Sâu keo mùa thu: Sinh vật ngoại lai tàn phá 3.300 ha ngô tại Điện Biên
Sâu keo mùa thu là loài sâu mới được phát hiện, có nguồn gốc từ những vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ, hiện đã xuất hiện tại nhiều nước châu Á. Loài sâu này lây lan rất nhanh và gây hại nghiêm trọng tại những vùng bị xâm nhiễm.
Sâu keo mùa thu phá hoại hơn 3.300 ha ngô tại Điện Biên
Mới đây, theo thống kê từ Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên, toàn tỉnh hiện có hơn 3.300 ha ngô của người dân ở 9 huyện, thị xã bị sâu keo mùa thu phá hoại. Trong đó, Tủa Chùa là địa phương có nhiều diện tích ngô bị sâu keo mùa thu gây hại nhất (hơn 2.200 ha).
Sâu keo mùa thu phá hoại hàng ngàn ha ngô tại Điện Biên. Ảnh: VOV. |
Nhiều người dân tại huyện Tủa Chùa vì nghĩ là sâu thông thường như mọi năm, nên khi phát hiện cây ngô bị sâu ăn lá đã mua thuốc bảo vệ thực vật về phun thì thấy sâu không chết mà chúng tiếp tục lan sang diện tích khác nhiều hơn, nhanh hơn. Đến nay, rất nhiều diện tích ngô của người dân xã Tả Sìn Thàng (Tủa Chùa) bị loài sâu này gây hại.
Tại tỉnh Điện Biên, loài sâu này được phát hiện từ đầu tháng 4/2019, rải rác tại xã Sính Phình (huyện Tủa Chùa), đến nay hơn 2.200 ha tại 11 xã trong huyện Tủa Chùa bị sâu gây hại; mật độ sâu phổ biến từ 8-10 con/m2. Ở huyện Tuần Giáo, sâu keo mùa thu cũng gây hại chủ yếu trên cây ngô tại hai xã Pú Nhung, Quài Nưa - thủ phủ cây ngô ở Tuần Giáo khiến người trồng ngô hết sức lo lắng.
Trước khả năng lây lan nhanh và phức tạp của sâu keo mùa thu, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Điện Biên đã yêu cầu các trạm bảo vệ thực vật phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện tuyên truyền đến người dân thường xuyên kiểm tra, theo dõi nương ngô để sớm phát hiện và xử lý kịp thời loại sâu này.
Trước đó (17/5), tại Bình Thuận, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã đi kiểm tra ruộng ngô trên địa bàn xã Đa Kai, huyện Đức Linh và phát hiện sâu keo mùa thu phá hại 10 ha ngô, mật chủ yếu 4-8 con/m2, cá biệt có những nơi mật độ trên 8 con/m2.
Loài sinh vật ngoại lai gây hại
Sâu keo mùa thu có tên khoa học là Spodoptera frugiperda, đây là một loài bướm đêm trong họ Noctuidae. Loài côn trùng bộ cánh vảy này ăn số lượng lớn trên lá và thân của hơn 80 loài thực vật, gây thiệt hại lớn không chỉ cho các loại cây trồng quan trọng về kinh tế như ngô, lúa, và mía, mà còn gây thiệt hại cho các loại cây trồng và bông khác.
Sâu keo mùa thu - loài sinh vật ngoại lai mới xâm lấn vào Việt Nam. |
Đây là loài sâu ngoại lai mới xâm lấn vào Việt Nam, có khả năng di trú xa. Khác với các loài từng gây hại trước đây, sức ăn của sâu keo mùa thu rất khỏe, một cá thể sâu trưởng thành có thể ăn hết phần ngọn cây ngô trong vài ngày và thải ra lượng phân lớn. Sâu tuổi nhỏ thường tập trung nhiều cá thể trên một cây. Cây ngô đã bị sâu này gây hại khó có khả năng phục hồi, vì loài sâu này thường cắn đứt ngọn cây ngô sau đó chúng mới ăn khuyết dần các lá tiếp theo.
Sâu trưởng thành có chiều dài cơ thể từ 1,6 - 1,7 cm và sải cánh là 3,7 - 3,8 cm, con cái có sải cánh dài hơn. Trứng được đẻ thành bọc, mỗi bọc 150 - 200 trứng, quả trứng có hình cầu, đường kính là 0,75mm. Ấu trùng của loài có màu xanh nhạt đến nâu sẫm, ở giai đoạn tuổi thứ 6, ấu trùng dài 3 - 4 cm. Nhộng có chiều dài 1,3 - 1,7 cm (tùy theo con đực và con cái) và có màu nâu sáng bóng.
Sâu keo mùa thu là loài sâu mới có nguồn gốc từ khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Mỹ. Loài sâu keo mùa thu đã được phát hiện và ghi nhận gây hại tại các quốc gia thuộc châu Á, châu Phi, châu Mỹ (bắc Mỹ, trung Mỹ và nam Mỹ) và một số quốc gia tại châu Âu. Trong đó, tại châu Á, loài sâu hại này đã xuất hiện và gây hại tại Ấn Độ, Banglades, Srilanka, Myanmar, Thái Lan, Yemen và Trung Quốc và hiện nay đã có mặt ở Việt Nam.
Loài này đã nhiều lần bị hệ thống kiểm dịch ngăn chặn tại châu Âu và lần đầu tiên được báo cáo xuất hiện ở châu Phi vào năm 2016, nơi nó đang gây thiệt hại đáng kể cho cây ngô và có khả năng lớn để lan rộng hơn và gây thiệt hại kinh tế nặng nề hơn.
Bên cạnh việc ghi nhận gây hại cho nông nghiệp, hiện nay, trên thế giới chưa ghi nhận, đánh giá về thiệt hại đến đa dạng sinh học do loài sâu này gây ra. Tháng 2/2019, loài sâu keo mùa thu đã có mặt tại Việt Nam và gây hại cục bộ tại một số tỉnh phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ. Hiện nay, các tác động chủ yếu của loài sâu này là đến cây trồng nông nghiệp và Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn đã chỉ đạo toàn ngành kiểm dịch thực vật từ tháng 2/2019 đối với các biện pháp ngăn ngừa sự du nhập, theo dõi, giám sát và phòng trừ loài sâu keo mùa thu.
Xuân Đoàn