Chủ nhật, 24/11/2024 09:37 (GMT+7)
Thứ năm, 15/08/2019 15:47 (GMT+7)

Sữa học đường: Chưa thống nhất bổ sung 3 hay 21 vi chất

Theo dõi KTMT trên

TS Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, việc bổ sung 3 vi chất hay 21 vi chất trong Sữa học đường đang là vấn đề tiếp tục được Bộ Y tế nghiên cứu một cách khoa học, minh bạch và Bộ sẽ lấy ý kiến đồng thuận cao nhất của các doanh nghiệp cũng như các nhà khoa học để có quyết định cuối cùng.

Sữa học đường: Chưa thống nhất bổ sung 3 hay 21 vi chất - Ảnh 1
TS Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế trả lời báo chí sáng 15/8.

Bổ sung vi chất thế nào là đủ?

Một trong những nội dung được các doanh nghiệp, cũng như nhiều bậc phụ huynh có con em đang đăng ký Chương trình Sữa học đường quan tâm là việc bổ sung vi chất như thế nào là đủ để nâng cao tầm vóc, thể lực trẻ em. Đặc biệt, trong Thông tư về Chương trình Sữa học đường mà Bộ Y tế đang lấy ý kiến, việc bổ sung 3 vi chất hay 21 vi chất đang là vấn đề còn được tranh luận.

Sáng nay, 15/8, trả lời báo chí về thông tin này, TS Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ Bà mẹ - Trẻ em, Bộ Y tế cho biết, việc bổ sung vi chất cần có cơ sở khoa học, bảo đảm tính thực tiễn, tính khả thi, phù hợp thông lệ quốc tế và quan trọng hơn cả là phải hướng tới thực hiện chỉ tiêu trong quyết định 1340/QĐ-TTg (đáp ứng nhu cầu sắt, vitamin D, canxi của trẻ em MG, TH thêm 30% vào năm 2020).

Bên cạnh đó, theo ông Vinh, việc bổ sung vi chất như thế nào cũng cần xem xét lựa chọn phương án giúp tiết kiệm ngân sách nhà nước, giảm chi phí người dân và bảo đảm quyền lợi của các doanh nghiệp tham gia cung cấp sản phẩm phục vụ chương trình. “Mục đích cao nhất mà Bộ Y tế hướng tới là các cháu được sử dụng sản phẩm tốt nhất, tình trạng dinh dưỡng cũng như tầm vóc thể lực của các cháu được cải thiện theo đúng quy định của Thủ tướng Chính phủ”, ông Vinh nhấn mạnh.

Về nội dung còn đang chưa có được sự thống nhất nên bổ sung 3 vi chất hay 21 vi chất, ông Vinh cho biết, “Bổ sung 3 vi chất hay bổ sung thêm 18 vi chất theo khuyến nghị thành 21 vi chất, phải có cơ sở nghiên cứu khoa học. Bộ Y tế sẽ làm một cách công khai, minh bạch, lấy ý kiến các doanh nghiệp và ý kiến của các nhà khoa học tạo một sự đồng thuận cao nhất. Khi còn những ý kiến khác nhau, lúc đó vai trò quyết định sẽ là của cơ quan nhà nước”.

Vì những ý kiến còn tranh luận, nên hiện tại, Bộ Y tế chưa có quyết định bổ sung bao nhiêu vi chất vào sữa học đường. “Bộ Y tế đang khẩn trương hoàn thiện quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường”, ông Vinh nói.

Cũng theo ông Vinh, trong Quyết định Thủ tướng nêu rõ, để can thiệp tình trạng thấp còi của trẻ em Việt Nam, không chỉ có việc triển khai Chương trình Sữa học đường mà còn rất nhiều chương trình can thiệp khác tác động vào, đặc biệt là vai trò của Bộ Giáo dục và Đào tạo là chương trình giáo dục dinh dưỡng hợp lý, tăng cường vận động thể lực. “Khó khăn để cải thiện thấp còi là cố gắng bổ sung vi chất, giảm suy dinh dưỡng và tăng cường các biện pháp phối hợp khác”, ông Vinh nhấn mạnh.

Sữa học đường: Chưa thống nhất bổ sung 3 hay 21 vi chất - Ảnh 2

Tiếp tục triển khai Sữa học đường theo quy định hiện hành

TS Nguyễn Đức Vinh cho biết, sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình Sữa học đường (ngày 8/7/2016 QĐ 1340/QĐ-TTg), Bộ trưởng Y tế đã ban hành Quyết định số 5450/QĐ-BYT về Quy định thạm thời đối với sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình Sữa học đường và ban hành nhiều băn bản hướng dẫn các địa phương tổ chức thực hiện Chương trình Sữa học đường tại địa phương.

Trong đó Bộ Y tế nhấn mạnh, sản phẩm sữa tươi dùng trong Chương trình Sữa học đường phải sử dụng nguyên liệu đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa tươi nguyên liệu theo Thông tư số 29/2017/TT-BNNPTNT ngày 29/12/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Nguyên liệu sữa tươi này khi sản xuất thành sản phẩm sữa học đường phải đạt yêu cầu theo quy định tại Quyết định số 5450/QĐ-BYT ngày 28/9/2016 của Bộ Y tế. Việc tổ chức đấu thầu lựa chọn sản phẩm phục vụ chương trình thuộc về các địa phương, tuy nhiên cần công khai, minh bạch theo đúng các quy định trên.

Bộ Y tế cũng đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, bảo đảm sự an toàn và tính hiệu quả của sản phẩm tham gia Chương trình Sữa học đường. Do đó, tùy tình hình thực tế, các địa phương có thể triển khai thí điểm hoặc toàn tỉnh; chú ý ưu tiên vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn và các khu vực có nhiều trẻ em suy dinh dưỡng.

Ông Vinh nhấn mạnh: “Đến hiện tại, qua công tác giám sát của Bộ Y tế và báo cáo của các địa phương có 15 tỉnh đã và đang triển khai chương trình. Đặc biệt có tỉnh rất khó khăn như Sơn La vẫn dành kinh phí của địa phương ưu tiên triển khai chương trình. Như vậy, có thể khẳng định với việc ban hành Quyết định 5450/QĐ-BYT và các hướng dẫn Bộ Y tế gửi địa phương triển khai cùng với sự quan tâm của cấp uỷ, chính quyền các tỉnh/thành phố, sự vào cuộc và ủng hộ của các doanh nghiệp cũng như người dân, nhiều địa phương đã và đang và sẽ tiếp tục triển khai chương trình hiệu quả”.

Do đó, trong khi Bộ Y tế chưa ban hành các quy định mới, ông Vinh cho biết, các địa phương vẫn tiếp tục triển khai thực hiện theo đúng các quy định hiện hành như trong thời gian vừa qua.

“Tôi cũng xin khẳng định lại, Chính phủ giao Bộ Y tế xây dựng và ban hành các quy định hướng dẫn về sản phẩm sữa tươi phục vụ Chương trình không phải ban hành quy chuẩn. Thế giới và Việt Nam đều không có quy chuẩn sữa tươi. Việt Nam đã ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng lỏng (QCVN 5-1: 2010/BYT) và Bộ Y tế đã ban hành Quyết định 5450”, ông Vinh nói thêm.

Sữa học đường: Chưa thống nhất bổ sung 3 hay 21 vi chất - Ảnh 3

Về chủ trương của Bộ Y tế trong việc mở rộng duy trì và bảo đảm hiệu quả Chương trình Sữa học đường, ông Vinh chia sẻ, thực tiễn triển khai chương trình này ở một số quốc gia như Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan sau 5 năm triển khai đã giúp giảm tình trạng suy dinh dưỡng, tăng chiều cao của trẻ em. Trung Quốc tăng thêm 2 cm, Thái Lan tăng thêm 5 cm. “Tại Việt Nam, qua 5 năm triển khai Chương trình Sữa học đường tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, tỷ lệ trẻ em thoát suy dinh dưỡng đạt 21,7%, đặc biệt có trẻ cải thiện về chiều cao đạt 36,8%”, ông Vinh cho biết.

Khẳng định là chương trình rất có hiệu quả về an sinh xã hội cũng như cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học, góp phần quan trọng vào việc thực hiện Nghị quyết 20, 21 của Hội nghị lần thứ sáu Ban chấp hành Trung ương khoá XII về nâng cao tầm vóc thể lực người Việt Nam, ông Vinh nhấn mạnh “sau khi kết thúc Chương trình Sữa học đường, Bộ Y tế dự kiến đề xuất Chính phủ giao UBND các tỉnh/thành phố tiếp tục triển khai chương trình như là nhiệm vụ thường xuyên”.

Bạn đang đọc bài viết Sữa học đường: Chưa thống nhất bổ sung 3 hay 21 vi chất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới