Chủ nhật, 24/11/2024 10:07 (GMT+7)
Thứ bảy, 22/08/2020 14:00 (GMT+7)

Thế giới tuần qua: 175.000 người phải sơ tán do cháy rừng tại California, đập Tam Hiệp lần đầu mở toàn bộ 10 cửa xả

Theo dõi KTMT trên

Nắng nóng kỷ lục đã làm bùng lên hàng trăm đám cháy tại California (Mỹ), Đập Tam Hiệp lần đầu mở toàn bộ 10 cửa xả... là những tin tức quốc tế nổi bật trong tuần qua.

Một loạt các vụ cháy lớn ở California buộc 175.000 người phải đi sơ tán

California đang phải vật lộn để khống chế những đám cháy rừng khổng lồ thiêu rụi nhiều cánh rừng và nhà cửa. Có hơn 12.000 lính cứu hỏa đang chiến đấu với ngọn lửa.

Trong số 560 đám cháy có một số đám cháy lớn nhất mà bang từng chứng kiến.

Thế giới tuần qua: 175.000 người phải sơ tán do cháy rừng tại California, đập Tam Hiệp lần đầu mở toàn bộ 10 cửa xả - Ảnh 1
Hàng loạt cái vụ cháy rừng xảy ra ở California khiến hằng trăm nghìn người buộc phải sơ tán.

Ít nhất 6 người chết, 43 người bao gồm cả lính cứu hỏa đã bị thương, hàng trăm tòa nhà bị thiêu rụi và hàng nghìn người khác bị đe dọa.

Nhiều ngọn lửa bùng cháy trên địa hình dốc, khó tiếp cận và bị thổi bùng do gió mạnh. Các đám cháy cũng đang đe dọa các thị trấn lớn hơn bao gồm Santa Cruz, nơi ngọn lửa bùng phát trong vòng 1,6 km từ khuôn viên Đại học California Santa Cruz.

Những ngọn lửa đã bắt đầu bùng phát trong một đợt nắng nóng lịch sử, Thung lũng Chết lập kỷ lục mới về nhiệt độ hôm 16/8 khi mức nhiệt trên sa mạc tại bang California lên tới 54,4 độ C.

Thống đốc Gavin Newsom cho biết, số đám cháy đã tăng gấp đôi quy mô so với một ngày trước đó và hiện đã buộc 175.000 cư dân phải đi sơ tán.

Ông Newsom cho biết, ông đang thúc giục Tổng thống Trump ký một tuyên bố về thảm họa.

Động đất mạnh 5,4 độ ở Indonesia

Thế giới tuần qua: 175.000 người phải sơ tán do cháy rừng tại California, đập Tam Hiệp lần đầu mở toàn bộ 10 cửa xả - Ảnh 2
(Ảnh minh họa)

Một trận động đất có độ lớn 5,4 đã làm rung chuyển khu vực cách tỉnh Bengkulu của Indonesia 143km về phía Tây Nam, vào lúc 7 giờ 39 phút sáng 22/8 (theo giờ Việt Nam).

Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS) cho biết một trận động đất có độ lớn 5,4 đã làm rung chuyển khu vực cách tỉnh Bengkulu của Indonesia 143km về phía Tây Nam, vào lúc 7 giờ 39 sáng 22/8 (theo giờ Việt Nam).

Theo USGS, tâm chấn của trận động đất ở độ sâu 10km.

Trước đó, sáng 19/8, hai trận động đất lớn cũng làm rung chuyển đảo Sumatra ở ngoài khơi Indonesia.

Trận động đất thứ nhất có độ lớn 6,8, và trong vòng 6 phút sau đó xảy ra trận động đất thứ hai có độ lớn 6,9. Tuy nhiên, không có cảnh báo sóng thần sau hai trận động đất này.

Indonesia nằm ở Vành đai lửa Thái Bình Dương, do đó thường xuyên xảy ra các hoạt động địa chấn và núi lửa phun trào.

Năm 2018, trận động đất có độ lớn 7,5 gây ra sóng thần trên đảo Sulawesi của Indonesia đã khiến hơn 4.300 người thiệt mạng và mất tích.

Trước đó, năm 2004, trận động đất có độ lớn 9,1 đã làm rung chuyển bờ biển Sumatra của Indonesia, gây ra sóng thần trên khắp Ấn Độ Dương làm 220.000 người thiệt mạng, trong đó có khoảng 170.000 người ở Indonesia.

Đập Tam Hiệp lần đầu mở toàn bộ 10 cửa xả

Theo Bộ Thủy lợi Trung Quốc, lưu lượng nước chảy vào hồ chứa đạt mức 72.000 m3/giây vào trưa 19/8 (giờ địa phương) trong bối cảnh mưa lớn vẫn đang đổ xuống các phụ lưu trên thượng nguồn sông Trường Giang (Dương Tử).

Thế giới tuần qua: 175.000 người phải sơ tán do cháy rừng tại California, đập Tam Hiệp lần đầu mở toàn bộ 10 cửa xả - Ảnh 3
Đập Tam Hiệp hôm 19/8 lần đầu tiên từ trước đến nay đã cho mở 10 cửa xả lũ. (Ảnh: News.cn)

Cơ quan quản lý đập Tam Hiệp hôm 19/8 lần đầu tiên từ trước đến nay đã cho mở toàn bộ 10 cửa xả lũ nhằm giảm nhẹ tác động của lũ lụt đối với công trình này.

Bộ Thủy lợi Trung Quốc cũng cảnh báo lượng nước đổ vào đập dự kiến nhiều hơn trong những ngày tới.

Cơ quan này hôm 18/8 đã nâng cảnh báo lũ khẩn cấp từ mức 3 lên mức 2, đồng thời cũng yêu cầu các hồ chứa ở thượng lưu sông Trường Giang, bao gồm đập Ertan và đập Hướng Gia Bá, giúp làm giảm lưu lượng nước lũ chảy vào hồ chứa đập Tam Hiệp.

Tam Hiệp là một hệ thống kiểm soát nguồn nước đa chức năng, bao gồm một con đập dài 2.309 m, cao 185 m và 34 máy phát điện có khả năng tạo ra 22,5 triệu KW.

Kể từ tháng 6, Trung Quốc đã phải đối mặt với một loạt trận lũ lụt kinh hoàng, kéo dài từ khu vực Tây Nam đến bờ biển phía Đông của nước này. Giới chức Trung Quốc gọi đây là thảm họa tồi tệ nhất kể từ năm 1981, với ước tính thiệt hại lên đến 25 tỉ USD và hàng triệu người buộc phải sơ tán.

Thiệt hại do trì hoãn các khoản đầu tư cho môi trường chẳng khác gì đại dịch Covid-19

Theo nghiên cứu của Viện nghiên cứu toàn cầu McKinsey & Co., khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ liên tục phải trải qua các đợt nắng nóng, hạn hán, lũ lụt và bão. Khu vực này cũng đang phải đối mặt với các tác động tiềm ẩn nghiêm trọng từ biến đổi khí hậu hơn so với nhiều nơi trên thế giới.

Thế giới tuần qua: 175.000 người phải sơ tán do cháy rừng tại California, đập Tam Hiệp lần đầu mở toàn bộ 10 cửa xả - Ảnh 4
Ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu đang gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế. (Ảnh minh hoạ)

Báo cáo cũng chỉ ra những rủi ro kinh tế của việc trì hoãn các khoản đầu tư nhằm giảm thiểu hoặc thích ứng với biến đổi khí hậu. Theo McKinsey, khả năng bị thiệt hại trên diện rộng sẽ có tác động tương tự như những gì khu vực châu Á phải trải qua trong giai đoạn đại dịch Covid-19 hiện nay.

Châu Á đang chịu rủi ro đặc biệt do tỉ lệ người nghèo, người có xu hướng phụ thuộc nhiều vào công việc ngoài trời, sống ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất do nhiệt độ và độ ẩm tăng cao. Đến năm 2050, việc mất đi lượng lao động này có thể làm giảm từ 7-13% GDP tại ba quốc gia: Ấn Độ, Bangladesh và Pakistan, có thể khiến khu vực châu Á thiệt hại tới 4,7 nghìn tỉ USD/năm trong GDP. Đồng nghĩa với khoảng 2/3 tổng lao động toàn cầu đang gặp rủi ro.

Thế giới vượt mốc 23 triệu ca mắc, 800.000 ca tử vong do Covid-19

Theo thống kê của worldometers, tính đến 9h00 ngày 21/8/2020 (giời Việt Nam), thế giới có 23.106.464 người mắc, 802.950 người tử vong do Covid-19. 215 quốc gia, vùng lãnh thổ (trong đó có 2 tàu du lịch) ghi nhận ca mắc Covid-19.

Thế giới tuần qua: 175.000 người phải sơ tán do cháy rừng tại California, đập Tam Hiệp lần đầu mở toàn bộ 10 cửa xả - Ảnh 5
Ảnh minh hoạ. (Nguồn: Reuters)

Mỹ đang là quốc gia đứng đầu, trong 24h qua, Mỹ đã ghi nhận thêm 45.477 ca mắc, nâng tổng số ca tại quốc gia này lên hơn 5,7 triệu trường hợp với 179.046 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 990 người chết vì dịch bệnh này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hy vọng đại dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng kết thúc hơn so với đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 và kéo dài chưa tới 2 năm nếu thế giới đoàn kết và tìm ra vaccine thành công.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định hôm 21/8 rằng đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918 "mất 2 năm để chấm dứt. Trong tình hình của chúng ta hiện nay với nhiều công nghệ hơn và dĩ nhiên nhiều sự kết nối hơn, virus có điều kiện thuận lợi hơn để lây lan, nó có thể di chuyển rất nhanh bởi chúng ta kết nối với nhau nhiều hơn".

"Nhưng cùng lúc, chúng ta cũng có công nghệ và kiến thức để ngăn chặn virus. Chúng ta gặp bất lợi về sự toàn cầu hóa, sự thân cận, sự gắn kết nhưng cũng có lợi thế về công nghệ tốt hơn. Vì thế, chúng tôi hy vọng có thể kết thúc đại dịch này trong chưa đầy 2 năm".

Quang Huy

Bạn đang đọc bài viết Thế giới tuần qua: 175.000 người phải sơ tán do cháy rừng tại California, đập Tam Hiệp lần đầu mở toàn bộ 10 cửa xả. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới