Thái Bình: Khai thác lợi thế, phát triển toàn diện lĩnh vực thương mại, dịch vụ
Thương mại, dịch vụ (TMDV) mang lại hiệu quả kinh tế cao, thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trong tương lai, TMDV của Thái Bình sẽ phát triển toàn diện dựa trên quy hoạch có bài bản, có trọng điểm.
Đột phá hạ tầng thương mại
Khoảng 10 năm trở lại đây, người dân trong tỉnh cảm nhận rõ nét về sự phát triển của lĩnh vực thương mại, dịch vụ. Đối với các vùng nông thôn, hệ thống chợ dân sinh được đầu tư nâng cấp, xây mới từ Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới đã thu hút đông đảo tiểu thương vào kinh doanh, mang lại cơ hội mua sắm đa dạng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của bà con. Còn tại khu vực đô thị, người dân cảm thấy thích thú với sự xuất hiện của nhiều cửa hàng tiện ích, trung tâm điện máy, siêu thị, trung tâm thương mại.
Chị Lưu Thị Huệ, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình chia sẻ: Trước đây, nhiều người nghĩ đi mua sắm ở trung tâm thương mại hay siêu thị là cái gì đó rất lạ lẫm, xa xỉ và chỉ có ở thành phố lớn như Hải Phòng, Hà Nội. Giờ đây, ngay tại Thái Bình mọi người đều có thể trải nghiệm hình thức kinh doanh văn minh, hiện đại và rất tiện ích này vì có những trung tâm thương mại, siêu thị lớn hiện hữu.
Theo ghi nhận, hiên trên địa bàn tỉnh Thái Bình có 15 siêu thị, 2 trung tâm thương mại. Trong 6 năm tới, theo Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Bình sẽ triển khai xây dựng mới ít nhất 42 siêu thị, 35 trung tâm thương mại, trong đó có 1 trung tâm thương mại hạng I, 23 trung tâm thương mại hạng II, hạng III tại các xã, phường trên địa bàn thành phố, khu vực thị trấn và 11 trung tâm thương mại tại các xã trên địa bàn huyện. Ngoài ra, tỉnh còn quy hoạch xây dựng 1 trung tâm hội chợ triển lãm tại thành phố Thái Bình nhằm thúc đẩy lưu thông hàng hóa và người tiêu dùng sẽ có những trải nghiệm mua sắm hấp dẫn hơn.
Bà Tô Thị Hương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết, chủ trương của tỉnh là phát triển đồng bộ, đa dạng hệ thống hạ tầng thương mại, kết hợp giữa thương mại truyền thống với thương mại hiện đại. Riêng hạ tầng thương mại khu vực thành thị được hiện đại hóa, áp dụng công nghệ số hóa trong quản lý, khai thác, vận hành; hạ tầng thương mại thiết yếu khu vực nông thôn được phát triển đầy đủ, phục vụ hiệu quả cho hoạt động kinh doanh và nhu cầu sinh hoạt của người dân.
Nhằm phát triển hệ thống phân phối xăng dầu, bảo đảm lưu thông và bình ổn thị trường tiêu thụ, đáp ứng nhu cầu xăng dầu trong tỉnh, bên cạnh duy trì ổn định 2 kho xăng dầu quốc gia, 6 kho tồn trữ xăng dầu dưới 5.000m3, tỉnh sẽ quy hoạch đầu tư mới một số kho quy mô lớn và mở rộng kho xăng dầu dưới 5.000m3 trên địa bàn theo Quy hoạch hạ tầng dự trữ, cung ứng xăng dầu khí đốt quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Phát triển lĩnh vực dịch vụ xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh
Khi tuyến đường bộ ven biển và cao tốc CT.08 được hoàn thành và đưa vào khai thác, Thái Bình trở thành địa bàn đặc biệt quan trọng kết nối giữa 2 vùng: đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ. Để phát huy địa thế “vàng” đó, UBND tỉnh quyết tâm quy hoạch xây dựng Thái Bình trở thành địa bàn trung chuyển và trung tâm phân phối hàng hóa cho hai vùng này.
Theo ông Trần Huy Quân, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Thái Bình cho biết, đây là tầm nhìn chiến lược và sớm đón bắt cơ hội, khai thác lợi thế riêng có của tỉnh để đưa lĩnh vực dịch vụ của Thái Bình bứt phá mạnh mẽ trong thời gian tới. Để cụ thể hóa mục tiêu đó, phương án của tỉnh là khuyến khích thu hút đầu tư mở rộng và hiện đại hóa mạng lưới thương mại, phân phối hàng tiêu dùng, cung cấp các dịch vụ tài chính, ngân hàng, hỗ trợ sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, phát triển thương mại điện tử.
Thời gian tới, tỉnh sẽ đẩy mạnh xây dựng hạ tầng dịch vụ tại các khu du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, đồng bộ. Phát triển du lịch thông minh, bền vững gắn với phát huy giá trị văn hóa, tự nhiên đặc trưng của địa phương để đưa Thái Bình trở thành trung tâm kết nối về du lịch xanh, du lịch văn hóa, du lịch tâm linh, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp tạo động lực thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế khác.
Song hành cùng công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch, việc tỉnh quy hoạch và đầu tư cho hạ tầng dịch vụ có ý nghĩa rất quan trọng để có thể đánh thức, phát huy những tiềm năng du lịch đó phục vụ tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, nâng cao đời sống nhân dân.
Trong chiến lược phát triển lĩnh vực dịch vụ của tỉnh đến năm 2030, Thái Bình sẽ thành lập ít nhất 6 trung tâm dịch vụ logistics tại thành phố Thái Bình và các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Hưng Hà, Kiến Xương, Quỳnh Phụ. Bên cạnh mở ra ngành nghề mới phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, các trung tâm dịch vụ logistics còn hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp trong khu kinh tế, các khu công nghiệp, cụm công nghiệp phát triển và góp phần thu hút đầu tư vào tỉnh trong tương lai.
Việt Phương (T.h)