Chủ nhật, 24/11/2024 06:08 (GMT+7)
Thứ sáu, 20/08/2021 14:40 (GMT+7)

Sau báo lãi khủng, VietinBank thoái vốn tại một loạt công ty con

Theo dõi KTMT trên

Sau khi công bố lãi lớn trong 6 tháng đầu năm 2021, Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank - Mã chứng khoán: CTG) có động thái muốn thoái vốn tại công ty con để tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng.

Theo thông tin từ Công ty CP Chứng khoán KB (KBSV), VietinBank đang trình xin phê duyệt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) để thực hiện thoái vốn 50% tại VietinBank Leasing, với kì vọng có thể thực hiện thoái vốn vào cuối năm 2021.

Trong khi đó, Vietinbank cũng đang tìm đối tác chiến lược với mong muốn giảm vốn từ 75,6% xuống trên 50% đối với Công ty Chứng khoán VietinBank. Đồng thời,  ngân hàng đang dần hoàn thành việc thu bớt vốn từ 950 tỉ đồng xuống 300 tỉ đồng tại Quỹ VietinBank Capital.

Các giao dịch này dự kiến sẽ mang về cho VietinBank hàng trăm tỉ đồng. Mặc dù giá trị không đáng kể so với quy mô của ngân hàng, nhưng việc thoái vốn được đánh giá sẽ giúp Vietinbank tập trung nguồn lực và nâng cao tính hiệu quả hoạt động kinh doanh cốt lõi của ngân hàng.

Được biết, Vietinbank đầu tư góp vốn 100% vào VietinBank Leasing từ năm 1998. Tại thời điểm 30/6/2021, lượng vốn góp của VietinBank tại VietinBank Leasing là 1.000 tỷ đồng.

Báo cáo của KBSV cũng cũng cho biết, trong trường hợp thuận lợi, VietinBank có thể bắt đầu ghi nhận phí trả trước (upfront fee) từ hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm với Manulife vào quý 4/2021 hoặc muộn hơn vào quý 1/2022, sau khi Manulife hoàn tất mua lại Aviva. Thỏa thuận hợp tác độc quyền phân phối bảo hiểm này có upfront fee khoảng 30 triệu USD, dự kiến chi trả trong 6 năm. 

Tương tự như các ngân hàng quốc doanh khác, thu nhập hoạt động trong 6 tháng đầu năm 2021 của VietinBank tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu do lãi suất huy động giảm, đưa chi phí vốn về mức thấp. 

Lợi nhuận riêng ngân hàng trong nửa đầu năm 2021 ghi nhận 8.781 tỉ đồng, tăng 2.690 tỉ đồng (tương đương mức tăng 44%) so với cùng kỳ năm 2020. 

Đáng chú ý, lãi thuần từ dịch vụ tăng 25% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ vào việc triển khai bán sản phẩm như tài trợ thương mại, chuyển tiền, dịch vụ thẻ...

Tuy nhiên, chi phí dự phòng tăng cùng nợ xấu là một thách thức không nhỏ đối với ngân hàng.

Sau báo lãi khủng, VietinBank thoái vốn tại một loạt công ty con - Ảnh 1
Trích lập dự phòng của VietinBank (Nguồn: KBSV).

Vietinbank đã chủ động trích lập dự phòng rủi ro tín dụng đối với các khoản nợ được cơ cấu theo Thông tư 03. Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng hơn 1.812 tỉ đồng, tương đương mức tăng 28% so với 6 tháng đầu năm 2020. Tỉ lệ bao phủ nợ xấu tại ngày 30/6/2021 là 128%.

Sau báo lãi khủng, VietinBank thoái vốn tại một loạt công ty con - Ảnh 2
Cơ cấu nợ xấu, nợ cần chú ý của VietinBank (Nguồn: KBSV).

Trong vòng 6 tháng đầu năm, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) của Vietinbank tăng thêm 6.148 tỉ đồng (tương ứng tăng 102,3%). Tỉ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay cuối quý 2/2021 ở mức 1,34%, tăng so với Quý I/2021.

Theo VietinBank, tỉ lệ nợ xấu tăng do ngân hàng chủ động cơ cấu nợ tổng thể cho một số khách hàng lớn để đảm bảo các khách hàng này có thể tiếp tục duy trì hoạt động cũng như phục hồi phát triển trở lại trong thời gian tới.

Nợ cần chú ý (nợ nhóm 2) cũng tăng đột biến 51%, cảnh báo nguy cơ các khoản nợ có khả năng chuyển nợ nhóm nợ xấu sau thời gian áp dụng Thông tư 03.

Với kịch bản chiến dịch tiêm chủng diễn ra quyết liệt và về cơ bản dịch sẽ được kiểm soát trong năm 2022, KBSV kỳ vọng kết quả kinh doanh của VietinBank sẽ tăng trưởng tích cực khi nhu cầu tín dụng tăng cao và trích lập dự phòng giảm mạnh do đã đẩy mạnh trong năm 2021.

Theo đó, các chuyên gia của KBSV dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của VietinBank có thể đạt 16.876 tỉ đồng, tăng 22,8% so với năm ngoái.

Đầu tháng 7/2021, Bộ Chính trị quyết định điều động, bổ nhiệm ông Lê Đức Thọ - Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT VietinBank thôi giữ chức vụ Chủ tịch HĐQT VietinBank; tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng bộ tỉnh Bến Tre, giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Nhân sự nào sẽ  thay ông Lê Đức Thọ giữ "ghế nóng" tại VietinBank đang được nhiều người quan tâm. Hiện có luồng tin cho rằng, ông Trần Minh Bình là gương mặt “hội tụ” được nhiều yếu tố thuận lợi để trở thành tân Chủ tịch VietinBank.

Ông Trần Minh Bình đang là Thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc VietinBank. Ông Trần Minh Bình còn là đại diện cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sở hữu 720 triệu cổ phiếu CTG của VietinBank (tính đến tháng 04/2021), tương đương 19,34% vốn điều lệ của ngân hàng.

Tuấn Thủy

Bạn đang đọc bài viết Sau báo lãi khủng, VietinBank thoái vốn tại một loạt công ty con. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới