Chủ nhật, 24/11/2024 05:01 (GMT+7)
Chủ nhật, 11/06/2023 16:22 (GMT+7)

Thống nhất tên gọi cho sâm Ngọc Linh, Lai Châu là...sâm Việt Nam

Theo dõi KTMT trên

Mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Theo đó, loài Sâm Việt Nam bảo tồn, gây trồng, phát triển gồm: Sâm Ngọc Linh, Sâm Lai Châu.

Phát triển xứng danh “quốc bảo”

Những năm qua, việc đầu tư phát triển sâm nói chung, đặc biệt là sâm Ngọc Linh đã được các cấp, các ngành từ Trung ương và địa phương quan tâm, chỉ đạo, ban hành nhiều văn bản, cơ chế, chính sách tạo hành lang pháp lý để phát triển loài cây dược liệu quý, có giá trị kinh tế cao này. Đáng chú ý, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2017/NĐ-CP về chính sách đặc thù về giống, vốn và công nghệ trong phát triển nuôi trồng, khai thác dược liệu.

Ngày 5/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 787/QĐ-TTg về phê duyệt bổ sung danh mục sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020, và Quyết định 376/QĐ-TTg ngày 17/3/2021 về phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2017, Bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành quyết định phê duyệt đề án khung phát triển sản phẩm quốc gia sâm Việt Nam (sâm Ngọc Linh). Năm 2019, Bộ Y tế cũng ban hành danh mục 100 cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển giai đoạn 2020-2030, trong đó sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu được ưu tiên trong danh mục này.

Thống nhất tên gọi cho sâm Ngọc Linh, Lai Châu là...sâm Việt Nam - Ảnh 1

Mới đây nhất, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045.

Mục tiêu cụ thể giai đoạn đến năm 2030, bảo tồn nguồn gene Sâm Việt Nam ngoài tự nhiên gắn với bảo vệ, phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học trong hệ sinh thái rừng; phấn đấu diện tích trồng đạt khoảng 21.000ha vào năm 2030, 100% diện tích trồng được cấp mã số vùng trồng và chỉ dẫn địa lý. Sản lượng khai thác từ năm 2030 đạt khoảng 300 tấn/năm (diện tích khai thác khoảng 1.000 ha/năm), đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, đạt tiêu chuẩn GACP-WHO (thực hành tốt nuôi trồng và thu hái) hoặc tương đương.

Bên cạnh đó, tiếp tục đầu tư, xây dựng các cơ sở sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm từ Sâm Việt Nam gắn với vùng nguyên liệu, sản xuất theo chuỗi, trong đó có khoảng 50% cơ sở sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng GMP-WHO (thực hành sản xuất tốt).

Định hướng đến năm 2045 phát triển Sâm Việt Nam trở thành ngành hàng mang thương hiệu quốc tế, có giá trị xuất khẩu cao, tạo nguồn thu quan trọng cho các địa phương, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất Sâm lớn trên thế giới.

Chương trình áp dụng đối với các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về điều kiện tự nhiên phù hợp cho việc nuôi trồng, phát triển Sâm Việt Nam, gồm các tỉnh: Quảng Nam, Kon Tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên. Trong đó, phát triển vùng nguyên liệu Sâm Việt Nam quy mô hàng hóa tại các tỉnh Quảng Nam, Kon Tum và Lai Châu.

Các loài Sâm Việt Nam thuộc đối tượng bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa gồm: Sâm Ngọc Linh (Panax vietnamensis Ha et Grushv), Sâm Lai Châu (Panax vietnamensis var. fiscidiscus K.Komatsu, S.Zhu & S.Q.Cai). Còn Sâm Lang Biang và Sâm Puxailaileng sẽ được bảo tồn, gây trồng, phát triển quy mô thử ngiệm ở khu vực có điều kiện tự nhiên phù hợp.

Báu vật sức khoẻ

Các nghiên cứu đều khẳng định sâm Ngọc Linh là loài thảo dược giá trị cao ở Việt Nam, đã được chứng minh có tác dụng tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch, trí nhớ, kháng viêm, chống căng thẳng, chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa. Thân rễ và củ sâm được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, còn lá và thân thì được dùng làm trà sâm.

Thống nhất tên gọi cho sâm Ngọc Linh, Lai Châu là...sâm Việt Nam - Ảnh 2

Theo TS Lê Thị Hồng Vân, giảng viên bộ môn dược liệu Trường ĐH Y Dược TP.HCM, sâm Ngọc Linh là vị thuốc rất quý, đứng trên cả nhân sâm Triều Tiên, Trung Quốc và Mỹ. Sâm Ngọc Linh có đến 50% saponin thuộc nhóm hoạt chất ocotillol nhân sâm (sâm Triều Tiên) không có. So sánh hàm lượng saponin, sâm Ngọc Linh cao gấp 3 lần nhân sâm Triều Tiên, hơn 2 lần nhân sâm Trung Quốc, nhân sâm Mỹ. Đặc biệt, nhóm saponin thuộc khung ocotillol như majonosid R2 (M-R2) chiếm hơn 50% hàm lượng saponin toàn phần sâm Ngọc Linh. Đây được coi là đặc trưng để phân biệt sâm Ngọc Linh với các loại sâm khác trên thế giới.

Về tác dụng chữa bệnh, ông Tuyền cho biết: “Sâm Ngọc Linh chữa hoặc hỗ trợ chữa được rất nhiều bệnh, trong đó có cả bệnh nan y”. Trong hàng loạt nghiên cứu sâm này đối với sức khỏe, có những nghiên cứu rất công phu được thực hiện bởi các cá nhân, đơn vị uy tín như: Viện Nghiên cứu sức khỏe người cao tuổi với GS Phạm Khuê và cộng sự, Quân y viện 175 TP.HCM với GS Đỗ Đình Luận và cộng sự, Viện Điều dưỡng TP.HCM, Bộ phận dược lý Trung tâm sâm Việt Nam.

Thống nhất tên gọi cho sâm Ngọc Linh, Lai Châu là...sâm Việt Nam - Ảnh 3

Trong đó, chương trình theo dõi trên các bệnh nhân tình nguyện do Bộ phận dược lý Trung tâm sâm Việt Nam thực hiện kết luận: Bệnh nhân cảm thấy ăn ngon hơn, ngủ tốt hơn, tăng thể trọng, tăng thị lực, trí lực và thể lực được cải thiện tốt. Giảm mệt mỏi, chống suy nhược sức khỏe. Gia tăng sức đề kháng của cơ thể trong các bệnh nhiễm trùng khi phối hợp với các loại kháng sinh thông dụng. Cải thiện các chỉ số sinh hóa của cơ thể như: Tăng dung tích sống, tăng chỉ số tiffeneau, giảm cholesterol huyết, tăng tỷ số A/G, tăng số lượng hồng cầu hemoglobin và hematocrit. Cải thiện suy nhược thần kinh, suy nhược sinh dục...

Công trình đăng trên Biological and Pharmaceutical Bulletin, tập san y khoa bình duyệt ra hằng tháng của Hiệp hội Dược Nhật Bản, năm 1998. Nhóm nghiên cứu thử nghiệm tác dụng ức chế đối với kháng nguyên sớm của virus Epstein-Barr (EBV-EA) của 7 saponin phân lập từ thân rễ và rễ của sâm Ngọc Linh.

Kết quả cho thấy, Majonoside-R2 - saponin nhóm Ocotillol chiếm hơn nửa tổng hàm lượng saponin của sâm Ngọc Linh, có tác dụng ức chế đáng kể sự hoạt hóa EBV-EA; và Majornoside-R2 có thể là một tác nhân hóa học giá trị có thể chống lại chất sinh ung thư hóa học.

Thống nhất tên gọi cho sâm Ngọc Linh, Lai Châu là...sâm Việt Nam - Ảnh 4

Trong khi đó, công trình nghiên cứu: "Chất chuyển hóa sesquiterpene lactone mới từ sâm Ngọc Linh" của nhóm tác giả Việt Nam và một nhà nghiên cứu nước ngoài - Poul Erik Hansenf (Khoa Khoa học và môi trường, Đại học Roskilde, Đan Mạch) đã chỉ ra sesquiterpene lactone là một nhóm sản phẩm tự nhiên quan trọng thu được từ nhiều loài cây thuốc, rất đa dạng về cấu trúc và có hoạt tính sinh học tốt cho sức khỏe như chống ung thư, chống viêm, kháng u, chống sốt rét, kháng vi rút, kháng khuẩn, kháng nấm...

Sâm Ngọc Linh như loại kháng sinh tự nhiên nên có tính kháng khuẩn, tiêu viêm, phục hồi tổn thương rất tốt. Với những người cao tuổi, người suy giảm hệ miễn dịch, mắc nhiều bệnh lý nền nếu sử dụng sâm thường xuyên sẽ giúp phục hồi sức khỏe, tăng cường sức đề kháng.

Sâm Ngọc Linh cũng đã được Chính phủ phê duyệt là sản phẩm mang thương hiệu quốc gia, là "quốc bảo" của Việt Nam và đưa vào danh mục cấm khai thác, thuộc 250 loài quý hiếm trong sách đỏ.

Anh Thư

Bạn đang đọc bài viết Thống nhất tên gọi cho sâm Ngọc Linh, Lai Châu là...sâm Việt Nam. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới