Chủ nhật, 24/11/2024 06:58 (GMT+7)
Thứ ba, 03/11/2020 16:22 (GMT+7)

Thủ tướng đồng ý quan điểm của đại biểu Quốc hội, hạn chế thủy điện nhỏ

Theo dõi KTMT trên

Một số đại biểu Quốc hội đề nghị hạn chế, dừng phát triển thủy điện vừa và nhỏ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đồng ý với quan điểm này.

Tại phiên Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2020, giai đoạn 2016 - 2021, sáng 2/11, nghị trường “nóng” với tranh luận về phát triển thủy điện nhỏ và vừa, nhiều ý kiến của các đại biểu Quốc hội đề nghị nên hạn chế, dừng thủy điện nhỏ và vừa.

Ông Đinh Duy Vượt, đại biểu Quốc hội đoàn Gia Lai cho biết, vừa qua, thiên tai, dịch bệnh và đặc biệt là biến đổi khí hậu bão lũ đã gây hậu quả nghiêm trọng. Vấn đề an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và môi trường được đặt ra cấp thiết. "Đây là vấn đề rất lớn đã được Quốc hội bàn rất nhiều. Tôi nghĩ rằng một số sự cố xảy ra trong đó một phần nguyên nhân là việc quản lý nguồn nước, đảm bảo an toàn hồ đập. Chúng ta dứt khoát phải trồng rừng, là rừng phòng hộ cây gỗ lớn. Rừng chính là hồ chứa nước điều tiết nước khổng lồ", ông Vượt nói.

Thủ tướng đồng ý quan điểm của đại biểu Quốc hội, hạn chế thủy điện nhỏ - Ảnh 1
Do thủy điện An Khê - Kanak chuyển nước về sông Kôn (Bình Định), sông Ba ở Gia Lai thành "sông chết".

“Trong kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa 14 tôi đã báo cáo Quốc hội nên dừng các thủy điện Tây Nguyên khi đã có điện gió, điện mặt trời phát triển. Nhiều đại biểu đã phân tích về thủy điện nhỏ và vừa, lợi thì nhà đầu tư được nhưng thiệt hại thì Nhà nước bỏ tiền ra khắc phục hậu quả. Tôi đề nghị thủy điện nhỏ là phải chấm dứt” -  ông Đinh Duy Vượt nêu ý kiến.

Theo ông Thào Xuân Sùng, đại biểu Quốc hội đoàn Hà Giang, cần rà soát báo cáo với Quốc hội, ít nhất là với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sự an toàn của hệ thống thủy điện, thủy lợi và các hồ chứa nước.

“Quan điểm của tôi, những thủy điện nhỏ và vừa đã và đang làm nếu như không an toàn cho hạ lưu, không đảm bảo môi trường rừng, cứ xâm lấn rừng, thì cho dừng xây dựng, có cơ chế đền bù. Chúng ta vì người chứ không vì tiền. Mấy huyện của Hà Tĩnh đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới nhưng khi mưa to, lũ từ hồ Kẻ Gỗ về làm cho nông thôn mới thành 2 bàn tay trắng” - ông Thào Xuân Sùng nói.

Cũng trong phiên thảo luận tại tổ sáng 2/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, chưa bao giờ thiên tai dồn dập vào Việt Nam như thời gian qua, có thể nói là lịch sử, gây thiệt hại lớn tới GDP. Thủ tướng khẳng định Chính phủ sẽ có chính sách mạnh hơn trong việc hỗ trợ người dân, như hỗ trợ về nhà ở, nhất là với các hộ dân có nhà sập đổ, đặc biệt là biện pháp chăm sóc người bị nạn, tìm người mất tích quyết liệt hơn.

Giải thích về nguyên nhân gây nên mưa lũ và sạt lở đất ở miền Trung, Thủ tướng cho rằng có nhiều ý kiến khác nhau, nhưng cũng cần lưu ý đặc thù của địa chất khu vực này là kết cấu đất sét, mưa nhiều sẽ gây ra sạt lở. Rừng già còn nhiều, khảo sát nhiều nơi thảm thực vật vẫn còn 80-90%, nhưng mưa thối đất thì không còn kết cấu nào chịu đựng được.

Theo Thủ tướng, Việt Nam hiện là một trong những nước có tỷ lệ phủ xanh rừng lớn, trên 43%, đây là sự cố gắng và sắp tới phải làm tốt hơn nữa việc phủ xanh. Thủ tướng cho rằng, phải xem xét vấn đề thuỷ điện nhỏ để tiếp tục hạn chế việc phá rừng. Nghị quyết Quốc hội đã ban hành, những công trình nào lấy đất rừng thì phải trình ra Quốc hội, ví dụ việc trình Quốc hội việc chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để xây dựng hai công trình ở Ninh Thuận và Nghệ An. Nếu chứng minh được thì Quốc hội mới thông qua.

"Còn những công trình thuỷ điện nhỏ, tôi đồng ý với các đại biểu nên hạn chế” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Lam Lê

Bạn đang đọc bài viết Thủ tướng đồng ý quan điểm của đại biểu Quốc hội, hạn chế thủy điện nhỏ. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới