Chủ nhật, 24/11/2024 08:17 (GMT+7)
Thứ sáu, 08/04/2022 12:00 (GMT+7)

Tổng cục Thuế: "Giảm thuế VAT 2% hàng loạt là không công bằng"

Theo dõi KTMT trên

Trước đề xuất giảm VAT 2% đồng loạt, Tổng cục Thuế cho rằng nhiều ngành không ảnh hưởng đại dịch mà vẫn được giảm là không công bằng...

Nghị định số 15 quy định giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống còn 8% bắt đầu có hiệu lực từ ngày 1/2/2022 đến hết năm 2022. Việc giảm thuế này áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10%.

Trong Nghị định, Chính phủ không quy định giảm thuế VAT đồng loạt xuống còn 8% với tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ mà đưa ra danh mục loại trừ hàng chục trang, với những hàng hóa, dịch vụ thuộc diện không được giảm, vẫn giữ nguyên mức thuế suất 10%, được quy định chi tiết trong 3 phụ lục đi kèm Nghị định này.

Có thể nói, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang gặp nhiều khó khăn thì đây là chính sách được đánh giá có tác động đến mọi giao dịch trên thị trường, trong đó người bán cũng như người mua đều được hưởng lợi.

Nhiều doanh nghiệp còn lúng túng

Chủ một doanh nghiệp nhỏ trong lĩnh vực thương mại thiết bị công nghiệp cho hay do đặc thù là mua hàng theo yêu cầu của nhà máy nên sản phẩm thuộc nhiều nhóm hàng.

Trước đây, doanh nghiệp chỉ cần tìm hàng, báo giá, giao hàng, xuất hóa đơn... Thủ tục chứng từ rất nhanh gọn vì hầu như toàn bộ sản phẩm đều là VAT 10%.

Nhưng từ khi nghị định 15 ra đời, doanh nghiệp phải tìm hiểu sản phẩm đó thuộc nhóm hàng gì, mã ngành gì có được giảm thuế hay không, vừa phải trao đổi bên mua vừa thống nhất bên bán.

Có trường hợp cùng một loại hàng hóa nhưng nhà cung cấp mỗi nơi áp dụng một mức thuế VAT. Thông thường, công nợ tính từ ngày xuất hóa đơn, nhưng doanh nghiệp vẫn chưa biết xuất ra sao dẫn đến khó khăn trong xoay vòng vốn.

Tổng cục Thuế: "Giảm thuế VAT 2% hàng loạt là không công bằng" - Ảnh 1
Nhiều ý kiến cho rằng thuế suất VAT nên giảm hàng loạt cho tất cả mọi sản phẩm, dịch vụ...

Chưa kể, trước đây chỉ cần xuất một hóa đơn cho một đơn hàng giờ phải tách ra theo thuế suất. "VAT là thuế mà doanh nghiệp thu hộ cho Nhà nước chứ chúng tôi không được nhận mà bây giờ phải tốn nhiều thời gian xử lý hơn cả việc kinh doanh. Nếu sai sót, sau này doanh nghiệp lại bị phạt bị truy thu. Thiết nghĩ chính sách nhà nước đưa ra nên đơn giản dễ hiểu áp dụng được cho toàn dân", vị này nói.

Một doanh nghiệp khác cho rằng thay vì giảm toàn bộ sản phẩm từ 10% còn 8%, cơ quan thuế đẻ ra một danh mục loại trừ không được giảm dẫn đến vướng mắc.

"Hầu hết các doanh nghiệp nhỏ chỉ có dưới 10 nhân sự nên không có nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của cơ quan thuế. Trong khi đó, doanh nghiệp liên hệ đến cơ quan thuế quản lý để được giải đáp vướng mắc lại được yêu cầu làm công văn họ sẽ trả lời nhưng biết đến bao giờ?", vị này bức xúc.

Có doanh nghiệp đính kèm văn bản của nhà cung cấp sản phẩm gửi cho doanh nghiệp, trong đó khẳng định rằng dù không mong muốn nhưng buộc phải áp dụng trở lại thuế suất 10% với các mặt hàng trước đó đã áp dụng mức thuế VAT 8% với lý do việc áp dụng nghị định 15 "còn nhiều vướng mắc, lúng túng, nhiều cách hiểu và chưa thể xác định một cách chắc chắn hàng hóa nào được giảm thuế", chưa kể là đã có văn bản hỏi nhưng chưa được trả lời...

Giảm đồng loạt là không công bằng

Trước những khó khăn trên, nhiều ý kiến cho rằng thuế suất VAT nên giảm hàng loạt cho tất cả mọi sản phẩm, dịch vụ trong mọi ngành nghề, để gỡ khó khăn cho kế toán viên và doanh nghiệp.

Phát biểu tại Diễn đàn “Đối thoại chính sách tài khóa hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” ngày 7/4, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, cho hay cộng đồng doanh nghiệp, người dân đều mong mỏi giảm thuế suất thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% trong tất cả các lĩnh vực.

Cơ quan quản lý cũng mong muốn chính sách áp dụng toàn diện sẽ giúp doanh nghiệp đơn giản hơn về thủ tục.

"Nếu giảm VAT mọi lĩnh vực rất đơn giản nhưng sẽ không công bằng với mọi doanh nghiệp. Bởi có một số ngành trong đại dịch không bị ảnh hưởng như: công nghệ thông tin, thương mại điện tử, ngân hàng tài chính, bất động sản... Do đó, chúng ta phải loại trừ một số ngành nghề", ông Minh phân tích.

Tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp trong Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội cũng đặt vấn đề, chính sách áp dụng bắt đầu ngày 1/2, đúng dịp Tết Nguyên đán liệu có sớm quá không trong khi, các Nghị định, Thông tư ban hành quá muộn, dẫn đến vướng mắc trong triển khai.

Nêu ví dụ, ông Nguyễn Văn Thân cho biết nhiều doanh nghiệp thắc mắc có những hợp đồng đã thanh toán năm 2021 nhưng nộp thuế VAT vào năm 2022 có giảm không, nộp trước nhưng lại quyết toán sau, có được áp dụng giảm VAT hay không?

Chủ tịch Hiệp hội cũng bày tỏ mong muốn các cơ quan quản lý sớm ban hành các thông tư trước khi áp dụng các chính sách mới như việc giảm thuế VAT xuống 8%, qua đó tránh gây những mâu thuẫn, lúng túng trong cộng đồng doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có ý kiến rằng, các Bộ, ngành có thể trao đổi thêm với Chính phủ, Quốc hội để thay đổi thời gian áp dụng việc giảm 30% thuế thu nhập doanh nghiệp. Nên tính đến thời điểm trước khi xảy ra COVID, do trong dịch bệnh, các doanh nghiệp đều không ghi nhận thu nhập.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Tổng cục Thuế: "Giảm thuế VAT 2% hàng loạt là không công bằng". Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới