Chủ nhật, 24/11/2024 02:50 (GMT+7)
Chủ nhật, 26/11/2023 09:00 (GMT+7)

Thái Nguyên: Cần xử lý nghiêm hành vi xâm hại môi trường để “xanh hóa” các Khu công nghiệp

Theo dõi KTMT trên

Nghiêm cấm mọi hành vi xả nước thải chưa qua xử lý đạt quy chuẩn, xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Những vấn đề cần xem xét

Công ty Cổ phần cột thép mạ kẽm Thái Nguyên được thành lập theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh số 4601567295 do phòng đăng ký kinh doanh – thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thái Nguyên cấp ngày 04 tháng 12 năm 2020.

Công ty cổ phần cột thép mạ kẽm Thái Nguyên (TNST) là Công ty con của công ty TNHH chế tạo cột thép Đông Anh (DAST) thuộc Công ty cổ phần xây lắp điện I (PCC1) nay là Công ty Cổ phần Tập đoàn PC1.

Công ty cổ phần cột thép mạ kẽm Thái Nguyên chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 07 năm 2021 tại khu công nghiệp Điềm Thụy B, xã Điềm Thụy, huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên.

Thái Nguyên: Cần xử lý nghiêm hành vi xâm hại môi trường để “xanh hóa” các Khu công nghiệp - Ảnh 1
Công ty Cổ phần Cột thép Mạ kẽm Thái Nguyên.

Gần đây, người dân đã có những kiến nghị đến hệ thống tiếp nhận phản ánh của UBND tỉnh Thái Nguyên về việc Công ty cột mạ kẽm Thái Nguyên tại khu B Khu công nghiệp (KCN) Điềm Thụy hoạt động không kể ngày đêm gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Ban đêm phát ra tiếng ồn lớn và khói có mùi rất khó chịu gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống sinh hoạt của người dân xung quanh. Công ty không có hệ thống sử lý nước thải; nước sinh hoạt không có cống rãnh thoát nước nên mỗi khi trời mưa chảy ra đường gây ngập úng làm cho người dân xung quanh không thể đi qua.

Sau đó, UBND huyện Phú Bình tổ chức buổi kiểm tra, làm việc theo ý kiến phản ánh của cử tri và nhân dân xã Điểm Thuỵ. Tại buổi làm việc, đại diện Công ty cột thép mạ kẽm cho biết: Dự án đầu tư xây dựng nhà máy cột thép mạ kẽm Thái Nguyên đã được UBND tỉnh Thái Nguyên phê duyệt Báo cáo ĐTM tại Quyết định số 2829/QĐ- UBND ngày 07 tháng 9 năm 2021. Công ty được Sở Xây dựng tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép xây dựng số 12/BQL-GPXD ngày 23/06/2021.

Dự án được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy phép môi trường số 2553/GPMT-UBND ngày 18/10/2023.

Dự án Nhà máy cột thép mạ kẽm Thái Nguyên được Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên cấp giấy chứng nhận đầu tư số 0748367008 ngày 31/12/2020.

Dự án có mục tiêu chính là gia công chế tạo cột thép và mạ kẽm nhúng nóng các cấu kiện kim loại.

Công ty cổ phần cột thép mạ kẽm Thái Nguyên xây dựng đầu tư dự án chấp hành theo đúng các quy định của Nhà nước và pháp luật. Dự án đã xây dựng các công trình bảo vệ môi trường gồm: hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom nước thải; 01 trạm xử lý nước thải tập trung công suất 80m³/ngày và 01 hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ bể tẩy rỉ, bể trợ dung, bể mạ kẽm tại xưởng mạ công suất 22.000m³/giờ, đã bố trí kho chứa chất thải nguy hại.

Công ty xây dựng nhà máy trong Khu công nghiệp Điềm Thụy (khu B), do Công ty cổ phần đầu tư APEC Thái Nguyên là chủ đầu tư. Hiện nay, chủ đầu tư khu công nghiệp vẫn chưa hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đường giao thông, điện chiếu sáng, hệ thống xử lý nước thải, vệ sinh môi trường của KCN Điềm Thụy B.

Do vậy trong quá trình xây dựng Nhà máy, công ty đã thiết kế phương án sử dụng hệ  thống nước tuần hoàn khép kín, tái sử dụng để không xả nước thải ra môi trường. Phương án này đã được đưa vào trong báo cáo cấp phép môi trường và được hội đồng thẩm định chấp thuận và cấp giấy phép môi trường.

Thái Nguyên: Cần xử lý nghiêm hành vi xâm hại môi trường để “xanh hóa” các Khu công nghiệp - Ảnh 2
UBND huyện Phú Bình tổ chức buổi kiểm tra, làm việc theo ý kiến phản ánh của cử tri và nhân dân xã Điểm Thuỵ.

Đoàn kiểm tra tiến hành thực tế và ghi nhận các nội dung sau: Dự án đã xây dựng các công trình bảo vệ môi trường gồm: hệ thống thu gom, thoát nước mưa; hệ thống thu gom nước thải; 01 trạm xử lý nước thải tập trung công suất 80m³/ngày và 01 hệ thống xử lý khí thải phát sinh từ bể tẩy ri, be trợ dung, bể mạ kẽm tại xưởng mạ công suất 22.000m³/giờ; đã bố trí kho chứa chất thải nguy hại.

Công ty đã thực hiện lấy mẫu quan trắc môi trường lao động vào tháng 9/2023, tất cả các chỉ tiêu quan trắc đều trong giới hạn cho phép. Báo cáo quan trắc đã được gửi cho Đoàn giám sát của HĐND tỉnh Thái Nguyên và Ban quản lý các KCN Thái Nguyên thông qua đợt kiểm tra ngày 16/10/2023.

Căn cứ theo Giấy phép môi trường được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp ngày 18/10/2023: Công ty đã đăng ký thời gian làm việc trung bình 2 ca/ngày. Công ty đang hoạt động theo đúng các nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Trong quá trình sản xuất, công ty không xả nước thải ra môi trường, mà nước thải được sử dụng tuần hoàn khép kín. Công ty đã xây dựng hệ thống xử lý nước thải theo đúng báo cáo xin cấp giấy phép môi trường đã được phê duyệt và phương án nước thải tuần hoàn khép kín.

Tuy nhiên, ở bên trái trước cổng của Công ty có hố nước do chủ đầu tư là Công ty APEC chưa hoàn thiện hạ tầng, khi mưa to nước dồn về từ khu vực xung quanh gây ngập úng. Đồng thời, khu vực các hộ dân sinh sống ở trên cao, khu vực đường đi trước cửa Công ty bị trũng, khi trời mưa lớn, nước mưa dồn từ các phía gây ngập đường, ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân.

Đại diện Công ty cổ phần cột thép mạ kẽm Thái Nguyên xin cam kết thực hiện nghiêm các yêu cầu của các cơ quan, các đoàn kiểm tra theo quy định, đồng thời cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, tuân thủ các biện pháp biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt.

Qua ý kiến của cử tri, nhân dân phản ánh, Công ty cũng xin tiếp thu ý kiến và cam kết sẽ luôn nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong suốt quá trình hoạt động của Nhà máy, góp phần xây dựng và phát triển kinh tế trên địa bàn theo hướng xanh và bền vững.

Sau buổi kiểm tra, làm việc, Đoàn yêu cầu Công ty thực hiện nghiêm các nội dung sau: Việc nhân dân phản ánh Công ty hoạt động có tiếng ồn ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân xung quanh. Nội dung này, đề nghị công ty sẽ thực hiện các biện pháp để giảm tiếng ồn trong quá trình sản xuất để không gây tiếng ồn lớn vào ban đêm, ảnh hưởng đến những hộ dân xung quanh.

Chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường và thực hiện các nội dung trong giấy phép môi trường đã được phê duyệt. Nghiêm cấm mọi hành vi xả nước thải chưa qua xử lý đạt quy chuẩn, xả thải gây ô nhiễm môi trường.

Nhà máy sản xuất thép Hiệp Hương bị người dân phản ánh

Trước đó, ngày 14/07/2021, nhiều bức xúc về nhà máy sản xuất thép Hiệp Hương, có địa chỉ tại phường Mỏ Chè, TP Sông Công thường xuyên xả khói thải ra môi trường (đặc biệt hay xả vào buổi tối, ban đêm). Khói thải của nhà máy Hiệp Hương bay trắng cả một vùng trời, gây ô nhiễm không khí cho khu dân cư với hàng trăm hộ dân thuộc tổ dân phố An Châu 1, phường Mỏ Chè và các trường mầm non, tiểu học cách nhà máy chỉ 200-300 mét.

Phản ánh của người dân được UBND TP Sông Công phản hồi: Đây cũng là nội dung được nhiều cử tri quan tâm, đề nghị. UBND thành phố đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Quản lý các KCN Thái Nguyên, Công ty Cổ phần phát triển hạ tầng các KCN Thái Nguyên tăng cường kiểm tra, nhắc nhở các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và kiểm tra đột xuất khi nhận được ý kiến phản ánh để có biện pháp xử lý. Tuy nhiên có vướng mắc về xác định chỉ số mức độ ô nhiễm làm căn cứ để kết luận vi phạm của các cơ sở.

Tiếp thu ý kiến, kiến nghị của cử tri, UBND thành phố đã chỉ đạo phòng Tài nguyên và Môi trường tham mưu hợp đồng với các đơn vị có thẩm quyền để thực hiện quan trắc xác định chỉ số mức độ ô nhiễm tiếng ồn, khói bụi, mùi khét để làm căn cứ xử lý trong thời gian tới.

Ngày 19/04/2022, người dân bức xúc việc công ty thép Hiệp Hương, có địa chỉ tại phường Mỏ Chè, TP Sông Công thường xuyên xả khói thải ra môi trường, gây ô nhiễm không khí cho khu dân cư thuộc tổ dân phố An Châu 1, phường Mỏ Chè và các trường mầm non, tiểu học cách nhà máy chỉ 200-300 mét.

Thái Nguyên: Cần xử lý nghiêm hành vi xâm hại môi trường để “xanh hóa” các Khu công nghiệp - Ảnh 3
Phản ánh của công dân. (Ảnh chụp màn hình từ hệ thống tiếp nhận phản ánh của UBND tỉnh Thái Nguyên).

UBND thành phố Sông Công đã chỉ đạo kiểm tra xác định vị trí ảnh phản ánh. Vào ngày 19/4/2022, Công ty cổ phần ĐT&TM Hiệp Linh dọn vệ sinh nhà máy và đốt rác dẫn đến hiện tượng khói phát sinh ảnh hưởng người dân xung quanh, Công ty Hiệp Linh rút kinh nghiệm và cam kết không đốt rác, thực hiện việc phân loại và xử lý rác phát sinh.

Qua làm việc, Đoàn kiểm tra đã yêu cầu Công ty phải thực hiện việc phân loại, xử lý rác phát sinh từ quá trình sản xuất theo quy định. UBND thành phố chỉ đạo phòng chuyên môn thành phố và UBND phường Mỏ Chè tăng cường giám sát, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm vi phạm (nếu có) theo quy định.

“Xanh hóa” các khu công nghiệp

Thống kê gần đây của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, cả nước ta hiện có khoảng hơn 400 khu công nghiệp (KCN) đã đi vào hoạt động, đóng góp hiệu quả trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy hội nhập kinh tế thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển công nghiệp với tốc độ nhanh đã và đang đặt ra nhiều thách thức về môi trường và biến đổi khí hậu, đòi hỏi các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương tới địa phương phải có các giải pháp kịp thời, phù hợp.

Vì lẽ đó, việc tích cực chuyển đổi mô hình phát triển các KCN theo hướng “xanh”, bảo vệ môi trường, phát triển bền vững là phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, cam kết của Việt Nam trong mục tiêu giảm phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050 tại COP26. Việc xây dựng các KCN “xanh” được coi là giải pháp không chỉ khắc phục được những hạn chế, bất cập về vấn đề môi trường, giảm lãng phí tài nguyên, mà còn thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Theo các chuyên gia,  công nghiệp “xanh” đang là mục tiêu mà các doanh nghiệp hướng tới. Đặc biệt, khi nền kinh tế bắt đầu suy thoái, xu hướng phát triển công nghiệp “xanh”  được chú trọng và dần rõ nét hơn. Đây là xu hướng phát triển tất yếu của xã hội và mang nhiều lợi thế cạnh tranh so với các nền công nghiệp khác.

Thái Nguyên: Cần xử lý nghiêm hành vi xâm hại môi trường để “xanh hóa” các Khu công nghiệp - Ảnh 4
Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quy hoạch và triển khai xây dựng các KCN sạch, chú trọng bảo vệ môi trường.

Ông Lê Kim Phúc, Trưởng ban quản lý các KCN tỉnh Thái Nguyên từng chia sẻ, phát triển KCN là mô hình và giải pháp quan trọng để tiếp tục thúc đẩy quá trình phát triển KT-XH và công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên; đảm bảo sức hấp dẫn, cạnh tranh quốc tế trong thu hút và hợp tác đầu tư. Đồng thời, mô hình này sẽ phát huy sự năng động, hiệu quả của nhà đầu tư, doanh nghiệp và các cấp, các ngành trong phát triển khu, cụm công nghiệp; phối hợp hiệu quả và hài hoà lợi ích đầu tư giữa Nhà nước - Địa phương - Doanh nghiệp.

“Tạo điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao sức cạnh tranh và thu hút các dự án đầu tư vào các khu công nghiệp theo hướng lựa chọn công nghệ tiên tiến, thân thiện với môi trường đang là mục tiêu, giải pháp mà Thái Nguyên thực hiện nhằm bảo vệ môi trường, phát triển kinh tế bền vững”. Ông Phúc nhấn mạnh.

Trong thời gian tới, tỉnh Thái Nguyên sẽ tiếp tục quy hoạch và triển khai xây dựng các KCN sạch, chú trọng bảo vệ môi trường, hướng tới xây dựng các KCN xanh, KCN kiểu mẫu. Theo định hướng phát triển KCN trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Thái Nguyên sẽ có 11 KCN với tổng diện tích khoảng 4.045ha (bao gồm 07 khu công nghiệp đã phê duyệt và 04 khu công nghiệp bổ sung). Nếu tính thêm Khu công nghệ thông tin Yên Bình (diện tích 200ha) thì tổng diện tích các khu công nghiệp của tỉnh là 4.245ha.

TS. Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý Trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, đã có sự chuyển đổi mạnh mẽ về tư duy, từ cách thức thực hiện từ “nền kinh tế nâu” và “kinh tế tuyến tính” sang xây dựng mô hình kinh tế xanh… Tuy nhiên điểm yếu lớn nhất hiện nay là còn thiếu định hướng cụ thể, thiếu hệ thống tiêu chí đủ chi tiết và cơ chế ưu đãi phù hợp.

Cũng theo bà Minh, CIEM chủ trì xây dựng cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn đang lấy ý kiến các Bộ, ngành. Nếu có thêm cơ chế thử nghiệm, quá trình phục hồi và cơ cấu lại kinh tế của TP.HCM, khu vực trọng điểm phía Nam sẽ nhanh, hiệu quả và toàn diện hơn.

“Để hỗ trợ DN cụ thể TP.HCM có Nghị quyết 98 về một số cơ chế đặc thù liên quan đến hỗ trợ tiếp cận nguồn tài chính xanh hay những hỗ trợ kỹ thuật. Nếu chúng ta nghiên cứu kỹ ban hành thêm các chính sách để tận dụng được những lợi thế, vẫn tiếp cận được thêm nhiều nguồn lực từ quốc tế, trong đó có vốn và kỹ thuật công nghệ để thực hiện kinh doanh, kinh tế tuần hoàn một cách tốt nhất”, bà Minh nhận định. 

Khi lượng hóa cụ thể các tiêu chuẩn, quy chuẩn và có khung chính sách phù hợp, sẽ giúp cho DN, KCN thực hành kinh doanh tuần hoàn một cách hiệu quả nhất. Chính vì vậy, cần sớm có chủ trương, lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn chi tiết hơn để tạo điều kiện cho Việt Nam và các địa phương, trong đó có TP.HCM tận dụng được, tiếp cận nhanh nguồn tài chính xanh, nguồn vốn hỗ trợ từ các đối tác để thực hiện mục tiêu đề ra.

Nguyên Mạnh

Bạn đang đọc bài viết Thái Nguyên: Cần xử lý nghiêm hành vi xâm hại môi trường để “xanh hóa” các Khu công nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Việt Nam có hơn 500 công trình xanh
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Minh Hà cho biết, đến hết quý III/2024, số lượng công trình xanh trên cả nước đạt hơn 500 với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng trên 12 triệu m2.

Tin mới