Chủ nhật, 24/11/2024 07:56 (GMT+7)
Thứ hai, 20/02/2023 16:23 (GMT+7)

Tận mục sở thị “bí kíp” làm dòng gốm “ngũ hành” của nghệ nhân Bát Tràng

Theo dõi KTMT trên

Những sản phẩm gốm vuốt tay mộc mạc, bình dị đến tự nhiên nhưng mang trong mình sự huyền bí của học thuyết ngũ hành. Đó là dòng gốm Raku xuất xứ từ Nhật Bản đang được nghệ nhân làng Bát Tràng Phạm Anh Đức ngày đêm thử nghiệm.

Tận mục sở thị “bí kíp” làm dòng gốm “ngũ hành” của nghệ nhân Bát Tràng - Ảnh 1
Gốm Raku của nghệ nhân Phạm Anh Đức, làng gốm Bát Tràng.

Những sản phẩm độc bản

Vào thời điểm năm 2015, trong một lần đi công tác ở xứ sở Chùa Vàng tôi tình cờ được đến tham dự Triển lãm Gốm sứ ASEAN 2015 tại thủ đô Băng Cốc (Thái Lan). Đây là sự kiện lớn của ngành gốm sứ Đông Nam Á, khi triển lãm này có đến 209 công ty đến từ 29 quốc gia tham gia. Trong đó, Việt Nam là quốc gia có nhiều doanh nghiệp tham gia nhất, tiếp theo là Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia, Indonesia, Nhật Bản, Bangladesh, Singapore, Sri Lanka, Philippines, Myanmar, Hàn Quốc và Pakistan.

Đến gian trưng bày gốm Nhật Bản, nhiều người bị thu hút bởi những sản phẩm gốm xù xì, bình dị, mộc mạc nhưng cũng không kém phần tinh xảo. Và, ở đâu đó trong các tác phẩm này mang đến cho người nhìn một sự huyền bí khó tả. Một nghệ nhân người Nhật Bản giới thiệu với đoàn người tham gian trưng bày rằng: “Đây là các sản phẩm vuốt tay thủ công 100%, hàng độc bản, không có chiếc nào giống chiếc nào cả về hình dáng, kích thước và màu men. Mặc dù chúng được tạo ra từ một nghệ nhân, cùng một thời điểm, một chất đất và một công thức men”.

Tận mục sở thị “bí kíp” làm dòng gốm “ngũ hành” của nghệ nhân Bát Tràng - Ảnh 2
Những biến thể rất "dị" của dòng men Raku. Sản phẩm của nghệ nhân Phạm Anh Đức. 

Nhìn vào các sản phẩm này, tôi thấy trong đó là một sự mộc mạc, thư thái đến lạ thường. Quá mê đắm với sắc xanh, vàng trên những sản phẩm đó, tôi tìm hiểu và biết được, đó là gốm Raku – một dòng gốm gần 500 tuổi ở Nhật Bản và được tạo ra từ thuyết ngũ hành.

Thời điểm đó, trên các công cụ tìm kiếm của internet, người ta nói rất ít về dòng gốm này. Một số video được quay tại đất nước Nhật Bản nhưng để được tận mục sở thị cách làm là rất khó. Rồi mới đây, cũng nhờ một chữ “Duyên”, tôi vô tình lướt mạng xã hội của những người yêu gốm sứ mới biết, tại làng gốm Bát Tràng (Gia Lâm, Hà Nội) có một nghệ nhân nhiều năm qua vẫn âm thầm nghiên cứu và thử nghiệm dòng gốm này. Đó là nghệ nhân Phạm Anh Đức. Tôi liên lạc qua mạng xã hội ngỏ ý muốn đến tham quan xưởng gốm của anh và được tận mắt chứng kiến cách làm gốm Raku. Anh Đức nhận lời.

Nhà nghệ nhân Phạm Anh Đức nằm trong con hẻm nhỏ của làng gốm Bát Tràng. Anh Đức là một người con của làng gốm cổ. Anh sinh ra và lớn lên tại đây và được tiếp xúc với những chiếc bàn xoay từ nhỏ. Tuổi thơ của anh là những ngày tháng quần áo, mặt mũi lấm lem màu đất. Anh nói rằng, đã nửa đời người ăn ngủ với bàn xoay, với những cục đất và anh luôn mang trong mình khát vọng thổi hồn vào những cục đất vô tri vô giác đó.

Thời điểm tôi đến đúng lúc nghệ nhân Phạm Anh Đức đang đốt mẻ gốm Raku. Nói là mẻ nhưng thực ra chỉ là 4-5 chiếc bình hoa. “Thực ra tôi nghiên cứu về dòng gốm này từ năm 2016 nhưng đến nay mới bắt tay vào thử nghiệm. Vì thế, tôi chỉ dám nung mẻ nhỏ. Nhưng không hiểu sao, mỗi khi ra lò, dù sản phẩm rất mộc mạc, xù xì lại được nhiều người đón nhận. Thậm chí, có nhiều người biết hôm nay tôi ra lò gốm Raku đã đặt trước dù chưa nhìn thấy sản phẩm. Anh đợi một chút, khoảng 30 phút nữa tôi sẽ mở lò”, anh Đức chia sẻ.

Tận mục sở thị “bí kíp” làm dòng gốm “ngũ hành” của nghệ nhân Bát Tràng - Ảnh 3
Nghệ nhân làng gốm Bát Tràng Phạm Anh Đức bên sản phẩm vừa ra lò của mình.

Trong lúc đợi đến giờ ra lò, bên ấm trà shan tuyết cổ thụ, còn vương cái vị của núi rừng Tây Bắc, nghệ nhân Phạm Anh Đức bắt đầu kể cho tôi nghe những câu chuyện về dòng gốm Raku mà anh tìm hiểu được.

Dòng gốm Raku được ra đời vào thế kỷ XVI, khoảng những năm 1550. Nghệ nhân sáng tạo ra dòng gốm đặc biệt này có tên Chojiro. Ông đặt tên cho sản phẩm đầu tiên mình làm ra là imayaki. Sau đó, những sản phẩm này được nhiều người biết đến với tên gọi Juraku-yaki (sau này gọi vắn tắt là Raku). Tên gọi này bắt nguồn từ tên một cung điện ở Kyoto. Theo chữ Kanji, Raku có nghĩa là “một cách dễ dàng và hưởng thụ”.  Đến nay, gốm Raku đã vươn mình ra khỏi Nhật Bản đến với rất nhiều đất nước yêu gốm, trong đó có Việt Nam.

Gốm “ngũ hành” và nghệ thuật của lửa

“Để làm một sản phẩm gốm Raku là cả một quá trình khám phá và các cảm nhận về đất và men. Gốm này đặc biệt bởi nó là sản phẩm vuốt tay, không sản phẩm nào giống sản phẩm nào dù là cùng một người vuốt”, nghệ nhân Phạm Anh Đức nói.

Tận mục sở thị “bí kíp” làm dòng gốm “ngũ hành” của nghệ nhân Bát Tràng - Ảnh 4
Để ra được một sản phẩm gốm Raku hoàn chỉnh, anh Đức đã phải tuân theo thuyết ngũ hành với Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ.

Giải thích về việc vì sao cùng một loại men, cùng chất đất, cùng lò nung nhưng lại ra các “biến thể” màu sắc khác nhau, anh Đức cho biết đó là tác động từ lửa. Theo đó, màu sắc của từng sản phẩm thay đổi tùy theo nhiệt độ nung, sự tiếp xúc của ngọn lửa. Vì thế, các sản phẩm ra lò luôn là độc nhất và không bao giờ đụng hàng. Anh Đức nói rằng, nếu ai đó đến đây đặt hàng làm ra hai sản phẩm giống hệt nhau về màu sắc dù trả tiền tỷ anh cũng “bó tay”. Bởi chẳng ai có thể điều chỉnh được màu giống nhau 100% trong khi nung, khi ủ cả.

Tận mục sở thị “bí kíp” làm dòng gốm “ngũ hành” của nghệ nhân Bát Tràng - Ảnh 5
Những ánh vàng trên gốm Raku gây mê đắm lòng người.

Câu chuyện của chúng tôi bị ngắt quãng bởi anh Đức nói rằng đã đến giờ dỡ lò. Bước vào căn phòng nóng hầm hập, anh nhanh chóng hạ nhiệt độ trong lò xuống thấp. Khi nhiệt kế báo chỉ còn khoảng 750 độ C, anh mở lò, dùng chiếc kẹp sắt cẩn thận mang từng sản phẩm đặt ngay ngắn vào chiếc thùng bằng kim loại mà trước đó đã chất mùn cưa, giấy vụn. Khi chiếc bình vừa được đặt vào thùng, lửa bốc lên phừng phừng. Anh Đức dùng nắp đóng chặt lại và nó rằng, cần phải “om” trong đó khoảng 25 phút.

Khi tôi hỏi vì sao người ta hay nói gốm Raku được hình thành từ thuyết ngũ hành, nghệ nhân Phạm Anh Đức giải thích rằng, cốt của sản phẩm là từ đất, tượng trưng cho Thổ. Sau khi vuốt nặn bằng tay, để khô, đất được phủ men là các loại ô xít kim loại, đó là Kim. Khi sản phẩm được cho vào lò và được nung trong Hỏa. Trong quá trình nung, đến một thời điểm nhất định, các nghệ nhân phải gắp sản phẩm ra để ủ trong mùn cưa, gỗ, đó là Mộc. Để sản phẩm hoàn chỉnh, người nghệ nhân tiếp tục phải cho vào nước lạnh để cọ rửa đi phần tro xỉ mùn cưa bán trên thân mình đó là Thủy. Nghe đến đây, có lẽ ít người ngờ được, một sản phẩm mộc mạc, bình dị lại chứa trong mình cả sự hòa hợp của ngũ hành: Kim – Mộc – Thủy – Hỏa – Thổ.

Tận mục sở thị “bí kíp” làm dòng gốm “ngũ hành” của nghệ nhân Bát Tràng - Ảnh 6
Để có được những tác phẩm độc nhất vô nhị đó là nghệ thuật của lửa.

Sau 25 phút, nghệ nhân Phạm Anh Đức lấy ra một chiếc thau chứa đầy nước lạnh để chuẩn bị cho công đoạn cuối cùng. Anh dùng kẹp sắt đưa những sản phẩm của mình từ trong chiếc thùng sắt đặt vào thau nước rồi dùng bàn chải để đánh đi lớp tro xỉ bám thành bình. Vừa vớt ra, chiếc bình gốm lấp lánh những ánh vàng, xanh, những chiếc vảy vàng như chúng mới được mạ một lớp đồng.

Nghệ nhân Phạm Anh Đức tâm sự, dòng gốm này được nung ở nhiệt độ 950-1.000 độ C trong khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ. Tuy nhiên, trong quá trình thử nghiệm, tôi cho rằng phải nung đến nhiệt độ 1.150 độ C thì sản phẩm mới bền và không bị thấm nước.

Tận mục sở thị “bí kíp” làm dòng gốm “ngũ hành” của nghệ nhân Bát Tràng - Ảnh 7
Mỗi một sản phẩm của dòng gốm Raku đều như một bức tranh được phối màu một cách ngẫu nhiên.

Tôi hỏi, ở làng gốm cổ Bát Tràng, anh có phải là người đầu tiên dám thử thách với dòng gốm Raku? Anh Đức lắc đầu và nói rằng, tại Bát Tràng có một nghệ nhân lớn tuổi đã làm dòng Raku từ nhiều năm qua. Và sản phẩm của nghệ nhân này hầu như đều được xuất ngoại.

“Dòng gốm này khá kén người chơi. Bởi hiện nay, không ít người chỉ thích gốm được vuốt nặn một cách chỉn chu, hoa văn đẹp mắt với đầy đủ lung linh màu sắc. Trong khi đó, gốm Raku thì mộc mạc, giản đơn và bình dị. Nhưng, phải am hiểu về gốm mới thấy được cái giá trị của dòng gốm độc bản, được tạo ra từ thuyết ngũ hành này”, nghệ nhân Phạm Anh Đức nói.

Văn Chương

Bạn đang đọc bài viết Tận mục sở thị “bí kíp” làm dòng gốm “ngũ hành” của nghệ nhân Bát Tràng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới