Chủ nhật, 24/11/2024 07:49 (GMT+7)
    Thứ sáu, 01/04/2022 18:00 (GMT+7)

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/4

    Theo dõi KTMT trên

    Bất động sản bị "thổi giá", có trường hợp trúng thầu bất thường; “Người dân nào có nhiều đất vườn, là sướng lắm”; Siết phân lô, tách thửa để chặn sốt đất chỉ là biện pháp tình thế?… là tin BĐS nổi bật trong ngày hôm nay.

    Bất động sản bị "thổi giá", có trường hợp trúng thầu bất thường

    Trong thời gian gần đây, bất động sản tại một số khu vực trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có hiện tượng bị “thổi giá”, giá cả không đúng với giá trị thực tế. Cá biệt, một số trường hợp có giá trúng thầu cao bất thường, cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm.

    Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành công văn về việc tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản và đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn tỉnh.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/4 - Ảnh 1

    Theo đó, trong thời gian qua, thực hiện kế hoạch phát triển quỹ đất, các địa phương đã tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, trong quá trình này, một số nơi có dấu hiệu chủ đầu tư, nhà đầu tư tổ chức huy động vốn, chuyển nhượng quyền sử dụng đất chưa đúng quy định. Một số tổ chức hội nghị, phát tờ rơi thổi phồng để quảng cáo, rao bán khi chưa đầy đủ quy trình, thủ tục và chưa đầu tư hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cho dự án.

    Bên cạnh đó, tại các khu vực quy hoạch dự kiến thực hiện khu dân cư, khu đô thị, khu nhà ở thương mại, khu du lịch, nghỉ dưỡng, hạ tầng giao thông... xuất hiện hoạt động đầu cơ mua đi bán lại bất động sản gây "sốt ảo".

    Hiện tượng "thổi giá" làm cho giá cả của khu đất không đúng với thực tế giá trị. Cá biệt, một số trường hợp giá trúng thầu cao gấp nhiều lần so với giá khởi điểm, có trường hợp cao bất thường tạo sự quan tâm của dư luận xã hội, ảnh hưởng đến an ninh - trật tự và công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án.

    Để chấn chỉnh tình trạng trên, UBND tỉnh Quảng Bình yêu cầu các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 02 của Chủ tịch UBND tỉnh và Công văn số 291 của UBND tỉnh ban hành ngày 4/3 về tăng cường công tác quản lý thị trường bất động sản, giá đất trên địa bàn.

    Ngoài ra, các sở, ngành, địa phương chỉ đạo công tác tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đúng pháp luật, công khai, minh bạch; kịp thời phát hiện, xử lý trường hợp rao bán khi chưa đủ quy trình, thủ tục và chưa hoàn thành hạ tầng kỹ thuật cho dự án theo chủ trương được phê duyệt.

    “Người dân nào có nhiều đất vườn, là sướng lắm”

    Nhiều hộ dân, thậm chí không thiết tha làm rẫy, làm vườn mà chỉ ngay đêm trông ngóng giá đất nhảy vọt, để cắt một phần bán ra cho nhà đầu tư. Có khi họ còn bán luôn cả tài sản, dự tính có tiền về quê sinh sống.

    Cơn sốt đất vườn đi qua các tỉnh, thành lân cận TP.HCM gần như đang khiến những người nông dân có đất "đổi đời" nhờ xẻ đất bán lại cho nhà đầu tư. Mặc dù, hiện nay, không nhiều người dân chịu bán ra mà chờ "tăng thêm giá", nhưng không thể phủ nhận, gần như tất cả họ đều trông ngóng giá đất lên, căn thời điểm để bán ra.

    Có hơn 2 héc-ta đất vườn tại xã Lộc Tiến, TP.Bảo Lộc, anh T, coi như đã nắm hàng chục tỷ trong tay, mặc dù hơn chục năm về trước, mảnh đất này, vợ chồng anh chỉ mua với giá 30 triệu đồng để trồng tiêu và cà phê. Từ thời điểm đất vùng cao sốt, mảnh đất của anh được nhiều NĐT đến hỏi mua. Tuy nhiên, chưa có ý định bán ngay nên anh T vẫn để đó và chờ tăng giá thêm.

    Năm 2020 có nhà đầu tư hỏi mua mảnh đất của anh với giá 25 tỷ đồng. Đến cuối năm 2021, lại có nhà đầu tư có ý định mua với giá 40 tỷ đồng. Thấy tình hình giá đất còn lên nữa, nên anh T chưa vội bán ra. "Nếu có bán, tôi chỉ bán tầm 1 héc-ta, còn lại để làm ăn", anh T chia sẻ.

    Đánh giá về hệ lụy của tình trạng sốt đất ảo ở nhiều địa phương thời gian qua, ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam từng cho rằng, việc giá đất tăng chóng mặt đã hút nguồn lực lớn của cả nước vào vòng xoáy này, làm giảm đầu tư vào sản xuất, kinh doanh ở nhiều ngành, lĩnh vực khác.

    Hệ lụy từ những cơn sốt đất ở các vùng nông thôn là khiến giá đất tăng ảo tại khu vực đó, người dân địa phương không thể yên tâm canh tác, sản xuất. Những người có nhu cầu đầu tư vào trang trại, nông nghiệp cũng gặp khó vì không thể mua đất khi giá đang sốt ảo... và hoạt động sản xuất nông nghiệp cũng bất ổn theo.

    Siết phân lô, tách thửa để chặn sốt đất chỉ là biện pháp tình thế?

    Hiện nay, nhiều ban ngành, địa phương liên tục đưa ra biện pháp cấm tách thửa, phân lô để ngăn chặn tình trạng sốt đất, đẩy giá, gây hệ luỵ đến thị trường BĐS nói riêng, kinh tế- xã hội nói chung.

    Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, việc siết phân lô, tách thửa chỉ là giải pháp tình thế, không triệt để trong việc ngăn chặn sốt đất tràn lan.

    Chia sẻ mới đây, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng, việc siết chặt phân lô, tách thửa chỉ là biện pháp tình thế, ngắn hạn để kiểm soát tình hình. Không nên lạm dụng mệnh lệnh hành chính trong quản lý nhà nước.

    Như vậy là tư duy không quản được thì cấm. Về lâu dài, ở mỗi địa phương cần thiết phải làm tốt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất với tầm nhìn dài hạn rồi công khai để người dân biết. Việc sử dụng đất vào mục đích nhà ở, bất động sản công nghiệp, du lịch, dịch vụ… cần đưa vào kế hoạch, quy hoạch dài hạn, có dự án bài bản để tạo ra sản phẩm bất động sản chính thống thay vì hàng lậu.

    Giá trị bất động sản tăng theo từng km khu vực gần biển Long Hải

    Sự xuất hiện của hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, cộng hưởng với vị trí vàng tại vùng "bát giác kim cương" đã khiến Long Hải trở thành kênh rót vốn mới của giới đầu tư bất động sản.

    Trong bất động sản, vị trí địa lý thuận lợi cùng hạ tầng giao thông hoàn thiện được xem là "cặp bài trùng" làm nên giá trị của một khu vực. Đây cũng là lý do giải thích tại sao giá đất ven biển Long Hải (Bà Rịa - Vũng Tàu) trong 2 năm gần đây lại leo thang nhanh đến như vậy.

    Tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/4 - Ảnh 2
    (Nguồn ảnh: Ptndongnambo.com.vn)

    Vị trí "tựa sơn, hướng thủy" cùng bờ cát trắng mịn và làn nước trong xanh, nằm gần các di tích lịch sử nổi tiếng, lại cách TP.HCM chỉ khoảng 2 giờ di chuyển,... có thể nói Long Hải là một trong những khu vực hiếm hoi nhận được sự đãi ngộ hào phóng từ thiên nhiên.

    Theo thống kê, mỗi năm tại đây đón nhận đến hơn 2 triệu lượt khách du lịch. Điều này không chỉ tạo tác động tích cực đến kinh tế địa phương mà đồng thời còn là lực đẩy giúp gia tăng giá trị bất động sản, đặc biệt là phân khúc nghỉ dưỡng.

    Không những thế, Vũng Tàu nói chung và Long Hải nói riêng đang ngày một chuyển mình cùng sự hoàn thiện của 11 dự án hạ tầng giao thông trọng điểm, trong đó phải kể đến: Dự án siêu sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu, cao tốc Bến Lức – Long Thành, cao tốc Xuyên Á, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây,... đã rút ngắn khoảng cách và tạo điều kiện thuận tiện cho các phương tiện vận chuyển, giúp Long Hải lọt vào mắt xanh của hàng loạt các ông lớn bất động sản.

    Bùi Hằng

    Bạn đang đọc bài viết Tin bất động sản nổi bật trong ngày 1/4. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới