Chủ nhật, 24/11/2024 09:29 (GMT+7)
Thứ sáu, 24/03/2023 09:55 (GMT+7)

Thêm 8 ca nhiễm, virus Marburg có dễ lây nhiễm không?

Theo dõi KTMT trên

Virus Marburg không lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh. Đáng lo ngại, bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao nhưng trong giai đoạn đầu lại rất khó phân biệt với nhiều bệnh sốt nhiệt đới khác do các triệu chứng lâm sàng giống nhau.

Ngày 23/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, Guinea Xích đạo tiếp tục ghi nhận thêm 8 trường hợp mắc bệnh Marburg.

Tính từ đợt bùng phát hồi tháng 2 đến nay, số ca nhiễm Marburg được xác nhận trong phòng thí nghiệm tăng lên 9 ca và số ca nghi nhiễm tăng lên đến con số 20. Ngoài ra, thế giới có 20 trường hợp tử vong vì virus Marburg.

Virus Marburg là một loại RNA virus thuộc họ Filovirus, gây bệnh sốt xuất huyết tương tự như Ebola. Virus Marburg lần đầu tiên được ghi nhận vào năm 1967, khi dịch sốt xuất huyết bùng phát đồng thời tại các phòng thí nghiệm ở Marburg và Frankfurt (Đức) cũng như ở Belgrade, Nam Tư (nay là Serbia). Từ 7/1/2023 đến 21/02/2023, đã ghi nhận 9 trường hợp nghi ngờ nhiễm virus Marburg tại Guinea Xích Đạo (Tây Phi) trong đó có 1 ca đã xác nhận bằng xét nghiệm, tất cả các ca đều đã tử vong.

Thêm 8 ca nhiễm, virus Marburg có dễ lây nhiễm không? - Ảnh 1
Guinea Xích đạo tiếp tục ghi nhận thêm 8 trường hợp mắc bệnh do virus Marburg.

Virus Marburg có thể lây nhiễm từ động vật sang người do tiếp xúc trực tiếp với chất dịch cơ thể của động vật nhiễm bệnh, lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu và dịch tiết của người bệnh hoặc các bề mặt nhiễm mầm bệnh. 

Ngoài ra khi một số vật dụng chăm sóc người bệnh như quần áo, ga trải giường, bơm kim tiêm, vật dụng y tế… nếu nhiễm virus thì có thể lây sang người. Virus Marburg cũng có thể lây trong phòng thí nghiệm hay nhân viên y tế chăm sóc người bệnh cũng có khả năng nhiễm bệnh.

Bệnh do virus Marburg gây ra có thời gian ủ bệnh kéo dài từ 2-21 ngày. Bắt đầu với sốt cao, ớn lạnh, đau đầu dữ dội, đau cơ. Khoảng ngày thứ 5 sau khi khởi bệnh, có thể xuất hiện ban dát sẩn, nổi rõ nhất trên thân (ngực, lưng, bụng). Buồn nôn, nôn, đau ngực, đau họng, đau bụng và tiêu chảy có thể xuất hiện. Ngoài ra, người bệnh còn kèm theo biểu hiện xuất huyết, mê sảng đi vào sốc và dẫn đến suy gan, suy đa tạng có thể gây tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh châu Âu, Marburg không lây nhiễm trong thời gian ủ bệnh. Đáng lo ngại là bệnh có tỷ lệ tử vong rất cao nhưng trong giai đoạn đầu lại rất khó phân biệt với nhiều bệnh sốt nhiệt đới khác do các triệu chứng lâm sàng giống nhau.

Các bệnh sốt xuất huyết do virus khác cần được loại trừ sẽ bao gồm: bệnh do virus Ebola, bệnh sốt rét, sốt thương hàn, bệnh leptospirosis, nhiễm trùng do rickettsia và bệnh dịch hạch.

Giống Ebola, Marburg có thể gây ra chứng sốt xuất huyết do virus rất nghiêm trọng, cản trở khả năng đông máu. 

Bên cạnh đó, các biểu hiện xuất huyết nghiêm trọng có thể xuất hiện từ 5 - 7 ngày kể từ khi khởi phát triệu chứng. Các trường hợp tử vong thường có một số dạng chảy máu, thường từ nhiều vùng. Tử vong thường xảy ra nhất trong khoảng từ 8 - 9 ngày sau khi khởi phát triệu chứng, thường xảy ra trước khi mất máu nghiêm trọng và sốc.

Hiện nay bệnh chưa có vaccine hay thuốc kháng virus đặc hiệu để điều trị. Người mắc bệnh do virus Marburg sẽ phải cách ly nghiêm ngặt và phương pháp điều trị chủ yếu là điều trị hỗ trợ như bù nước điện giải, chống xuất huyết, nếu có biểu hiện suy đa tạng thì cần thở oxy, hồi sức… Tuy nhiên với tỷ lệ tử vong khá cao, thường những người mắc bệnh đều có tiên lượng nặng.

Trao đổi về vấn đề này, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, cho hay trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Marburg, Việt Nam đã có cảnh báo để kịp thời phát hiện ca bệnh.

Đây là dịch bệnh được lưu hành từ rất lâu trên thế giới. "Tuy nhiên, Việt Nam chưa ghi nhận ca bệnh nhiễm virus Marburg. Trước đây, chúng ta cũng chưa từng xuất hiện ca bệnh", PGS Phu nói. Hiện virus Marburg cũng chưa xuất hiện tại khu vực châu Á. Với sự giao thương hiện tại, nguy cơ lây truyền hoàn toàn có thể xảy ra.

PV

Bạn đang đọc bài viết Thêm 8 ca nhiễm, virus Marburg có dễ lây nhiễm không?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới