Chủ nhật, 24/11/2024 13:12 (GMT+7)
Thứ tư, 03/07/2019 15:00 (GMT+7)

Tác hại của ánh nắng đối với mắt

Theo dõi KTMT trên

Tia cực tím từ ánh nắng mặt trời không những gây hại cho da, mà chúng còn là nguyên nhân gây ra các vấn đề về mắt, như bệnh đục tinh thể mắt, lão hoá, hoặc thoái hoá màng mắt.

Tác hại của ánh nắng đối với mắt - Ảnh 1
Ánh nắng mặt trời có những lợi ích nhất định đối với sức khỏe con người, nhưng cũng có những tác động tiêu cực - Ảnh minh họa

Không thể phủ nhận những lợi ích của ánh nắng mặt trời tới sức khỏe, như giúp tổng hợp vitamin D qua da, nhờ đó giúp Canxi hấp thu tốt từ ruột vào máu góp phần giúp trẻ cao lớn, người trưởng thành phòng chống các bệnh về xương. Bên cạnh đó, ánh nắng giúp tiêu diệt mầm bệnh trên da, giúp ngăn chặn một số loại ung thư và tăng cường hệ miễn dịch. Tuy nhiên, nếu tiếp xúc với ánh nắng trong thời gian dài sẽ gây hại cho đôi mắt.

Theo nghiên cứu khoa học, tia cực tím xuất hiện ở ánh nắng mặt trời, nằm ở dải sóng 400-100nm. Đây là loại bước sóng dài hơn tia X-quang (tia xuyên qua cơ thể để chẩn đoán, khám chữa bệnh). Ngày nay, trái đất hứng chịu tia cực tím ngày càng nhiều do tầng ozone bị thủng ngày càng lớn. Do đó, những bệnh tật mà tia cực tím hay còn gọi là tia UV xuất hiện cũng nhiều hơn.

Tia UV trong ánh nắng gây nhiều bệnh cho mắt

Phỏng võng mạc: Các tia sáng mạnh có thể vào sâu hơn trong mắt, gây tổn thương cho võng mạc. Võng mạc là một lớp thần kinh nhạy cảm với ánh sáng. Nếu lớp này bị phỏng, nhất là vùng trung tâm mắt (hoàng điểm) thì mắt sẽ nhìn mờ, không phục hồi được.

Viêm giác mạc: Trong ánh nắng có tia cực tím với cường độ quá mạnh làm cho mắt bị khô, đỏ, có cảm giác như bị phỏng, đau, có vật lạ trong mắt hay sợ sáng.

Đục thủy tinh thể hay cườm khô: Tia cực tím ở những nguồn sáng mạnh cũng có thể gây những phản ứng hóa học trong thủy tinh thể, làm đục thủy tinh thể và mắt mờ dần. Vì thế, những người sống ở vùng biển bị cườm nhiều hơn. Ngoài ra, nắng chói cũng làm tăng tiến trình lão hóa mắt.

Suy thoái hoàng điểm: Bệnh này có liên quan đến tuổi già, và trong quá trình lão hóa gây tổn thương cho hoàng điểm. Ở những nước Âu Mỹ, tỷ lệ này khoảng 20-30% cho những người trên 60 tuổi. Nếu tuổi càng lớn, tỷ lệ này càng cao. Khi ra nắng nhiều, các tia độc hại sẽ gây tổn thương hệ thần kinh ở vùng hoàng điểm, mắt sẽ bị mờ, nhìn hình ảnh méo mó.

Tác hại của ánh nắng đối với mắt - Ảnh 2
Tia UV từ ánh nắng có thể gây nhiều bệnh cho đôi mắt - Ảnh minh họa

Cách phòng ngừa tác hại của ánh nắng đối với mắt

Chúng ta có rất nhiều cách để bảo vệ da khỏi ảnh hưởng của tia cực tím nhưng lại bỏ quên trong việc bảo vệ đôi mắt. Có rất nhiều cách đơn giản, an toàn như đội nón, mang kính râm. Thực tế cho thấy, chúng ta đã không chú trọng nhiều đến vấn đề này.

Các chuyên gia nói rằng: cha mẹ nên cho con em mình đeo kính mát thường xuyên hơn, điều đó giúp bảo vệ mắt khỏi tia cực tím và cũng nên thận trọng khi đi mua mắt kính. Chọn mắt kính đã được phủ chất bảo vệ và có màu xám là tốt nhất.

Tác hại của ánh nắng đối với mắt - Ảnh 3
Nên đeo kính râm, đội mũ để hạn chế ánh nắng tiếp xúc với mắt - Ảnh minh họa

Biện pháp quan trọng nhất để tránh tác hại của ánh nắng đối với mắt là tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng, tránh thời gian mà lượng tia UV nhiều nhất, như từ 11h đến 16h, hoặc mùa hè... Nếu bắt buộc phải làm việc dưới nắng, chúng ta phải tìm cách hạn chế nắng xâm nhập vào cơ thể.

Vào những ngày nắng oi ả, tránh ra ngoài vào những giờ nắng nóng cao điểm, nhất là từ 12h đến 15h chiều vì đây là thời điểm tia cực tím hoạt động mạnh nhất. Không nên nhìn lên trời bằng mắt trần ngay cả khi trời có mây vì mây không ngăn được tia cực tím.

Dùng thuốc nhỏ mắt chứa các vitamin, acid amin để phòng ngừa các bệnh về mắt do các tia sáng. Cung cấp dinh dưỡng cho mắt theo một chế độ ăn uống hợp lý, khoa học như ăn nhiều rau quả để có thêm nhiều vitamin A, C, E và các chất chống phân tử tự do như kẽm, selenium…

Diệu Nguyên (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Tác hại của ánh nắng đối với mắt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới