Thanh Hóa: Kết luận nguyên nhân cá chết tại xã Thanh Xuân của Sở TNMT có bất nhất?
Sở TNMT tỉnh Thanh Hóa đưa kết quả kiểm tra xác minh tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại thôn Thanh Thủy, xã Thanh Xuân là do thay đổi đột ngột về chất lượng nguồn nước nhưng lại yêu cầu doanh nghiệp tạm dừng nhập lợn và hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Theo kết quả kiểm tra, suối Hón Thành có chiều dài khoảng 4km, điểm cuối là đập Hón Thành thuộc địa bàn thôn Thanh Thủy, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân. Đây là nguồn nước phục vụ thủy lợi và nông nghiệp và một phần sinh kế của người dân khu vực (đánh bắt cá). Từ báo cáo của Trưởng thôn Thanh Thủy và đại diện xã Thanh Xuân, từ ngày 25/01/2023, nguồn nước suối có dấu hiệu bị ô nhiễm, nước màu đen, có mùi hôi và xảy tình trạng cá bị chết rải rác hằng ngày.
Kết quả kiểm tra, đánh giá ban đầu với mẫu cá chết của Chi cục chăn nuôi và Thú y - Sở Nông nghiệp và PTNT Thanh Hóa ngày 09/02/2023 cho thấy, mẫu cá không có yếu tố dịch bệnh, nguyên nhân cá chết do thay đổi đột ngột về chất lượng nguồn nước, lượng bèo tây bề mặt suối tương đối lớn ảnh hưởng đến khả năng hô hấp của cá.
Tại thời điểm Sở TNMT Thanh Hóa kiểm tra ngày 13/02/2023 cho thấy, chất lượng nguồn nước theo đánh giá cảm quan có dấu hiệu tốt hơn so với thời điểm báo chí phản ánh; tại khu vực đầu nguồn suối có khe nước lèn Cò Nóong (cách đầu nguồn 200m) hiện vẫn còn một dòng nước có màu nâu, lưu lượng chưa xác định đang chảy vào suối Hón Thành. Đây là vị trí người dân địa phương phản ánh là dòng nước ô nhiễm đổ vào suối Hón Thành, ngoài ra không phát hiện nguồn nước thải khác. Sở TNMT đã tiến hành lấy các mẫu nước suối Hón Thành và mẫu nước khe nước Lèn Cò Nóong để phân tích.
Về vấn đề trên, Sở TNMT Thanh Hóa đã có nhận xét như sau: Tình traṇg ô nhiễm nguồn nước suối Hón Thành tại thôn Thanh Thủy, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân như phản ánh của người dân và cơ quan báo chí là có cơ sở. Nguồn nước chảy từ khe núi lèn Cò Nóong chảy ra suối Hón Thành có dấu hiệu ô nhiễm, tuy nhiên không có tình trạng nước thải của các trang trại trên địa bàn xã Thanh Xuân và xã Thanh Sơn đổ thải trực tiếp vào suối Hón Thành do vị trí của các trang trại đều nằm cách xa suối Hón Thành.
Trao đổi với PV Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, Luật sư Mạch Văn Hoàn, công ty Luật đầu tư Quốc tế An Phát cho biết: “Theo văn bản của Sở TNMT Thanh Hóa, thực tế cá đã chết, nước đã có màu đen, có nghĩa là có hậu quả của việc gây ô nhiễm môi trường. Hậu quả có thì phải có nguyên nhân. Nếu là nguyên nhân xuất phát từ tự nhiên thì phải rõ ràng và khoa học, còn nếu chủ quan là con người như do hộ dân nào, cơ quan nào, doanh nghiệp nào thì họ phải truy trách nhiệm cụ thể”.
Điều bất thường là sở TNMT tỉnh Thanh Hóa nói không có tình trạng nước thải của các trang trại trên địa bàn xã Thanh Xuân và xã Thanh Sơn đổ thải trực tiếp vào suối Hón Thành nhưng lại yêu cầu Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Như Xuân tạm dừng việc tiếp nhận lợn giống vào chăn nuôi lứa mới, đồng thời phối hợp với thôn Thanh Thủy, UBND xã Thanh Xuân có biện pháp hỗ trợ đối với một số hộ dân khu vực suối Hón Thành, thôn Thanh Thủy bị ảnh hưởng
Về vấn đề này, Luật sư Hoàn cho rằng: “Nếu không có sai phạm thì không thể bắt doanh nghiệp bồi thường được. Phải có nguyên nhân, thì doanh nghiệp mới bồi thường được, nhưng trong văn bản của Sở TNMT Thanh Hóa không hề chỉ ra được nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường, dẫn đến cá chết, nước đen có liên quan đến các doanh nghiệp hay không mà lại bắt doanh nghiệp đi hỗ trợ người dân là không thuyết phục. Trong trường hợp này, nếu doanh nghiệp không hỗ trợ cũng không làm gì được họ cả”.
Tại báo cáo gửi UBND tỉnh Thanh Hóa, Sở TNMT đã chỉ rõ Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Như Xuân chưa báo cáo cấp có thẩm quyền để được cho phép vận hành thử nghiệm các công trình bảo vệ môi trường; ao sinh học số 1 chứa nước thải chưa lót bạt thành đáy chống thấm; chưa rà soát công trình, thiết bị xử lý chất thải để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm khi có phản ánh của người dân.
Sở TNMT đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Phát triển nông nghiệp Như Xuân do có hành vi vi phạm: “Chưa rà soát công trình, thiết bị xử lý chất thải để xác định nguyên nhân gây ô nhiễm” quy định tại điểm a, Khoản 3 Điều 14 Nghị định số 45/2022/NĐ-CP ngày 07/7/2022 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, mức xử phạt đối với hành vi trên từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng (áp dụng đối với tổ chức) và thuộc thẩm quyền xử phạt của Chánh Thanh tra Sở TNMT.
Trước đó, ông Lê Đức Giang, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã có Công văn số 1394/UBND-NN ngày 08/02/2023, yêu cầu Sở TNMT chủ trì, phối hợp với Sở NN-PTNT, UBND huyện Như Xuân và các đơn vị liên quan, khẩn trương kiểm tra, xác định nguyên nhân và thực hiện xử lý tình trạng ô nhiễm nguồn nước tại thôn Thanh Thủy, xã Thanh Xuân, huyện Như Xuân.
Hoàng Đức