Chủ nhật, 24/11/2024 07:36 (GMT+7)
Thứ sáu, 23/12/2022 06:58 (GMT+7)

Sổ đỏ đất nhận thừa kế có cấp cho người Việt định cư nước ngoài?

Theo dõi KTMT trên

Người Việt Nam định cư ở nước ngoài là chủ thể sử dụng đất và được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành. Trường hợp nào người Việt định cư ở nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định Số 138/2006/NĐ-CP do Chính phủ ban hành ngày 15 tháng 11 năm 2006 quy định chi tiết thi hành các quy định của Bộ luật Dân sự về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài thì: ““Người Việt Nam định cư ở nước ngoài” là người có quốc tịch Việt Nam và người gốc Việt Nam đang cư trú, làm ăn, sinh sống lâu dài ở nước ngoài”. Người Việt Nam định cư ở nước ngoài có được nhận thừa kế quyền sử dụng đất không?

Theo thông tin cho biết, ông S là người Việt Nam định cư ở nước ngoài. Năm 2016, ông được nhận thừa kế theo di chúc quyền sử dụng đất tại tỉnh Long An. Do theo Luật Đất đai ông không đủ điều kiện đứng tên quyền sử dụng đất nêu trên mà chỉ được hưởng giá trị theo quy định.

Sổ đỏ đất nhận thừa kế có cấp cho người Việt định cư nước ngoài? - Ảnh 1

Sau khi lập thủ tục khai di sản thừa kế vào năm 2016, ông Sáu có nộp hồ sơ đăng ký theo quy định tại Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện nơi có đất và đã được ghi tên trong sổ địa chính.

Tháng 5/2022, ông đã làm mất toàn bộ hồ sơ (bao gồm bản chính Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Ông hỏi, trong trường hợp này thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận được thực hiện như thế nào? Ông không được đứng tên trên Giấy chứng nhận thì Giấy chứng nhận phải ghi nội dung ra sao?

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 Luật Đất đai thì trường hợp người nhận thừa kế quyền sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại Khoản 1 Điều 186 Luật Đất đai thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất nhưng được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế.

Trong trường hợp chưa chuyển nhượng hoặc chưa tặng cho quyền sử dụng đất thì người nhận thừa kế hoặc người đại diện có văn bản ủy quyền theo quy định nộp hồ sơ về việc nhận thừa kế tại cơ quan đăng ký đất đai để cập nhật vào Sổ địa chính.

Căn cứ quy định nêu trên thì trường hợp người nhận thừa kế quyền sử dụng đất là người Việt Nam định cư ở nước ngoài không thuộc đối tượng được mua nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở tại Việt Nam quy định tại Khoản 1 Điều 186 của Luật Đất đai thì người nhận thừa kế không được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Tuy nhiên, người nhận thừa kế được chuyển nhượng hoặc được tặng cho quyền sử dụng đất thừa kế theo quy định tại Khoản 3 Điều 186 khi có đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 188 của Luật Đất đai.

Các trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất

Theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013, người Việt Nam định cư ở nước ngoài theo quy định của pháp luật về quốc tịch là đối tượng sử dụng đất được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

Theo quy định tại Điều 169 Luật Đất đai năm 2013 thì người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất trong các trường hợp sau đây:

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận chuyển quyền sử dụng đất thông qua nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài thuộc diện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam theo quy định của pháp luật về nhà ở được nhận chuyển quyền sử dụng đất ở thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở hoặc được nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở.

Theo quy định tại Điều 8 Luật Nhà ở năm 2014 thì đối với người Việt Nam định cư ở nước ngoài được sở hữu nhà ở Việt Nam thì phải được phép nhập cảnh vào Việt Nam và được có nhà ở hợp pháp thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở thương mại của doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản; mua, nhận tặng cho, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được phép bán nền để tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định của pháp luật.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước giao đất.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất thông qua việc Nhà nước cho thuê đất.

– Người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai, quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án đã được thi hành; văn bản công nhận kết quả đấu giá quyền sử dụng đất phù hợp với pháp luật.

Như vậy, người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sử dụng đất thông qua hình thức mua, thuê mua, nhận thừa kế, nhận tặng cho nhà ở gắn liền với quyền sử dụng đất ở; nhận quyền sử dụng đất ở trong các dự án phát triển nhà ở; được Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc theo quyết định công nhận quyền sử dụng đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Huyền Diệu

Bạn đang đọc bài viết Sổ đỏ đất nhận thừa kế có cấp cho người Việt định cư nước ngoài?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới