Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 13/4
Quý I, tiền trả nợ chiếm hơn 1/3 thu ngân sách; Đồng Yên giảm xuống mức thấp trong vòng gần 20 năm so với đô la Mỹ... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 13/4/2022.
Quý I, tiền trả nợ chiếm hơn 1/3 thu ngân sách
Bộ Tài chính ngày 13/4 cho biết, thu ngân sách nhà nước (NSNN) tháng 3 đạt 132,58 nghìn tỷ đồng, lũy kế thu quý I/2022 đạt 460,6 nghìn tỷ đồng, bằng 32,6% dự toán và tăng 7,7% so cùng kỳ năm 2021.
Nếu giữ nguyên tốc độ thu NSNN như trên, Bộ Tài chính sẽ hoàn tất chỉ tiêu dự toán thu NSNN trong 3 quý.
Nhờ kinh tế phục hồi, các khoản thu cho ngân sách đều tăng, trong đó thu nội địa quý I/2022 đạt 375,2 nghìn tỷ đồng, bằng 31,9% dự toán, tăng 4% so cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, nhờ giá dầu tăng cao 30% so với dự toán, thu từ dầu thô quý này đạt 14,7 nghìn tỷ đồng, bằng 52,3% dự toán và tăng tới 67,6% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, sản lượng dầu thô thanh toán là 1,97 triệu tấn, bằng 28,1% kế hoạch.
Ngoài ra, doanh nghiệp phục hồi sản xuất giúp thu từ hoạt động xuất nhập khẩu cả quý đạt 70,6 nghìn tỷ đồng, bằng 35,5% dự toán và tăng 23,3% so cùng kỳ năm 2021.
Đồng Yên giảm xuống mức thấp trong vòng gần 20 năm so với đô la Mỹ
Đồng Yên đã giảm xuống mức thấp hơn 126 yên đổi 1 USD trong phiên giao dịch tại Tokyo - mức thấp nhất kể từ tháng 5/2002.
Trước tình hình trên, trong cuộc họp báo vào chiều nay, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết, những biến động nhanh chóng “không mong muốn” trên thị trường tiền tệ sẽ ảnh hưởng xấu đến sự ổn định kinh tế và tài chính và chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra đối sách phù hợp như duy trì liên lạc chặt chẽ với các cơ quan quản lý tiền tệ của Mỹ.
Đồng yên của Nhật Bản gần đây đã giảm mạnh so với đô la Mỹ trong bối cảnh có sự chênh lệch giữa các chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ.
Đồng yên giảm làm cho giá hàng hóa nhập khẩu tăng, giá nguyên vật liệu và năng lượng tăng làm cho giá của nhiều mặt hàng tăng lên. Nếu đồng yên tiếp tục mất giá và giá cả tiếp tục tăng thì các hộ gia đình tại Nhật Bản sẽ phải siết chặt chi tiêu dẫn đến nền kinh tế có thể tăng trưởng chậm lại./
Năm 2022, vay bù đắp bội chi ngân sách tối đa 450.700 tỷ đồng
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái vừa ký Quyết định 448/QĐ-TTg phê duyệt chương trình quản lý nợ công 3 năm giai đoạn 2022- 2024 và kế hoạch vay, trả nợ công năm 2022.
Theo quyết định, tổng mức vay của Chính phủ giai đoạn 2022- 2024 tối đa khoảng 2.044 nghìn tỷ đồng, trong đó vay cho ngân sách Trung ương khoảng 1.927 nghìn tỷ đồng, vay về cho vay lại khoảng 117 nghìn tỷ đồng. Tổng trả nợ của Chính phủ giai đoạn 2022- 2024 khoảng 1.116 nghìn tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp khoảng 971 nghìn tỷ đồng, trả nợ vay lại khoảng 145 nghìn tỷ đồng.
Về bảo lãnh, mức bảo lãnh Chính phủ đảm bảo tốc độ tăng dư nợ không vượt quá tốc độ tăng tổng sản phẩm quốc nội của năm trước và trong hạn mức bảo lãnh giai đoạn 2021- 2025 được Quốc hội phê duyệt.
Đối với 2 ngân hàng chính sách, mức bảo lãnh hàng năm cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam trong giai đoạn 2022- 2024 tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn hàng năm (15.737 tỷ đồng); mức bảo lãnh cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2022- 2024 tối đa bằng nghĩa vụ trả nợ gốc trái phiếu Chính phủ bảo lãnh đến hạn hàng năm (3.851 tỷ đồng) cộng với nghĩa vụ phát hành để thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi quy định tại Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/1/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế -xã hội (Nghị quyết số 43/2022/QH15) tối đa 38.400 tỷ đồng.
Đối với kế hoạch vay năm 2022 của Chính phủ tối đa 673.546 tỷ đồng, gồm: Vay cho cân đối ngân sách trung ương tối đa 646.849 tỷ đồng, trong đó vay bù đắp bội chi ngân sách Trung ương tối đa là 450.700 tỷ đồng, vay để trả nợ gốc không quá 196.149 tỷ đồng; vay về cho vay lại 26.697 tỷ đồng.
Nguồn huy động linh hoạt từ các công cụ phát hành trái phiếu Chính phủ, kỳ hạn phát hành bình quân có thể dưới 9 năm, trường hợp cần thiết báo cáo cấp có thẩm quyền phát hành bằng ngoại tệ; vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài; và trong trường hợp cần thiết vay từ các nguồn tài chính hợp pháp khác hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Trả nợ của Chính phủ khoảng 335.815 tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp của Chính phủ không quá 299.849 tỷ đồng, trả nợ của các dự án cho vay lại 35.966 tỷ đồng.
Về kế hoạch vay, trả nợ của chính quyền địa phương, vay từ nguồn vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ và các nguồn vay trong nước khác khoảng 28.637 tỷ đồng.
Đối với vay thương mại nước ngoài của doanh nghiệp không được Chính phủ bảo lãnh, hạn mức vay thương mại nước ngoài trung, dài hạn của các doanh nghiệp, tổ chức tín dụng theo phương thức tự vay, tự trả tối đa 7.300 triệu USD; tốc độ tăng dư nợ nước ngoài ngắn hạn khoảng 25% so với dư nợ tại thời điểm 31/12/2021.
Phú Quốc đón trên 132.000 lượt khách trong 3 ngày nghỉ lễ
Ngày 12/4, ông Bùi Quốc Thái – Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Kiên Giang cho biết, trong 3 ngày lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, tổng khách đến tham quan du lịch tại địa phương này gần 200.200 lượt, tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm 2021, trong đó, có 2.290 lượt là khách quốc tế.
Khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt 134.049 lượt; khách du lịch có lưu trú là 63.841 lượt. Tổng thu từ du lịch trong 3 ngày đạt trên 182 tỷ đồng, công suất phòng bình quân đạt khoảng 68%. Riêng Phú Quốc đón 132.318 lượt khách, trong đó có 1.780 khách quốc tế.
Theo lãnh đạo ngành du lịch Kiên Giang, dịp Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay, tình hình dịch COVID-19 trong nước được kiểm soát tốt; tỷ lệ tiêm phủ vắc xin cao; các địa phương, doanh nghiệp trong tỉnh này có sự chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để phục vụ du khách. Tình hình an ninh trật tự, an toàn cho du khách được địa phương đảm bảo, không xảy ra tình trạng chèo kéo, tranh giành khách hay tăng giá bất thường.
Tuy nhiên, việc thiếu lao động phục vụ khách nên vẫn còn nhiều đơn vị kinh doanh chưa thể hoạt động hết công suất sẵn có; tình hình giá cả vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng dẫn đến giá cả các hoạt động dịch vụ khách du lịch tại một số địa phương có tăng so với ngày thường.
Tại TP. Rạch Giá, công suất phòng đạt thấp do chưa có nhiều sản phẩm dịch vụ thu hút khách du lịch; sản phẩm dịch vụ tại huyện Kiên Lương chưa hoàn thiện, chưa đủ sức hút khách; TP. Hà Tiên ở khá xa trung tâm, hạ tầng giao thông kết nối còn hạn chế…
Để thu hút khách du lịch đến với Kiên Giang trong thời gian tới, Hiệp hội Du lịch tỉnh này đã vận động hội viên, doanh nghiệp đảm bảo chất lượng sản phẩm dịch vụ; thực hiện tốt các quy định của pháp luật về giá, bảo vệ môi trường, an toàn phòng cháy chữa cháy, vệ sinh an toàn thực phẩm; tăng cường giới thiệu, quảng bá hình ảnh, sản phẩm dịch vụ du lịch, tổ chức các hoạt động, sự kiện du lịch để thu hút khách.
Ngoài ra, các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch chuẩn bị tốt các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, thực phẩm, lao động… sẵn sàng phục vụ du khách; niêm yết giá, bán đúng giá niêm yết; an toàn phòng cháy chữa cháy; vệ sinh an toàn thực phẩm…
Hà Lan