Thứ năm, 28/11/2024 04:15 (GMT+7)
    Thứ hai, 09/05/2022 19:00 (GMT+7)

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/5

    Theo dõi KTMT trên

    Chứng khoán châu Á hầu hết giảm sâu; Đề xuất tiếp tục gia hạn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp... là những tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất hôm nay 9/5/2022.

    Chứng khoán châu Á hầu hết giảm sâu

    Phiên này, chứng khoán Nhật Bản đóng cửa giảm mạnh, theo sau sự sụt giảm của thị trường chứng khoán Mỹ do lo ngại về lãi suất cao hơn cũng như về mùa báo cáo thu nhập doanh nghiệp Nhật Bản sắp tới. Chỉ số Nikkei 225 tại Tokyo giảm 2,53% (tương đương 684,22 điểm) và kết thúc ở mức 26.319,34 điểm.

    Chứng khoán Hàn Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong 17 tháng vào thứ Hai, do lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu trong bối cảnh Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt chính sách tiền tệ và chính sách chống dịch COVID-19 ở các thành phố lớn của Trung Quốc.

    Chỉ số Kospi tại Seoul mất 1,27% (33,70 điểm) và đóng cửa ở mức 2.610,81 điểm, kéo dài chuỗi mất điểm sang phiên thứ năm liên tiếp. Đây là mức đóng cửa thấp nhất kể từ ngày 30/11/2021, khi chỉ số này khép phiên ở mức 2.591,34 điểm.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/5 - Ảnh 1
    Chỉ số chứng khoán KOSPI của Hàn Quốc.

    Chứng khoán Trung Quốc "le lói ánh xanh" trong phiên này, với chỉ số chỉ số Shanghai Composite tại Thượng Hải nhích 0,09% lên 3.004,14 điểm. Chứng khoán Hong Kong đóng cửa nghỉ lễ.

    Thị trường toàn cầu đã phải đối mặt với một loạt cuộc khủng hoảng, bao gồm lạm phát phi mã, lãi suất tăng cao, kinh tế Trung Quốc suy thoái và xung đột ở Ukraine.

    Hồi đầu phiên, chứng khoán châu Á đã có một giai đoạn tăng điểm ngắn nhờ một báo cáo việc làm vững chắc của Mỹ công bố hồi cuối tuần trước. Nhưng đà tăng này chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, vì động thái thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay của Fed tiếp tục khiến các nhà giao dịch tháo chạy khỏi thị trường.

    Các nhà đầu tư nhận thêm tin xấu vào hôm thứ Hai, khi số liệu xuất khẩu tháng 4/2022 của Trung Quốc giảm xuống mức thấp nhất trong gần hai năm. Theo báo cáo, xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng Tư giảm 3,9% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu bị đình trệ vào cùng giai đoạn.

    Sự suy giảm này là do chính sách zero-Covid nghiêm ngặt của nền kinh tế tỷ dân đã khiến các trung tâm sản xuất ngừng hoạt động. Các vụ phong tỏa ở hàng chục thành phố của Trung Quốc - từ các trung tâm sản xuất ở Thâm Quyến và Thượng Hải cho đến trung tâm nông nghiệp ở Cát Lâm - đã tàn phá chuỗi cung ứng trong những tháng gần đây, đè bẹp các doanh nghiệp nhỏ và buộc người tiêu dùng phải ở trong nhà.

    Giới chức Trung Quốc đã cố gắng nâng đỡ tâm lý thị trường bằng cách nói rằng nền kinh tế vẫn còn dư địa để tạo ra sự thay đổi. Nhưng giới chuyên gia vẫn tỏ ra kém lạc quan hơn về điều này.

    Tại thị trường trong nước, kết thúc phiên giao dịch ngày 9/5, chỉ số VN - Index giảm 59,64 điểm (4,49%) xuống 1.269,62 điểm. HNX - Index cũng để mất 20,07 điểm (5,84%%) xuống 323,39 điểm.

    Giảm phiên đầu tuần, giá vàng SJC lùi về ngưỡng 70,35 triệu đồng

    Cùng diễn biến với thế giới, hai thương hiệu vàng miếng trong nước cùng đi xuống phiên đầu tuần (9/5).

    Tại thời điểm 9 giờ, đồng kim loại quý này dao động quanh ngưỡng 1.880 USD/ounce, giảm khoảng 3,5 USD/ounce so với cùng thời điểm phiên trước.

    Khi quy đổi theo tỷ giá USD trong nước, giá vàng thế giới tương đương 52,32 triệu đồng mỗi lượng.

    Với thay đổi trên, các doanh nghiệp trong nước cũng điều chỉnh giá mua và bán ngay khi giao dịch. Trong đó, Công ty vàng bạc đá quý Sài Gòn niêm yết giá vàng SJC từ 69,65-70,35 triệu đồng/lượng, giảm 100.000 đồng/lượng.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/5 - Ảnh 2
    Giảm phiên đầu tuần, giá vàng SJC lùi về ngưỡng 70,35 triệu đồng.

    Tại Công ty Doji Hà Nội, doanh nghiệp mua vào là 69,60 triệu đồng/lượng và bán ra là 70,25 triệu đồng/lượng, giảm 150.000 đồng/lượng.

    Công ty Phú Quý thông báo giá vàng SJC từ 69,65-70,35 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng.

    Trong tuần trước, thương hiệu SJC có 3 phiên tăng giá và 1 phiên đi xuống. Chốt phiên cuối tuần, thương hiệu nàytăng 530.000 đồng/lượng.

    Trong khi đó, giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu trong tuần trước cũng tăng 370.000 đồng/lượng.

    Đến sáng nay, doanh nghiệp này niêm yết từ 54,93-55,63 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng/lượng so với chốt phiên trước.

    Do điều chỉnh khác nhau nên thương hiệu này tiếp tục thấp hơn giá vàng SJC khoảng 14,7 triệu đồng/lượng.

    - Biến động giá vàng trong nước một tuần gần đây:

    Tỷ giá trung tâm áp dụng ngày hôm nay là 23.135 VND/USD, tăng 5 đồng so với ngày 7/5.

    Với biên độ +/-3%, Ngân hàng Vietcombank và BIDV cùng niêm yết tỷ giá USD từ 22.810-23.090 đồng/USD (mua vào/bán ra), giữ ổn định.

    Ngân hàng Vietinbank thông báo giá giao dịch từ 22.815-23.095 đồng/USD (mua vào/bán ra), không thay đổi.

    Tại Eximbank, doanh nghiệp này niêm yết tỷ giá từ 22.850-23.050 đồng/USD, giữ ổn định.

    Sắp ban hành quy định thu phí giám sát chứng khoán phái sinh

    Bộ Tài chính vừa ban hành Thông tư số 25/2022/TT-BTC quy định về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán thay thế Thông tư số 272/2016/TT-BTC.

    Thông tư bổ sung thu phí giám sát chứng khoán phái sinh đối với Tổng công ty Lưu ký và Bù trừ chứng khoán Việt Nam (VSDC) là 10% doanh thu giá dịch vụ quản lý vị thế/giá dịch vụ bù trừ và giá dịch vụ quản lý tài sản ký quỹ.

    Đồng thời, phí giám sát chứng khoán phái sinh đối với Sở Giao dịch chứng khoán là 10% doanh thu giá dịch vụ giao dịch chứng khoán phái sinh.

    Một số loại phí, lệ phí vẫn được giữ nguyên mức thu như lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty chứng khoán 20-100 triệu đồng/giấy phép; lệ phí cấp giấy phép thành lập và hoạt động công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán, công ty đầu tư chứng khoán là 30 triệu đồng/giấy phép...

    Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/7.

    Đề xuất tiếp tục gia hạn thuế, tiền thuê đất cho doanh nghiệp

    Bộ Tài chính chính thức có tờ trình Chính phủ về dự thảo nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT), thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022.

    Tại Tờ trình số 98/TTr-BTC ngày 6/5/2022, Bộ Tài chính cho biết, mục đích của chính sách là nhằm hỗ trợ khôi phục sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện thúc đẩy xuất khẩu và qua đó tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước (NSNN). Theo đó, đối tượng được đề xuất gia hạn bao là toàn bộ đối tượng quy định tại Điều 2 Nghị định số 52/2021/NĐ-CP ngày 19/4/2021 của Chính phủ.

    Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/5 - Ảnh 3

    Cụ thể về thời gian thực hiện đối với thuế GTGT, dự thảo đề xuất để không ảnh hưởng đến cân đối NSNN trong năm, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn 6 tháng đối với số thuế GTGT từ tháng 3-5/2022 và quý I/2022; gia hạn 5 tháng đối với số thuế GTGT của tháng 6 và quý II; gia hạn 4 tháng với số thuế GTGT của tháng 7 và gia hạn 3 tháng của số thuế GTGT tháng 8 của doanh nghiệp, tổ chức thuộc đối tượng áp dụng. Thời gian gia hạn tại điểm này được tính từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế GTGT theo quy định.

    Đối với thuế TNDN, để tạo điều kiện hỗ trợ vốn cho DN nhất là trong giai đoạn hiện nay, Bộ Tài chính đề nghị gia hạn thuế TNDN tạm nộp của quý I, II kỳ tính thuế năm 2022. Thời gian gia hạn là 3 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế TNDN theo quy định. Với đề xuất này, dự kiến số thuế được gia hạn khoảng 51.000-52.000 tỷ đồng.

    Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, Bộ Tài chính đề xuất gia hạn thời hạn nộp thuế TNCN, GTGT đối với sô tiền thuế phát sinh phải nộp năm 2022. Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thực hiện nộp tiền thuế được gia hạn chậm nhất vào ngày 30/12/2022. Dự kiến, số thuế được gia hạn khoảng 15.304 tỷ đồng nhưng số thu NSNN không giảm.

    Hà Lan

    Bạn đang đọc bài viết Tin tức kinh tế 24h mới nhất, nổi bật nhất ngày 9/5. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới