Thứ sáu, 04/04/2025 03:15 (GMT+7)
Thứ tư, 02/04/2025 20:57 (GMT+7)

Thay đổi công suất sản xuất và bổ sung sản phẩm: Dự án có phải xin cấp lại giấy phép môi trường?

Theo dõi KTMT trên

Tình huống pháp lý của một công ty hoạt động sản xuất vật tư y tế đã được cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, nay có kế hoạch nhằm bổ sung thêm một mã sản phẩm mới, tăng công suất sản xuất lên 21% so với trước đây.

Câu hỏi của độc giả: Công ty của tôi hoạt động sản xuất vật tư y tế đã được cấp giấy phép môi trường theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp phép. Hiện nay, công ty có kế hoạch nhằm bổ sung thêm một mã sản phẩm mới, tăng công suất sản xuất lên 21% so với trước đây, dự án thuộc tiêu chí về môi trường và phân loại nhóm B và không có yếu tố nhạy về môi trường theo quy định tại Nghị định 05/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 08/2022/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Dự án nằm trong cụm đấu nối nước thải và dự kiến sẽ nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải. Dự án chưa vận hành thử nghiệm. Vậy nhờ Luật sư xem xét và tư vấn giúp tôi, trong trường hợp này công ty của tôi cần thực hiện thủ tục pháp lý gì và cơ quan nhà nước nào có thẩm quyền giải quyết theo quy định pháp luật hiện hành?

ATA trả lời:

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng lựa chọn chúng tôi. Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA ("ATA”) là đơn vị tư vấn luật hàng đầu với các Luật sư, chuyên gia pháp lý giàu kinh nghiệm, chuyên nghiệp và tận tâm, luôn sẵn sàng hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân giải đáp các vấn đề pháp lý trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Về tình huống và câu hỏi mà bạn đưa ra, các Luật sư và chuyên gia pháp lý của ATA có giải đáp như sau:

1. Phân tích hiện trạng pháplý của Dán

Theo thông tin bạn cung cấp, Công ty bạn đã được cấp Giấy phép môi trường (GPMT) bởi Ủy ban nhân dân (UBND) cấp tỉnh theo Luật Bảo vệ Môi trường 2020. Dự án thuộc Nhóm II (theo cách phân loại dự án đầu tư trong Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Nghị định 08/2022/NĐ-CP, vì bạn đề cập “nhóm B” – tương ứng nhóm II, có nguy cơ tác động xấu đến môi trường nhưng không thuộc nhóm I có nguy cơ cao) và Không có yếu tố nhạy cảm về môi trường theo quy định tại Nghị định 05/2025/NĐ-CP. Dự án nằm trong cụm đấu nối nước thải tức là nước thải được đấu nối vào hệ thống xử lý tập trung của cụm công nghiệp.

Công ty bạn có kế hoạch bổ sung một mã sản phẩm mới, tăng công suất sản xuất lên 21% so với trước đây và dự kiến nâng công suất xử lý của hệ thống xử lý khí thải. Dự án chưa vận hành thử nghiệm, tức là kế hoạch này xảy ra trước khi vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải mới. Những điều chỉnh của Dự án có thể xác định là không làm gia tăng đáng kể tác động xấu đến môi trường (cụ thể, Dự án vẫn được đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp, đồng thời, Công ty chủ động tăng công suất xử lý khí thải phát sinh cho thấy mục tiêu kiểm soát lượng khí thải, giảm thiểu ảnh hưởng xấu đến môi trường).

2. Dự án thuộc đối tượng phải thực hiện thủ tục điều chỉnh Giấy phép môi trường

Theo Nghị định 05/2025/NĐ-CP, trường hợp dự án tăng công suất sản xuất từ 30% trở lên hoặc thay đổi làm gia tăng đáng kể tác động xấu đến môi trường (ví dụ: tăng lưu lượng nước thải, khí thải vượt quy chuẩn kỹ thuật, hoặc phát sinh thông số ô nhiễm mới) thì phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép môi trường. Trong trường hợp này, Dự án của Công ty bạn chỉ dự kiến tăng công suất 21% và như phân tích ở trên thì việc tăng công suất không làm tăng đáng kể tác động xấu đến môi trường. Vì vậy, trường hợp này, Công ty bạn không phải thực hiện thủ tục cấp lại giấy phép môi trường.

Thay vì đó, do có sự thay đổi nội dung cấp phép môi trường (cụ thể, do tăng công suất sản xuất nên các chỉ tiêu về lưu lượng xả nước thải tối đa và lưu lượng xả khí thải tối đa sẽ thay đổi) nên theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Nghị định 08/2022/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 05/2025/NĐ-CP, Dự án của Công ty bạn thuộc trường hợp phải điều chỉnh giấy phép môi trường.

Cơ quan có quyền điều chỉnh giấy phép môi trường trong trường hợp này chính là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh – cơ quan đã cấp giấy phép môi trường cho công ty.

Việc điều chỉnh giấy phép môi trường được thực hiện trong thời hạn 25 ngày, kể từ ngày cơ quan cấp phép nhận được văn bản đề nghị điều chỉnh giấy phép môi trường của chủ dự án đầu tư, cơ sở và được thực hiện trên môi trường điện tử thông qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình của cơ quan cấp phép hoặc cơ quan được ủy quyền cấp giấy phép môi trường theo quy định.

Trường hợp hệ thống dịch vụ công trực tuyến toàn trình chưa được triển khai tại cơ quan cấp phép hoặc cơ quan được ủy quyền cấp giấy phép môi trường theo quy định, hồ sơ đề nghị cấp đổi, cấp điều chỉnh giấy phép môi trường được gửi trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.

3. Dự án thuộc đối tượng phải triển khai thủ tục vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải

Nếu việc nâng cấp hệ thống xử lý khí thải không phát sinh việc xây dựng công trình mới và không phải thay đổi công nghệ xử lý khí thải thì sau khi hoàn thành việc điều chỉnh giấy phép môi trường, Công ty có trách nhiệm vận hành thử nghiệm công trình xử lý chất thải đồng thời với quá trình vận hành thử nghiệm toàn bộ dự án hoặc cho hạng mục công trình xử lý chất thải độc lập của dự án (bao gồm cả hệ thống xử lý khí thải sau khi nâng cấp) khi đã hoàn thành việc thực hiện các nội dung sau đây:

a) Xây dựng các công trình xử lý chất thải theo giấy phép môi trường; lập hồ sơ hoàn thành công trình xử lý chất thải theo quy định của pháp luật về xây dựng và có quy trình vận hành bảo đảm đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường;

b) Lắp đặt các thiết bị, hệ thống quan trắc nước thải, bụi, khí thải tự động, liên tục (đối với trường hợp phải lắp đặt) để giám sát chất lượng nước thải, khí thải theo quy định tại Nghị định này.

Thời hạn vận hành thử nghiệm được ghi nhận trong giấy phép môi trường và không quá 6 tháng kể từ ngày bắt đầu.

Công ty phải thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm cho UBND tỉnh và Sở Tài nguyên Môi trường trước ngày bắt đầu chậm nhất 10 ngày và phải báo cáo kết quả vận hành thử nghiệm các công trình xử lý chất thải của Dự án cho UBND tỉnh trước thời điểm kết thúc vận hành thử nghiệm 20 ngày.

Trên đây là giải đáp, tư vấn sơ bộ của Luật sư Nguyễn Thị Ngọc Anh – Luật sư Điều hành của Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA – ATA Legal Services về tình huống và trên cơ sở thông tin do bạn đọc cung cấp. Hi vọng bài viết này hữu ích cho hoạt động của Công ty bạn!

Bạn có thể liên hệ trực tiếp với Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA – ATA Legal Services để được tư vấn chi tiết hơn về các vấn đề pháp lý môi trường và/hoặc được hỗ trợ triển khai các thủ tục liên quan trong lĩnh vực môi trường.

Vừa qua, Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có sự liên kết hợp tác với Công ty Luật TNHH Toàn Cầu ATA (ATA Legal Services). Theo đó, ATA Legal Services sẽ là đối tác triển khai các hoạt động, chương trình hỗ trợ pháp lý nói chung và pháp lý kinh tế - môi trường nói riêng cho các độc giả của Tạp chí.

Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA - ATA Legal Services là một công ty luật được thành lập và điều hành bởi đội ngũ luật sư năng động, giỏi giang và dày dặn kinh nghiệm cả trong lĩnh vực tư vấn pháp lý và tranh tụng. Mục tiêu và phương châm hoạt động của ATA Legal Services là cung cấp các dịch vụ pháp lý linh hoạt và toàn diện cho các khách hàng là tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế. Khách hàng tiêu biểu của ATA Legal Services là các Tập đoàn lớn hàng đầu Việt Nam như Viettel, Tasco, Petrolimex, Masan Group...

Quý độc giả có thể liên hệ và trao đổi trực tiếp các nội dung pháp lý với luật sư của công ty theo đường dẫn: Công ty Luật TNHH Toàn cầu ATA - ATA Legal Services hoặc tại địa chỉ: Tầng 7 Số 184 Nguyễn Tuân, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội. 

Điện thoại: 0392920688 | 0914645112 ; Email: [email protected]

Bạn đang đọc bài viết Thay đổi công suất sản xuất và bổ sung sản phẩm: Dự án có phải xin cấp lại giấy phép môi trường?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 036 882 6789 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Hải Phòng thu ngân sách cao kỷ lục
Ba tháng đầu năm, TP. Hải Phòng thu ngân sách đạt hơn 47.800 tỷ đồng, hơn 40% dự toán thu ngân sách cả năm nay. Đây là thông tin được công bố tại phiên họp thường kỳ trực tuyến tháng 3 của UBND Thành phố Hải Phòng diễn ra sáng nay (3/4).
Kinh tế Hải Dương tăng trưởng tích cực trong quý 1
UBND tỉnh Hải Dương vừa tổ chức hội nghị (mở rộng) để xem xét tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội quý I/2025, theo đó, trong 3 tháng đầu năm, một số ngành, lĩnh vực của Hải Dương đạt mức tăng trưởng rất tích cực.