Chủ nhật, 24/11/2024 10:49 (GMT+7)
    Thứ năm, 21/07/2022 17:55 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/7

    Theo dõi KTMT trên

    Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp giảm gần 44% giá trị; Giá xăng dầu giảm mạnh, chỉ còn hơn 25.000 đồng/lít... là những tin tức kinh tế nổi bật ngày 21/7.

    Giá xăng dầu giảm mạnh, chỉ còn hơn 25.000 đồng/lít

    Theo đó, giá xăng dầu mới được Liên Bộ Công Thương – Tài Chính công bố từ 15h chiều nay (21/7), cụ thể như sau:

    Xăng E5RON92 có giá bán không cao hơn 25.073 đồng/lít (giảm 2.715 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành), thấp hơn xăng RON95-III 997 đồng/lít;

    Xăng RON95-III có giá bán không cao hơn 26.070 đồng/lít (giảm 3.605 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu điêzen 0.05S có giá bán không cao hơn 24.858 đồng/lít (giảm 1.735 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành);

    Dầu hỏa không cao hơn 25.246 đồng/lít (giảm 1.099 đồng/lít so với giá bán lẻ hiện hành); Dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 16.548 đồng/kg (giảm 1.164 đồng/kg so với giá bán hiện hành).

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/7 - Ảnh 1
    Giá xăng dầu giảm mạnh, chỉ còn hơn 25.000 đồng/lít. (Ảnh minh hoạ)

    Liên Bộ Công thương – Tài chính cho biết, thị trường xăng dầu thế giới giữa 02 kỳ điều hành vừa qua tiếp tục có những diễn biến trái chiều.

    Đầu kỳ, do lo ngại về suy thoái kinh tế ảnh hưởng đến nhu cầu năng lượng, bên cạnh đó, tồn kho dầu thô của Mỹ tăng cùng với việc thị trường hàng hóa New York giảm mạnh lãi suất mở trong hợp đồng tương lai… đã khiến giá xăng dầu giảm.

    Đến những ngày gần đây, những lo ngại về nguồn cung lại bị đẩy lên khi Mỹ và Phương Tây tiếp tục thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Nga và việc Arab Saudi thông tin đến Tổng thống Mỹ (trong chuyến thăm của ông Bidden đến Trung Đông) về việc thiếu công suất lọc dầu nên giá xăng dầu lại có xu hướng tăng.

    Nhìn chung, giá xăng dầu trong kỳ vừa qua diễn biến tăng giảm đan xen nhưng xu hướng chung là giảm.

    Giá vàng rớt mạnh chạm mốc 48 triệu đồng

    Phiên giao dịch 21-7, giá vàng thế giới rơi khỏi ngưỡng quan trọng là 1.700 USD, giảm mạnh xuống 1.694 USD/ounce, tương đương 48,3 triệu đồng một lượng. Đây là mức giá thấp nhất trong vòng 11 tháng qua.

    Theo các chuyên gia, giá vàng giảm mạnh vì thị trường tin chắc trong tuần đến Cục Dự trữ liên bang Mỹ sẽ tăng mạnh lãi suất từ 0,75-1% để chống lạm phát. Mặt khác, các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới đã bắt đầu tính đến việc tăng mạnh lãi suất thêm từ 0,5-1%.

    Chẳng hạn, lạm phát của Anh trong tháng 6 đã tăng lên mức cao nhất trong 40 năm, củng cố việc tăng lãi suất 0,5% của Ngân hàng trung ương Anh trong tháng 7.

    Ông Daniel Ghali, chuyên gia phân tích Ngân hàng TD Securities nhận định, vàng gần đây không thể cạnh tranh được với đồng USD. Giới đầu tư lao vào USD để trú ẩn tài sản an toàn. Do đó, đồng USD ngày càng tăng giá trị càng đẩy giá vàng xuống thấp.

    Sáng 21-7, tại thị trường Việt Nam, vàng PNJ và SJC lần lượt bán ra ở mức 52,7 và 66,3 triệu đồng/lượng. Với mức này, giá vàng SJC hiện đang cao hơn vàng thế giới khoảng 18 triệu đồng/lượng.

    Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp giảm gần 44% giá trị

    Theo số liệu ghi nhận từ báo cáo của Công ty Chứng khoán VNDRECT, tổng giá trị trái phiếu doanh nghiệp phát hành trong quý 2 đạt hơn 111.800 tỷ đồng, giảm gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng đã tăng 72% so với quý 1 (chủ yếu do quý 1 có Tết Nguyên đán). Nguyên nhân của sự suy giảm đáng kể trên chủ yếu đến từ nhóm các doanh nghiệp bất động sản.

    Báo cáo cho biết trong quý 2, tỷ lệ phát hành trái phiếu doanh nghiệp thành công trong quý đạt 90%, trong đó tỷ lệ trái phiếu phát hành riêng lẻ và công chúng lần lượt là 99,7% và 0,3%.

    Cụ thể, tổng số có 60 doanh nghiệp phát hành trái phiếu trong quý 2 với giá trị huy động 111.514 tỷ đồng trái. Trong đó Tập đoàn VinGroup và công ty con VinFast phát hành giá trị lớn nhất trên 16.200 tỷ đồng (phát hành ra quốc tế); kế đến là Ngân hàng thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam với giá trị 13.005 tỷ đồng và Ngân hàng thương mại cổ phần Quân Đội là 10.190 tỷ đồng.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/7 - Ảnh 2
    Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp giảm gần 44% giá trị.

    Về ngành nghề, lĩnh vực tài chính-ngân hàng chiếm tỷ trọng lớn nhất với 69% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ trong quý 2 (tăng 774% so với quý 1 và giảm 10% so với cùng kỳ). Bên cạnh đó, các tập đoàn đa ngành chiếm tỷ trọng lớn thứ hai gần 13% tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ (tăng mạnh 905% so với cùng kỳ).

    Theo nhóm phân tích, trong bối cảnh Chính phủ thắt chặt hơn trong việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ thuộc ngành bất động sản, giá trị phát hành của ngành này có dấu hiệu giảm mạnh và chiếm tỷ trọng thứ 3 với 11% tổng giá trị phát hành riêng lẻ trong quý 2.

    Cụ thể, tổng giá trị phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ của ngành bất động sản đạt 12.200 tỷ đồng (giảm 59% so với quý 1 và giảm 78% so với cùng kỳ năm ngoái). Các doanh nghiệp bất động sản phát hành giá trị lớn nhất, bao gồm Công ty cổ phần Tập đoàn Đầu tư Địa ốc NOVA (5.770 tỷ đồng), Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Du lịch Phú Quốc (2.000 tỷ đồng), Công ty cổ phần Hội An Invest (1.000 tỷ đồng)…

    Thâm hụt thương mại của Nhật Bản nửa đầu năm 2022 cao kỷ lục

    Theo số liệu thống kê của Bộ Tài chính Nhật Bản ngày 21/7, thâm hụt thương mại của nước này trong nửa đầu năm 2022 đã đạt 7.924,1 tỷ Yen (khoảng 58 tỷ USD), mức cao kỷ lục kể từ năm 1979.

    Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong nửa đầu năm 2022 tăng 15,2% so với cùng kỳ năm 2021 song mức tăng này không đủ bù đắp so với tỷ lệ tăng tới 37,9% của lĩnh vực nhập khẩu.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/7 - Ảnh 3
    Thâm hụt thương mại của Nhật Bản nửa đầu năm 2022 cao kỷ lục.

    Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, kim ngạch nhập khẩu của Nhật Bản đạt 53.861,9 tỷ Yen, ghi nhận lần đầu tiên vượt mức 50.000 tỷ Yen trong sáu tháng đầu năm.

    Nguyên nhân chính được chỉ ra là do giá nhập khẩu năng lượng như dầu mỏ và khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) tăng cao do ảnh hưởng của cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, ảnh hưởng của đồng Yen yếu.

    Trong thời gian nửa đầu năm 2022, khối lượng nhập khẩu dầu thô của Nhật Bản đã tăng 12,5% so với cùng kỳ và kim ngạch nhập khẩu mặt hàng này đã tăng 106,3%.

    Đối với LNG, khối lượng nhập khẩu đã giảm 3,5%, song kim ngạch nhập khẩu ghi nhận mức tăng tới 94,1%. Khối lượng nhập khẩu mặt hàng than đá tăng 3,9% song kim ngạch nhập khẩu lại tăng tới 212,9%.

    Cùng với mặt hàng năng lượng, kim ngạch nhập khẩu mặt hàng ngũ cốc trong sáu tháng đầu năm tại Nhật Bản cũng ghi nhận mức tăng 48,1% mặc dù khối lượng nhập khẩu chỉ tăng 1%.

    Phát biểu trong buổi họp báo cùng ngày, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Matsuno Hirokazu cho biết, xu hướng xuất nhập khẩu của Nhật Bản đang chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như xu hướng hoạt động kinh tế trong và ngoài nước, giá các loại nhiên liệu như dầu mỏ...

    Chính phủ Nhật Bản sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ xu hướng thời gian tới.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 21/7. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới