Đại dương đang là nơi hứng chịu lượng rác thải nhựa khổng lồ. Ước tính lượng rác thải nhựa đổ xuống biển đến năm 2050 sẽ nhiều hơn lượng cá (tính theo trọng lượng), đe dọa nghiêm trọng đến hệ sinh thái và môi trường đại dương.
Nếu con người không có những giải pháp kịp thời để hạn chế hoạt động sản xuất và tiêu thụ nhựa, lượng rác thải nhựa đổ vào đại dương dự kiến sẽ tăng lên gấp 3 lần, từ 11 triệu tấn mỗi năm lên 29 triệu tấn/năm trong 20 năm tới.
Với đường bờ biển dài đứng thứ 27/158 quốc gia ven biển, đảo quốc trên thế giới, Việt Nam có lợi thế rất lớn trong phát triển kinh tế biển. Tuy nhiên, cùng với những lợi thế và tiềm năng là những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt để phát triển kinh tế biển bền vững.
Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường biển ngày càng nghiêm trọng do hậu quả của sức ép dân số, tăng trưởng kinh tế, khả năng quản lý và sử dụng kém hiệu quả các nguồn tài nguyên biển.
Mỗi năm, Việt Nam thải ra biển khoảng 0,28-0,73 triệu tấn rác thải nhựa (6% tổng lượng nhựa thải ra biển của thế giới), đứng thứ 4 trong danh sách các quốc gia có lượng nhựa thải ra biển nhiều nhất.
Tại hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của khoa học và công nghệ trong quản lý rác thải nhựa đại dương” ngày 11/10, ông Nghiêm Vũ Khải, PCT Liên hiệp các Hội Khoa học - Kĩ thuật cảnh cáo hiểm họa từ rác thải nhựa.