Theo TTXVN/Vietnam+

Bạn đang đọc bài viết Nữ tiến sĩ Việt Nam nhận giải thưởng quốc tế về nghiên cứu nhiễm mặn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới