Thực phẩm, rau xanh dồi dào, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng
Hiện nay, nguồn lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi và chợ dân sinh vẫn dồi dào, giá cả có giảm nhẹ so với sau dịp Tết.
Tại một số chợ truyền thống ở Hà Nội, giá các loại rau xanh có giảm nhưng không đáng kể so với những ngày sau Tết. Đắt nhất vẫn là rau cải xanh, cải ngọt, giá 35.000 đồng/kg, rau muống có giá từ 8.000 – 10.000 đồng/mớ, rau cần giá từ 10.000 – 15.000 đồng/bó. Rau ăn sống vẫn giữ giá như sau Tết.
Theo giải thích của người bán, giá rau xanh vẫn đắt là do trận mưa đá hôm 30 và mùng 1 Tết đã làm hỏng hết rau, phải nhập rau từ các tỉnh, thành khác. Do hôm nay là ngày rằm tháng Giêng nên nhu cầu mua thực phẩm của người dân cao hơn: “Nếu mua rau ăn lẩu trong năm hết khoảng 120.000 đồng thì mấy hôm nay phải mua hết 250.000 đồng. Nấm trong năm có 8.000 đồng thôi nhưng hôm nay lên tận 18.000, hoa súp lơ bé cũng 15.000 đồng/cây. Rau mồng tơi trong năm có giá 5.000 đồng/mớ, rét quá không lên được thì giá bị đẩy lên 10.000 đồng/mớ. Thời tiết khắc nghiệt quá, nhà nào cũng háo rau sau Tết nên đắt họ vẫn mua”.
Nguồn thực phẩm, rau xanh tại các chợ và siêu thị vẫn dồi dào. |
Khảo sát tại các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội như: Vinmart, Hapro, BigC… cho thấy, lượng hàng hóa cung ứng, bày bán dồi dào và phong phú, đặc biệt là các loại hàng hóa thiết yếu như rau xanh, thịt cá, hải sản, gạo… đều được bày kín trên các kệ hàng.
Tại siêu thị VinMart, phố Trung Kính, Cầu Giấy, các loại rau, củ quả, thực phẩm, sữa và một số loại vật phẩm thiết yếu khác khá dồi dào.
Chị Nguyễn Minh Trung, nhân viên bán hàng tại siêu thị này cho biết, siêu thị luôn đảm bảo nguồn cung về rau, củ quả cũng như tất cả các mặt hàng thiết yếu khác cho người tiêu dùng. Vì thế, người dân không lo hàng hóa bị thiếu hụt trong những thời gian cao điểm.
“Giá cả vẫn ổn định, nguồn hàng vẫn cung cấp bình thường, không có gì thay đổi nhiều so với cả trước Tết, chúng tôi vẫn nhập và bán bình thường, giá vẫn niêm yết theo giá chung của công ty. Các chương trình khuyến mãi vẫn đầy đủ như bình thường, không có gì thay đổi, nguồn hàng về thường xuyên, đều và không bị đứt đoạn”, chị Trung nói.
Lo ngại dịch viêm phổi cấp diễn biến phức tạp, kéo dài, một số người dân đã mua lương thực tích trữ. Tuy nhiên, đại diện Vụ Thị trường, Bộ Công thương khẳng định, lượng hàng hóa tại các siêu thị luôn đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân.
Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chuẩn bị lượng hàng hóa, xây dựng kế hoạch dự trữ và đảm bảo cung ứng đủ lượng hàng hóa trong siêu thị cũng như các hệ thống chợ dân sinh, không để thiếu hụt kể cả trong trường hợp sức mua tăng đột biến. Siêu thị Big C đang tăng cường hình thức thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể ngồi nhà vẫn nhận được lương thực, thực phẩm, đồ tiêu dùng hàng ngày khi có nhu cầu, không cần tích trữ trong thời gian dài.
Kim Thanh