Thủ tướng: Tăng cường các biện pháp bảo đảm mọi người dân đều được vui Xuân, đón Tết
Đây là chỉ đạo mới nhất của Thủ tướng Chính phủ về việc đôn đốc các bộ, ngành, địa phương thực hiện nhiệm vụ phục vụ nhân dân đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Để chuẩn bị chu đáo và bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ Nhân dân đón mừng năm mới 2022 và vui xuân, đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần lành mạnh, an toàn, tiết kiệm, Thủ tướng yêu cầu tập trung chỉ đạo thực hiện tốt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tại Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tổ chức Tết Nhâm Dần 2022 và Chỉ thị số 35 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp bảo đảm đón Tết Nguyên đán Nhâm Dần vui tươi, lành mạnh, an toàn, tiết kiệm.
Trong đó chú trọng một số nội dung trọng tâm sau: Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Các địa phương không được tự đặt ra yêu cầu, quy định về phòng, chống dịch trái với quy định của Trung ương và hướng dẫn của Bộ Y tế. Yêu cầu các cơ sở y tế thực hiện nghiêm chế độ trực Tết; bảo đảm đầy đủ thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị và lực lượng cán bộ, nhân viên y tế sẵn sàng phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 và khám, chữa bệnh cho người dân trong dịp Tết.
Bên cạnh đó, tập trung chỉ đạo chăm lo đời sống, bảo đảm mọi người dân, mọi gia đình đều được vui Xuân, đón Tết; thực hiện tốt các chính sách người có công, bảo trợ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội; chăm lo các đối tượng chính sách, người có hoàn cảnh khó khăn đúng đối tượng, chế độ quy định.
Quản lý tốt thị trường, giá cả và chủ động chuẩn bị nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, bảo đảm chất lượng, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu của người dân, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, tăng giá đột biến, nhất là khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trực tiếp chỉ đạo theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nhất là đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phục vụ Tết của nhân dân trên địa bàn; tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, niêm yết giá, không để xảy ra việc lợi dụng dịp Tết để tăng giá, tác động, ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Quản lý chặt chẽ các hoạt động vận tải, nâng cao năng lực, chất lượng dịch vụ vận tải, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu đi lại của nhân dân trong dịp Tết; chú trọng phối hợp chặt chẽ giữa các địa phương trong việc đưa đón, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, cho công nhân, người lao động về quê ăn Tết và quay trở lại nơi làm việc; không được "ngăn sông, cấm chợ" và bảo đảm an toàn dịch bệnh.
Tổ chức tốt các hoạt động văn hóa, thể dục, thể thao mừng Xuân, đảm bảo thiết thực, hiệu quả, an toàn, tiết kiệm, lành mạnh, phù hợp với truyền thống văn hóa và thuần phong, mỹ tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc gắn với thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19.
Chú trọng bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong dịp Tết; thực hiện nghiêm chế độ trực chỉ huy, trực sẵn sàng chiến đấu; phối hợp chủ động nắm chắc tình hình cơ sở, nhất là các tuyến biên giới và tại các địa bàn trọng điểm; kịp thời có phương án xử lý hiệu quả các tình huống phát sinh, không để bị động bất ngờ, bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu, địa bàn trọng điểm, các sự kiện chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng; tăng cường phòng, chống cháy nổ, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.
Cơ quan khí tượng, thủy văn tập trung làm tốt công tác dự báo thời tiết, khí tượng thủy văn để góp phần tạo thuận lợi cho người dân vui Xuân, đón Tết và phục vụ các hoạt động sản xuất, kinh doanh sau Tết.
Yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm chế độ trực Tết và các chế độ thông tin, báo cáo trong dịp nghỉ Tết; xử lý kịp thời các công việc, tình huống phát sinh, không để ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân và các hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngay sau kỳ nghỉ Tết, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương khẩn trương triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao với tinh thần tập trung cao, quyết liệt, hiệu quả.
Trước đó, theo đánh giá của Thủ tướng, tình hình năm 2022 còn nhiều khó khăn, phức tạp, có những thuận lợi, cơ hội, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, dịch Covid-19 có thể phức tạp, nguy hiểm hơn với sự xuất hiện của các biến chủng mới, Thủ tướng mong muốn nhân dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch, đặc biệt là công thức "5K+vaccine+thuốc+công nghệ+đề cao ý thức người dân và các biện pháp khác". "Trước hết, trên hết là chăm lo sức khỏe, tính mạng người dân".
"Chúng ta không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội, không đánh đổi môi trường sống của nhân dân để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần. Trong phòng, chống dịch, chúng ta đã quyết tâm không để ai thiếu ăn, thiếu mặc, không để ai bị bỏ lại phía sau. Năm 2021, công tác an sinh xã hội được triển khai tích cực, có hiệu quả với quy mô chưa từng có, gấp nhiều lần điều kiện bình thường, cả nước đã hỗ trợ khoảng 43 triệu người với tổng kinh phí hơn 70.000 tỷ đồng và xuất cấp trên 158.000 tấn gạo…" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Chi khoảng 2.650 tỷ đồng để "lo Tết" cho người dân
Đây là thông tin được đưa ra tại cuộc Họp báo Chính phủ thường kỳ vừa diễn ra vào ngày 28/1. Theo đó, thời gian qua, Chính phủ quan tâm đặc biệt tới công tác an sinh xã hội. Theo đó, dịp Tết Nguyên đán 2022, Chính phủ đã xuất 9.600 tấn gạo cứu đói, 2.700 tấn gạo giáp hạt cho người dân ở các địa phương.
Chính phủ cũng đã tổ chức chăm lo, trợ giúp trẻ em, các đối tượng chính sách (người có công với cách mạng, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội và các đối tượng yếu thế khác) đón Tết Nguyên đán năm 2022 đầy đủ, với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau; hỗ trợ người dân vượt lên khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Đón người dân về quê an toàn, chăm lo để mọi người đều có Tết ấm no, hạnh phúc, bù đắp những khó khăn, mất mát do dịch bệnh. Đến thời điểm này, tổng kinh phí thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP, quyết định 23/QĐ-TTg trên toàn quốc là 36.662 tỷ đồng, hỗ trợ trên 34,2 triệu lượt đối tượng.
Lan Anh (T/h)