Chủ nhật, 24/11/2024 07:29 (GMT+7)
Thứ năm, 07/05/2020 10:50 (GMT+7)

Quyền sử dụng hình ảnh cá nhân dưới nhãn quan đạo đức và pháp luật

Theo dõi KTMT trên

Hình ảnh cá nhân của con người thống thuộc quyền nhân thân của người đó. Về phương diện thân trạng, quyền nhân thân bao gồm các quyền đối với họ, tên; quyền được khai sinh, khai tử; quyền kết hôn, ly hôn… Về phương diện tinh thần quyền nhân thân bao gồm các quyền tự do tín ngưỡng; tự do nghiên cứu , sáng tạo; quyền đối với hình ảnh; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư… Và sau cùng xét về phương diện xã hội, quyền nhân thân là các quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền tự do đi lại, cư trú… Về phương diện thân trạng, quyền nhân thân bao gồm các quyền đối với họ, tên; quyền được khai sinh, khai tử; quyền kết hôn, ly hôn… Về phương diện tinh thần quyền nhân thân bao gồm các quyền tự do tín ngưỡng; tự do nghiên cứu , sáng tạo; quyền đối với hình ảnh; quyền được bảo vệ danh dự, nhân phẩm, bí mật đời tư… Và sau cùng xét về phương diện xã hội, quyền nhân thân là các quyền lao động; quyền tự do kinh doanh; quyền tự do đi lại, cư trú…

Quyền sử dụng hình ảnh cá nhân dưới nhãn quan đạo đức và pháp luật - Ảnh 1
Hình ảnh cá nhân của con người thông thuộc quyền nhân thân của người đó. Về phương diện thân trạng, quyền nhân thân bao gồm các quyền đối với họ, tên; quyền được khai sinh, khai tử; quyền kết hôn, ly hôn…

Như vậy mỗi cá nhân con người đều có các quyền nhân thân và quyền này không thể tách rời khỏi cá nhân mình, nói cách khác quyền nhân thân không bao giờ thay đổi chủ thể vì thế quyền nhân thân luôn bao gồm hai thuộc tính:

(i) bất khả chuyển nhượng, nghĩa là quyền nhân thân không thể mua bán, tặng cho thừa kế (ngoại trừ đối với trường hợp các thừa kế có quyền bảo vệ uy tín, danh dự hay sự toàn vẹn tác phẩm của người quá cố);

(ii) bất khả tịch biên, nghĩa là quyền nhân thân không thể bị tịch thu hay trưng dụng dưới bất cứ hình thức nào.

Luật pháp của hầu hết các quốc gia trên thế giới đều có những quy định nhằm bảo hộ quyền nhân thân. Như đã nói trên quyền đối với hình ảnh thuộc về tinh thần của một con người. Theo đó, cá nhân có toàn quyền đối với hình ảnh của mình. Không ai có quyền phổ biến hình ảnh của một cá nhân khác bằng cách chụp hình, vẽ hay bất cứ phương tiện khác, nếu không được sự đồng ý của cá nhân đó. Do đó, bất kỳ một cá nhân hay tổ chức nào sử dụng hình ảnh của một cá nhân khác đều bị ràng buộc bởi nghĩa vụ đạo đức và nghĩa vụ pháp lý.

Thực trạng

Dù hình ảnh cá nhân được pháp luật bảo vệ, nhưng vẫn là câu chuyện muôn thuở “biết rồi, khổ lắm, nói mãi!” chưa bao giờ cũ của các báo, nhất là báo điện tử khi tùy tiện sử dụng hình ảnh của cá nhân để minh họa cho tin/bài mà không được sự đồng ý của người đó.

Thật vậy, hàng ngày chỉ cần lướt qua một loạt báo điện tử là có thể gặp được vô số bài viết có sử dụng hình ảnh cá nhân như một nguyên liệu, gia vị làm cho bài viết thêm sinh động, đậm đà, bất chấp có sự đồng ý của “chính chủ” bức ảnh đó hay không.

Quyền sử dụng hình ảnh cá nhân dưới nhãn quan đạo đức và pháp luật - Ảnh 2
Luật sư Lê Quang Vy – Công ty Luật GV Lawyers

Đơn cử như gần đây, nhiều báo điện tử đưa tin về một hotgirl 98 bị phát hiện dương tính với ma túy kèm theo hình ảnh tiều tụy, xơ xác, phản cảm, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến danh dự, công việc của cô gái ấy sau này. Như chúng ta đều biết, tốc độ lan truyền thông tin, dữ liệu qua mạng internet là rất nhanh, thời gian lưu giữ các bài viết với những hình ảnh phản cảm đó cũng rất lâu dài. Nên để truy cập và phát tán tin/bài như trên là một điều vô cùng dễ dàng. Điều đó, cũng dẫn đến áp lực rất lớn của nhân vật được đề cập, thậm chí có thể dẫn đến tình trạng trầm cảm do phải đối mặt với dư luận, cộng đồng mạng vốn rất phức tạp. Trong khi tuổi đời của cô gái còn rất trẻ, mà cơ hội sửa sai, làm lại, thay đổi cái nhìn của mọi người đối với nhân vật bị đăng hình ảnh nhiều khi lại bị chính những bài viết, hình ảnh như thế làm hẹp “lối về”. Không ít trường hợp, sự tùy tiện sử dụng ảnh của một số nhà báo vô hình trung không chỉ hại cho người bị đăng ảnh mà thậm chí còn gây ảnh hưởng đến cả gia đình, dòng họ của người đó trong cả hiện tại cũng như tương lai. Do đó, cho dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào, bất kỳ ai cũng không được phép sử dụng một hành vi thiếu chuẩn mực đạo đức, lương tâm nghề nghiệp đồng thời trái với luật pháp để biện minh và cho rằng mình đang vì một lẽ phải.

Về phương diện thương mại, không ít trường hợp cố ý sử dụng hình ảnh của những người nổi tiếng để quảng cáo cho sản phẩm của mình, bất chấp luật pháp, bất chấp sự cho phép của nhân vật trong ảnh cũng như tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả bức ảnh ấy.

Từ những quy định của luật pháp

Điều 32 của Bộ luật Dân sự 2015 có nội dung chính như sau: “Cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Việc sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác”. Tuy nhiên, luật cũng dự liệu những trường hợp được phép sử dụng hình ảnh cá nhân mà không phải xin phép, cụ thể như sau: (i) Hình ảnh được sử dụng vì lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng; (ii) Hình ảnh được sử dụng từ các hoạt động công cộng, bao gồm hội nghị, hội thảo, hoạt động thi đấu thể thao, biểu diễn nghệ thuật và hoạt động công cộng khác mà không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh.

Bên cạnh Bộ luật Dân Sự 2015, Luật Báo chí 2016 cũng có những điều khoản nhằm bảo vệ quyền nhân thân thông qua việc cấm tiết lộ thông tin về bí mật đời tư của cá nhân, cấm thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Ngoài ra, liên quan đến việc sử dụng hình ảnh cá nhân trên các phương tiện truyền thông, báo chí, Điều 5 của Nghị định 51/2002/NĐ-CP (vẫn đang có hiệu lực thi hành) về những điều không được thông tin trên báo chí quy định rằng: “Không được đăng, phát ảnh của cá nhân mà không có chú thích rõ ràng hoặc làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cá nhân đó (trừ ảnh thông tin các buổi họp công khai, sinh hoạt tập thể, các buổi lao động, biểu diễn nghệ thuật, thể dục thể thao, những người có lệnh truy nã, các cuộc xét xử công khai của tòa án, những người phạm tội trong các vụ trọng án)”.

Với những quy định luật pháp rõ ràng như vậy, thì việc báo chí đưa hình ảnh hotgirl 98 như dẫn chứng nêu trên là hành vi vi phạm luật dân sự cũng như luật báo chí (luật chuyên ngành). Điều này không chỉ phản ánh trình độ hiểu biết luật pháp của phóng viên mà ở khía cạnh đạo đức, nó hoàn toàn trái với lương tâm của một người cầm bút.

Ngoài ra, cũng xin lưu ý thêm ở góc độ Luật Sở hữu Trí tuệ, bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào trước khi muốn sử dụng một bức ảnh để kinh doanh thương mại, điều quan trọng nhất là phải tìm hiểu nhân vật trong bức ảnh, tác giả hay chủ sở hữu quyền tác giả bức ảnh để xin phép, trả thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả.

Tham khảo Án lệ của Tòa án Nhân quyền Châu Âu, Tòa đã tuyên rằng: Hình ảnh của một người tạo thành một trong những thuộc tính chính của tính cách của người đó, vì nó cho thấy những đặc điểm độc đáo của người đó và phân biệt người đó với bạn bè của anh ta. Do đó, quyền bảo vệ hình ảnh của một người là một trong những thành phần thiết yếu của sự phát triển cá nhân và giả định quyền kiểm soát việc sử dụng hình ảnh đó. Trong khi trong hầu hết các trường hợp, quyền kiểm soát việc sử dụng đó liên quan đến khả năng một cá nhân từ chối công bố hình ảnh của mình, thì người đó cũng có quyền phản đối việc cá nhân ghi lại, bảo tồn và tái tạo hình ảnh của người khác.

Luật pháp Hoa Kỳ sẽ chế tài nặng đối với những người tự ý đặt ảnh của người nổi tiếng bên cạnh sản phẩm của mình, tạo sự liên tưởng rằng sản phẩm của mình được nhân vật đó tin dùng với mục đích thúc đẩy doanh số.

Cơ chế bảo vệ quyền đối với hình ảnh cá nhân hiện nay

Để hạn chế tình trạng tùy tiện sử dụng bất hợp pháp hình ảnh cá nhân, Điều 32.3 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định: Việc sử dụng hình ảnh mà vi phạm quy định thì người có hình ảnh có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định buộc người vi phạm, cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải thu hồi, tiêu hủy, chấm dứt việc sử dụng hình ảnh, bồi thường thiệt hại và áp dụng các biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Theo đó, người sử dụng hình ảnh cá nhân bất hợp pháp gây ảnh hưởng danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác sẽ phải bồi thường thiệt hại gồm chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại, thu nhập thực tế bị mất hoặc bị giảm sút, thiệt hại khác do luật quy định và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần mà người bị thiệt hại đã gánh chịu theo Điều 592 của Bộ luật Dân sự 2015.

Ngoài việc phải bồi thường thiệt hại, người sử dụng thông tin, hình ảnh mà không được sự đồng ý hoặc sai mục đích, xúc phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác trên mạng xã hội sẽ có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 theo Điều 66.3.(e) Nghị định 174/2013/NĐ-CP.

Không chỉ được bảo vệ bởi Bộ luật Dân sự 2015 và Luật Báo chí 2016, quyền nhân thân của cá nhân còn được bảo vệ bởi Bộ luật Hình sự 2015 với quy định về tội danh làm nhục người khác như sau: “Người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ hoặc bị phạt tù tùy theo mức độ phạm tội”. Theo đó, khi hình ảnh của cá nhân bị sử dụng bất hợp pháp, xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người bị đăng ảnh thì người đó có khả năng sẽ bị áp dụng các chế tài nêu trên theo Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015.

Luật đã có, cần đẩy mạnh thực thi

Như chúng ta có thể thấy, mặc dù các nhà làm luật đã xây dựng nhiều cơ sở pháp lý nhằm bảo vệ quyền đối với hình ảnh của cá nhân nhưng việc sử dụng hình ảnh cá nhân mà không được sự cho phép của người này vẫn tràn lan trên các trang mạng xã hội và cả trên một số tờ báo khác. Trước thực trạng nêu trên, để tránh những hậu quả có thể xảy ra, mỗi cá nhân cần thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực, tránh chia sẻ hình ảnh nhạy cảm, hình ảnh không được phép trên mạng xã hội. Đồng thời, nâng cao ý thức bảo vệ hình ảnh của mình và cần quyết liệt lên án hành vi sai phạm của các trang mạng xã hội cũng như cơ quan truyền thông, báo chí. Song song với các quy định của luật pháp, các chuẩn mực đạo đức cũng là kim chỉ nam cho lương tâm của mỗi một nhà báo, mỗi một con người trước mỗi hành động của chính mình.

Đối với các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cần tăng cường kiểm tra, xử lý hành vi vi phạm của các cơ quan báo chí, đặc biệt là báo điện tử và những tổ chức, cá nhân vi phạm khác. Thậm chí nếu xét đủ các yếu tố cấu thành, thì xử lý hình sự đối với những người có hành vi sử dụng bất hợp pháp hình ảnh của người khác, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người đó.

Sau cùng, đối với những hành vi xâm phạm quyền hình ảnh của các cá nhân, Tòa án cần xem xét đưa ra xét xử theo thủ tục rút gọn theo Điều 317 Bộ Luật Tố tụng Dân sự 2015, nhằm giải quyết vụ án nhanh chóng, bảo vệ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người có hình ảnh bị xâm phạm.

Luật sư Lê Quang Vy – Luật sư Hoàng Thị Hoài Thu/Công ty Luật GV Lawyers

Luật sư Lê Quang Vy – Luật sư Hoàng Thị Hoài Thu/Công ty Luật GV Lawyers

Bạn đang đọc bài viết Quyền sử dụng hình ảnh cá nhân dưới nhãn quan đạo đức và pháp luật. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới