Chủ nhật, 24/11/2024 05:22 (GMT+7)
Thứ hai, 24/01/2022 09:00 (GMT+7)

Phát triển kinh tế - xã hội đi liền với phòng, chống thiên tai

Theo dõi KTMT trên

Bộ KH&ĐT ban hành Thông tư 10/2021/TT-BKHĐT hướng dẫn lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế - xã hội (quy hoạch, kế hoạch).

Thông tư nêu rõ, quy hoạch, kế hoạch có nội dung phòng, chống thiên tai và được lồng ghép, xây dựng phù hợp với đặc thù thiên tai của từng vùng, địa phương để bảo đảm phát triển bền vững; góp phần phát triển ngành, phát triển kinh tế-xã hội và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu.

Được biết, thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 10/2/2022. Các biện pháp phòng, chống thiên tai sử dụng lồng ghép vào quy hoạch, kế hoạch sẽ do các Bộ, ngành và địa phương chủ động đánh giá, lựa chọn từ kế hoạch phòng, chống thiên tai cùng cấp, lkế hoạch thích ứng biến đổi khí hậu, các chương trình, đề án, dự án có liên quan đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Cụ thể, các biện pháp phòng, chống thiên tai được lựa chọn để lồng ghép gồm: Biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu tác động của thiên tai đến quá trình phát triển kinh tế - xã hội; Biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và làm tăng nguy cơ thiên tai và biện pháp xây dựng hệ thống hạ tầng kết hợp mục tiêu phòng, chống thiên tai.

Phát triển kinh tế - xã hội đi liền với phòng, chống thiên tai - Ảnh 1
Ảnh minh họa.

Lồng ghép hài hòa cả 2 nhóm biện pháp công trình và phi công trình cho cả 3 giai đoạn trước, trong và sau thiên tai. Theo đó, việc đánh giá phạm vi bảo vệ cuộc sống người dân của biện pháp phòng, chống thiên tai dạng công trình được thực hiện như sau:

Trước tiên, sẽ phải ước tính số lượng người không bị chết và mất tích do được bảo vệ bởi các biện pháp phòng, chống thiên tai khi được lồng ghép. Sau đó, ước tính số lượng người không bị thương tật do được bảo vệ bởi các biện pháp phòng, chống thiên tai khi được lồng ghép và xác định phạm vi bảo vệ cuộc sống người dân: Biện pháp phòng, chống thiên tai khi lồng ghép làm giảm số lượng người chết, mất tích, bị thương tật khi xảy ra thiên tai càng nhiều thì biện pháp đó có phạm vi bảo vệ cuộc sống người dân càng rộng.

Đặc biệt, khi xét phạm vi bảo vệ cuộc sống người dân cần ưu tiên đối với những đối tượng dễ bị tổn thương như trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi, người khuyết tật, người bị bệnh hiểm nghèo, người nghèo và phụ nữ đơn thân làm chủ hộ và cân nhắc những nhu cầu khác biệt về giới.

Đối với dạng biện pháp phi công trình sẽ gồm: Biện pháp xây dựng cơ chế, chính sách, kiện toàn tổ chức, bộ máy và tăng cường năng lực về phòng, chống thiên lồng ghép vào nhiệm vụ hoàn thiện thể chế, chính sách; Biện pháp nâng cao nhận thức, kiến thức cho cộng đồng về phòng, chống thiên tai lồng ghép vào nhiệm vụ tuyên truyền tổ chức thực hiện kế hoạch.

Bên cạnh đó còn có các biện pháp mềm, dựa vào tự nhiên như trồng, quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, lồng ghép vào nhiệm vụ phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản, phát triển các hạ tầng xanh để phòng chống thiên tai; Biện pháp bố trí, sắp xếp lại dân cư nhằm tránh những vùng có nguy cơ xảy ra thiên tai cao, lồng ghép vào định hướng, nhiệm vụ phát triển không gian kinh tế - xã hội; Phát triển hệ thống đô thị và nông thôn; Biện pháp điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp, cơ cấu mùa vụ để bố trí cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng loại thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai để lồng ghép vào nhiệm vụ cơ cấu lại nền kinh tế và định hướng phát triển ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản.

Huỳnh Mai

Bạn đang đọc bài viết Phát triển kinh tế - xã hội đi liền với phòng, chống thiên tai. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới