Sóc Trăng: Những nội dung gì được trao đổi tại buổi đối thoại với doanh nghiệp lần 2?
Sau lần họp mặt, đối thoại lần thứ nhất diễn ra thành công, sáng 10/10, tỉnh Sóc Trăng tiếp tục tổ chức buổi đối thoại doanh nghiệp lần 2 năm 2024.
Tham dự buổi họp mặt, đối thoại doanh nghiệp lần 2 năm 2024 có ông Trần Văn Lâu, Phó Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng; ông Lâm Hoàng Nghiệp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; bà Nguyễn Thị Huệ Chi, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ tỉnh. Về phía VCCI có sự góp mặt của ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI ĐBSCL. Bên cạnh đó là đại diện các hội, hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng và các doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh trên địa bàn.
Nhiều chỉ số đem đến tín hiệu tích cực
Báo cáo tại buổi họp mặt, đối thoại doanh nghiệp lần 2 năm 2024, đại diện UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, trong 9 tháng đầu năm, tỉnh đã triển khai đồng bộ nhiều nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội để tháo gỡ khó khăn, khơi thông các điểm nghẽn. Theo số liệu công bố của Tổng cục thống kê, tốc độ tăng trưởng kinh tế tỉnh Sóc Trăng 9 tháng ước đạt 6,55%, cùng kỳ năm 2023 là 4,99%. Trong đó, Khu vực I tăng 4,4% (cùng kỳ tăng 1,68%); Khu vực II tăng 11,83% (cùng kỳ tăng 5,19%), trong đó công nghiệp tăng 12,96% (cùng kỳ tăng 4,41%); Khu vực III tăng 6,61% (cùng kỳ tăng 9,22%); Thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 7,86% (cùng kỳ tăng 4,95%).
Về tình hình phát triển doanh nghiệp, UBDN tỉnh Sóc Trăng cho biết, từ đầu năm 2024 đến nay, doanh nghiệp đăng ký so với cùng kỳ chưa đạt được mức phát triển như kỳ vọng. Chỉ số gia nhập thị trường có tăng trưởng nhưng không nhiều, đồng thời tỷ lệ rút lui khỏi thị trường lại có xu hướng tăng cao hơn, tiếp tục phản ánh những khó khăn trong môi trường kinh doanh.
Tính đến tháng 9, tổng số doanh nghiệp gia nhập thị trường là 358 doanh nghiệp, tăng 4,7% so cùng kỳ. Trong đó, 296 doanh nghiệp thành lập mới (tăng 6,8%) với tổng vốn đăng ký là 1.743 tỷ đồng (giảm 18,5%); có 62 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động (tăng 29%).
Tuy nhiên, tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 220 doanh nghiệp, tăng 18% so với cùng kỳ, trong đó, 75 doanh nghiệp giải thể (giảm 1,3%); có 145 doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động (tăng 29,5%). Tính đến nay, toàn tỉnh hiện có 3.871 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký là 50.524 tỷ đồng.
Việc phát triển kinh tế hợp tác được UBND tỉnh Sóc Trăng quan tâm và có những hiệu ứng tích cực. Cụ thể, trong 9 tháng, toàn tỉnh thành lập mới 7 hợp tác xã và 1 đơn vị trực thuộc; giải thể 08 hợp tác xã. Lũy kế đến nay toàn tỉnh có 226 hợp tác xã và 13 đơn vị trực thuộc, có 1.251 tổ hợp tác.
Về thu hút đầu tư, từ đầu năm đến nay, tỉnh Sóc Trăng đã tiếp và làm việc với 75 lượt nhà đầu tư. Toàn tỉnh có 7 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 2.235 tỷ đồng. Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp đã kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ cho 4 trường hợp khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình thực hiện các thủ tục và triển khai các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư dự án theo quy định.
Kiến nghị của doanh nghiệp đã được xử lý thế nào?
Trao đổi tại buổi họp mặt, đối thoại doanh nghiệp, ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh tổ chức 4 lần gặp gỡ, họp mặt và tiếp xúc trực tiếp với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Các buổi gặp mặt này giúp tỉnh nắm bắt tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, lắng nghe những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp.
“Đã có một buổi gặp mặt, đối thoại và 3 buổi gặp gỡ, ăn sáng định kỳ. Sau các buổi họp mặt, gặp gỡ, UBND tỉnh đều ban hành văn bản chỉ đạo, phân công cụ thể các Sở ngành, địa phương giải quyết cho doanh nghiệp. UBND tỉnh cũng đôn đốc việc các sở, ngành, địa phương báo cáo tiến độ giải quyết khó khăn vướng mặc cho doanh nghiệp”, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng chia sẻ.
Ông Trần Văn Lâu thông tin thêm, tỉnh đã tiếp nhận 18 lượt ý kiến phản ánh của các doanh nghiệp/hiệp hội doanh nghiệp về những khó khăn, vướng mắc và đề nghị hỗ trợ trong quá trình hoạt động. Sau các buổi gặp gỡ, 100% các ý kiến của các doanh nghiệp đều được UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các đơn vị có liên quan xem xét giải quyết. Đến nay có 15/18 ý kiến phản ánh đã được UBND tỉnh và các sở, ngành, địa phương trả lời, giải quyết (đạt tỷ lệ 83,33%). Đối với 3 kiến nghị còn lại UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tiếp tục xem xét, giải quyết cho doanh nghiệp.
Về định hướng 3 tháng cuối năm 2024, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết, UBDN tỉnh đã có những định hướng rất rõ ràng và toàn diện. Trong đó có nội dung liên quan đến công tác quy hoạch, xúc tiến đầu tư, phát triển doanh nghiệp, kinh tế hợp tác. Cụ thể, tỉnh sẽ triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch tỉnh Sóc Trăng thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt). Triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình Xúc tiến đầu tư năm 2024. Xây dựng Danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Sóc Trăng giai đoạn đến năm 2030. Đặc biệt, tỉnh định hướng triển khai có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp theo Đề án Hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đến năm 2025; Nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã, xây dựng mô hình hợp tác xã hiệu quả và thực hiện tái cơ cấu, giải thể dứt điểm các hợp tác xã yếu kém, ngừng hoạt động. Đặc biệt, tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng năm 2024.
"Trong 9 tháng đầu năm 2024 và những năm trước, tỉnh Sóc Trăng đạt được những thành tựu, chỉ tiêu tích cực trong việc phát triển kinh tế xã hội một phần quan trọng là nhờ vào sự nỗ lực, cố gắng của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phát triển tạo ra công ăn việc làm, tạo ra giá trị cho xã hội và góp phần vào phát triển kinh tế tỉnh nhà. Tuy nhiên, hiện nay thế giới và Việt Nam đang chuyển đổi số mạnh mẽ. Các doanh nghiệp cần phải chuyển đổi số, đầu tư công nghệ mới có thể tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Lúc này, các doanh nghiệp phải phát huy nội lực, cơ quan Nhà nước chỉ có thể hỗ trợ về các thủ tục hành chính một cách thông suốt nhất", Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng nói.
Nhiều thời cơ cho doanh nghiệp tỉnh bứt phá
Phát biểu tại buổi đối thoại, TS.Trần Khắc Tâm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, cách đây vừa đúng một năm, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 41, xác định “Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh”.
Đồng thời, Bộ Chính trị cũng đánh giá “sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu”.
“Từ “kim chỉ nam” của Nghị quyết 41, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã khẩn trương ban hành chương trình số 57 nêu lên 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm phát triển đội ngũ doanh nhân Sóc Trăng lớn mạnh cả về số lượng, chất lượng”, TS.Trần Khắc Tâm nhấn mạnh.
Ông Tâm nói rằng, việc công bố Quy hoạch tỉnh và triển khai thực hiện quy hoạch, đẩy mạnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông và các hạ tầng trọng yếu khác, trong đó Sóc Trăng có vị thế là cửa ngõ của khu vực ĐBSCL ra biển Đông, đang tạo ra những thời cơ, thuận lợi mới, làm thay đổi diện mạo quê hương, đây cũng là thời cơ để đội ngũ doanh nghiệp trong tỉnh phát triển lên một tầm cao mới.
Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đánh giá cao sự tâm huyết, tinh thần chủ động của lãnh đạo tỉnh trong việc đồng hành với cộng đồng doanh nghiệp. Lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND đã coi sự thành công của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư, làm ăn tại Sóc Trăng cũng là thành công của địa phương.
Thực tế cho thấy, trong suốt thời gian qua, với sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, các doanh nghiệp tại Sóc Trăng đã được tham gia nhiều hoạt động hữu ích như các hội nghị xúc tiến đầu tư, các cuộc tiếp xúc doanh nghiệp trong và ngoài nước, sinh hoạt cà phê cùng doanh nghiệp, đối thoại doanh nghiệp…
Vị này dẫn chứng, mới đây nhất, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Lâm Hoàng Nghiệp đã dẫn đầu đoàn công tác xúc tiến thương mại và đầu tư tại Trung Quốc, với mục đích đẩy mạnh hoạt động kếu gọi đầu tư, xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm ngoài nước, quảng bá các thế mạnh của tỉnh. Trong chuyến đi này, tỉnh đã làm việc và ký kết thỏa thuận hợp tác với Tập đoàn Xây dựng Cao tốc số 1 (Trung Quốc).
TS.Trần Khắc Tâm cho biết, hồi đầu năm, với sự quan tâm chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh, trên 100 doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng với các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn của Trung Quốc đã có cuộc gặp gỡ, tìm hiểu môi trường đầu tư tại Sóc Trăng. Tại sự kiện này, Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại TP.Hồ Chí Minh – ông Ngụy Hoa Tường cho biết, doanh nghiệp Trung Quốc rất quan tâm và mong muốn hợp tác cùng với các chuyên gia lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác của Việt Nam.
“Tôi nghĩ rằng, sự nỗ lực, chủ động của Lãnh đạo địa phương như đã nêu trên đang đi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: “chỉ bàn làm, không bàn lùi”. Thời cơ và không gian hợp tác đang ngày càng rộng mở. Thay mặt cộng đồng doanh nghiệp, tôi xin gửi lời cảm ơn đến lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân, các ban, sở, ngành, các tổ chức xã hội trong thời gian qua đã quan tâm chỉ đạo, động viên, lắng nghe và đồng hành với đội ngũ doanh nghiệp trong tỉnh, giúp đội ngũ doanh nghiệp từng bước khắc phục khó khăn, đầu tư sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung trong tỉnh”, vị này chia sẻ.
Ông Tâm cũng nhìn nhận rằng, hiện nay doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn. Đại dịch COVID-19 và những bất ổn tại một số khu vực trên thế giới đã gây ra những khó khăn chưa từng có cho doanh nghiệp, trong đó có không ít doanh nghiệp trên địa bàn Sóc Trăng chúng ta. Nhiều doanh nghiệp đã không thể tồn tại vì tác động từ cả bên trong và bên ngoài, trong đó một trong những lý do là không huy động được vốn sản xuất. Không ít nơi, đặc biệt ở khu vực ĐBSCL, lãnh đạo một số chi nhánh ngân hàng vẫn làm việc theo lề lối cũ, tạo ra nhiều rào cản trong tiếp cận vốn của doanh nghiệp.
Bên lề cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp do Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì ngày 4/10 vừa qua tại Hà Nội, ông Tâm nói rằng đã có trao đổi với một số lãnh đạo các ngân hàng về nội dung mong Ngân hàng Nhà nước trao đổi, chỉ đạo với các ngân hàng thương mại rà soát đội ngũ cán bộ, nâng cao năng lực, phẩm chất cán bộ, nhân viên tại các chi nhánh để có thể thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước nhằm khơi thông dòng vốn, cung cấp tài chính do doanh nghiệp hoạt động.
Tại hội nghị đối thoại, lãnh đạo Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng đề nghị lãnh đạo tỉnh tiếp tục quan tâm, chỉ đạo quyết liệt đối với các sở, ngành giải quyết những khó khăn cụ thể đối với từng dự án, từng doanh nghiệp, đặc biệt là các thủ tục hành chính. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị, chất lượng nguồn nhân lực; tạo kết nối giữa doanh nghiệp trong tỉnh và các doanh nghiệp bên ngoài tỉnh, doanh nghiệp ngoài nước đến đầu tư, làm ăn tại Sóc Trăng.
Vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế
Bên cạnh những mặt tích cực, tình hình kinh tế - xã hội trong 9 tháng đầu năm 2024, UBND tỉnh Sóc Trăng cũng đưa ra một số khó khăn, hạn chế. Cụ thể, tình hình xâm nhập mặn diễn ra gay gắt hơn so với trung bình nhiều năm. Diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tăng so cùng kỳ. Vấn đề thu hút đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp cũng chưa đạt kỳ vọng. Đặc biệt, có 2 dự án điện gió đã hoàn thành thi công, nhưng chậm đưa vào vận hành thương mại; 8 dự án điện gió đã có chủ trương đầu tư nhưng chưa kh ởi công.
Về vấn đề môi trường, tình trạng ô nhiễm vẫn còn tiếp diễn, nhất là ô nhiễm nguồn nước kênh, rạch; vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu nước sinh hoạt hoặc nước không đều, không đảm bảo chất lượng.
Tình hình phát triển doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi tổng số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng so cùng kỳ.
Kết quả thực hiện các chỉ số của tỉnh năm 2023 (PAR Index, SIPAS, PCI) giảm mạnh so với năm 2022.
Văn Chương