Chủ nhật, 24/11/2024 07:03 (GMT+7)
Thứ sáu, 09/06/2023 08:39 (GMT+7)

TP.HCM: Người dân “khốn đốn” vì dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu thi công dở dang

Theo dõi KTMT trên

Theo dự kiến dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu khu vực Thủ Đức sẽ được hoàn thiện, bàn giao đưa vào sử dụng từ năm 2020. Nhưng đến nay, đoạn 4 dự án vẫn còn nham nhở khiến cuộc sống người dân “khốn đốn” do nước ngập, ô nhiễm môi trường.

Người dân chịu ảnh hưởng bởi dự án thi công "ì ạch"

Dự án Xây dựng 04 đoạn đê bao xung yếu khu vực TP. Thủ Đức thuộc Bờ tả sông Sài Gòn do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM làm chủ đầu tư. Năm 2018, Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn (Công ty Thanh Tuấn) đã trúng gói thầu số 14 của dự án.

Mục tiêu của dự án nhằm chống nước tràn do lũ từ thượng nguồn, do triều cường và thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu nhằm bảo vệ khu dân cư và các công trình bên trong dọc theo Bờ tả sông Sài Gòn. Bên cạnh đó, dự án còn giúp chống sạt lở bờ sông kết hợp với chỉnh trang đô thị và cải thiện môi trường, đồng thời giúp tiêu thoát nước giảm ngập cho khu vực dự án khi triều cao ngoài sông kết hợp mưa trong khu vực.

TP.HCM: Người dân “khốn đốn” vì dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu thi công dở dang - Ảnh 1
Cuộc sống của người dân bị đảo lộn do công trường "nham nhở".

Ngày 28/12/2018, dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu bờ tả sông Sài Gòn đã được khởi công xây dựng và dự kiến năm 2020 công trình sẽ được hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng.

Bà T., một người dân đang sinh sống tại khu vực đình Bình Phước, ngã ba Rạch Vĩnh Bình - sông Sài Gòn, khu phố 1, phường Hiệp Bình Phước (thuộc đoạn 4 dự án) cho biết, khi biết khu vực kè sông này được triển khai xây dựng thì cũng mừng rỡ và tin tưởng rằng khi dự án hoàn thành vào năm 2020 thì môi trường sống sẽ được cải thiện nào ngờ đến nay cuộc sống bị đảo lộn hết bởi việc thi công ì ạch, nham nhở của công trường xây dựng dự án.

Cũng theo một số người dân tại đây chia sẻ, tính ra khu vực dự án này cũng phải có tới 5, 6 đội thầu xây dựng vào đây làm rồi, nhưng cứ được thời gian thì lại thấy chuyển đi và thời gian sau lại có đội mới vào triển khai tiếp.

“Khu vực công trường này được triển khai thi công từ đầu năm 2023, thời gian trước cũng thấy có cơ quan đến đôn đốc nhưng giờ vẫn ngổn ngang, không có làm nữa”, Bà T. cho biết.

TP.HCM: Người dân “khốn đốn” vì dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu thi công dở dang - Ảnh 2
Dự kiến hoàn thành năm 2020 nhưng đến nay dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu vẫn chưa hẹn ngày bàn giao.

Theo bà T., từ khi dự án bị đào xới để triển khai thi công thì cuộc sống của bà và gia đình bị ảnh hưởng và đảo lộn hết bởi nhiều hôm bị nước tràn vào sân vào nhà gây ngập lụt, như ngày mùng 3 Tết vừa rồi nước ngập tràn hết vườn tược nhà cửa nhà nhưng cũng chẳng biết kêu ai.

Khi PV đề cập tới việc ý kiến tới cơ quan chức năng và đơn vị thi công về việc cuộc sống bị ảnh hưởng bởi công trường xây dựng thì bà T. cho hay: “Cứ đội này bỏ thời gian sau lại có đội khác tới triển khai thì ý kiến làm sao được”.

Ngoài ra, bà T. cũng chia sẻ, mong sao dự án sớm hoàn thiện để người dân chúng tôi ổn định cuộc sống.

“Ngày trước nghe nhóm công nhân nói tới 30/4 sẽ hoàn thành nhưng bây giờ không biết 30/4 năm nào, có khi đến năm 2030 cũng không biết đã xong hay chưa”, bà T. nhấn mạnh.

TP.HCM: Người dân “khốn đốn” vì dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu thi công dở dang - Ảnh 3
Sắt thép hoen rỉ tại công trường dự án của Công ty Thanh Tuấn.

Theo thông cáo báo chí cung cấp thông tin cho báo chí năm 2020 của Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM là chủ đâu tư của dự án cho biết, về công tác đánh giá, lựa chọn nhà thầu và năng lực nhà thầu được lựa chọn: Đơn vị cho biết sau khi tiến hành mở thầu gói thầu nêu trên, bên mời thầu cùng đơn vị tư vấn lựa chọn Nhà thầu tổ chức đánh giá hồ sơ đề xuất kỹ thuật, đồng thời tiến hành làm rõ hồ sơ về nội dung hợp lệ, năng lực, kinh nghiệm của Nhà thầu đúng theo quy định.

Việc đánh giá, lựa chọn nhà thầu trúng thầu để thực hiện gói thầu theo đúng nội dung quy định. Cấp thẩm quyền đã thẩm định, phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu sau khi Nhà thầu đáp ứng đủ các điều kiện về hồ sơ, năng lực, kinh nghiệm, đề xuất kỹ thuật cũng như giá dự thầu.

Được biết, công trình được khởi công ngày 28/12/2018, hiện nay dự án vẫn đang được triển khai thi công đối với phần mặt bằng dưới nước, mặt bằng trống, mặt bằng đã được các tổ chức, hộ dân bàn giao tạm… sản lượng thi công đạt 58%.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý dự án hạ tầng sẽ tiếp tục tập trung điều hành thực hiện dự án theo đúng kế hoạch đề ra, đúng trình tự và đúng quy định pháp luật, đảm bảo tỷ lệ giải ngân vốn được giao.

Dù dự án có thời gian thực hiện theo Quyết định lựa chọn đơn vị trúng thầu của dự án là 450 ngày.

Tuy nhiên, theo ghi nhận thực tế của Tạp chí Kinh tế Môi trường và phản ánh của người dân thì cho đến nay dự án đã quá thời gian dự kiến hoàn thành nhưng vẫn còn nham nhở gây ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Nhiều người dân đã đặt ra câu hỏi:  Không biết chủ đầu tư hay đơn vị trúng thầu là Công ty Thanh Tuấn sẽ chịu trách nhiệm về vấn đề thi công chậm tiến độ này?

TP.HCM: Người dân “khốn đốn” vì dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu thi công dở dang - Ảnh 4
Năng lực của Công ty Thanh Tuấn bị đặt dấu hỏi do thi công chậm tiến độ dự án?

Uy tín do đúng tiến độ hay thành tích trúng thầu

Như Tạp chí Kinh tế Môi trường đã thông tin, dự án dự án Xây dựng 04 đoạn đê bao xung yếu khu vực Thủ Đức (gói thầu số 14) thuộc Bờ tả sông Sài Gòn có tổng chiều dài 1.515m, kết cấu chính bằng tường cừ ván bê tông cốt thép dự ứng lực SW500A liên kết với hệ cọc chịu lực bê tông cốt thép vuông có tiết diện (35x35)cm; M350 thông qua sàn giảm tải bê tông cốt thép; kết hợp neo trên hệ cọc bê tông cốt thép.

Dọc tuyến đê/ kè xây dựng hành lang để phục vụ giao thông bộ kết hợp vận hành đê. Dọc tuyến đường bố trí hệ thống cây xanh, hệ thống chiếu sáng cùng với hệ thống hành lang kỹ thuật tạo thuận lợi cho việc sửa chữa, bảo trì, nâng cấp sau này và đặc biệt là tạo cảnh quan đô thị.

Chiều rộng mặt đê bao là 5m, cao trình đỉnh vỉa hè là 2,5m, cao trình đỉnh tường kè là 2,7m. Ngoài ra còn có bộ phận gia cố chân kè, mương thoát nước dọc tuyến kè, mái taluy, hệ thống điện chiếu sáng, cây xanh, bồn hoa.

Có 11 cống thoát nước có kết cấu bằng bê tông cốt thép M300 kiên cố. Hệ thống bến lên xuống với 5 bến được bố trí dọc theo tuyến đê bao, trong đó đoạn đê báo thứ 4 có 2 bến, các đoạn khác mỗi đoạn có 1 bến.

Tổng mức đầu tư của dự án này là 443.701.829.000 đồng cho chỉ hơn 1500 m chiều dài tuyến kè. Theo chủ trương đầu tư thì dự kiến dự án được thực hiện từ năm 2017 cho đến năm 2020.

TP.HCM: Người dân “khốn đốn” vì dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu thi công dở dang - Ảnh 5
Công ty Thanh Tuấn hiện cũng là đơn vị thi công 9 gói thầu xây dựng cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát.

Cụ thể, đoạn 1 của dự án thuộc khu vực ký túc xá Trường Đại học Mỹ thuật, dài khoảng 350m với điểm đầu cách rạch Gò Dưa về phía thượng lưu 1.000m và điểm cuối cách rạch Gò Dưa về phía thượng lưu 650m. Đoạn 2 thuộc khu phố 1, phường Hiệp Bình Phước, dài khoảng 332m với điểm đầu là ranh giới Công ty May Sài Gòn 3 và điểm cuối là ranh giới Dự án Sông Đà. Đoạn 3 thuộc khu phố 1, phường Hiệp Bình Phước, dài khoảng 77m với điểm đầu là cầu Bình Phước và điểm cuối là ranh giới Nhà máy Đay INDIRA GRANDI. Đoạn 4 thuộc khu vực đình Bình Phước, ngã ba Rạch Vĩnh Bình - sông Sài Gòn, khu phố 1, phường Hiệp Bình Phước, dài khoảng 500m với điểm đầu cách cầu Bình Phước về phía hạ lưu 150m và điểm cuối cách cầu Bình Phước về phía hạ lưu 650m.

Được biết, ngày 28/12/2018, dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu bờ tả sông Sài Gòn đã được khởi công xây dựng và dự kiến năm 2020 công trình sẽ được hoàn thành, bàn giao và đưa vào sử dụng.

Tuy nhiên, theo khảo sát của PV Tạp chí Kinh tế Môi trường ngày 23/5/2023 tại đoạn 1 thuộc khu vực ký túc xá Trường Đại học Mỹ thuật của dự án đến nay đơn vị trúng thầu là Công ty Thanh Tuấn vẫn chưa hoàn thiện xong việc thi công và bàn giao cho chủ đầu tư dự án.

Cụ thể, ghi nhận thực tế công trình có nhiều vị trí dù mới thi công nhưng bắt đầu xảy ra tình trạng lún, nứt. Nhìn bằng mắt thường có thể thấy một đoạn dài chưa được hoàn thiện và chưa được lắp hàng rào bảo vệ tại khu vực sát mép sông.

Theo phản ánh của người dân sinh sống tại khu vực này thì đoạn công trình chưa được lắp hàng rào này mới được thi công vào khoảng tháng 2/2023 và lý do chưa hoàn thiện theo người dân tại đây cho biết là đơn vị thi công thi công không đúng thiết kế dẫn đến tình trạng bờ bị cong vênh nên chưa được nghiệm thu.

TP.HCM: Người dân “khốn đốn” vì dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu thi công dở dang - Ảnh 6
Thời gian thực hiện 9 gói thầu xây dựng cải tạo kênh Tham Lương liệu có giống dự án 4 đoạn đê xung yếu?

Ghi nhận tại đoạn 2 của dự án thì khu vực này đã thi công cơ bản tuy nhiên vẫn còn vị trí chưa được lát gạch nền và có nơi vật liệu thi công vẫn ngổn ngang và chưa có dấu hiệu hoàn thiện.

Đoạn 3 thuộc dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu khu vực Thủ Đức có chiều dài khoảng 77m đã thi công xong tuy nhiên, hiện trạng đang có tình trạng xuống cấp, lún nứt và cây cỏ mọc tại các khe của gạch lát nền tại khu vực này. Theo người dân ở đây cho biết tình trạng lún nứt tại đây đã xảy ra nhiều lần và cũng có người đến sửa chữa tuy nhiên thời gian sau tình trạng này lại tiếp diễn và chưa thầy có dấu hiệu kiểm soát được việc lún nứt và xuống cấp tại khu vực.

Phóng viên tiếp tục ghi nhận tại đoạn 4 nằm trong gói thầu số 14 của Công ty Thanh Tuấn thì thậm chí đoạn này nhà thầu thi công còn chưa thi công hoàn thiện và tại khu vực này vẫn nham nhở công trường thi công.

Theo ghi nhận đoạn 4 có chiều dài khoảng 500m thì nhà thầu mới thi công được khoảng 50m còn lại công trường thi công vẫn đang được số ít công nhân san lấp mặt bằng và thi công xây dựng. Tại công trường máy xúc, vật liệu xây dựng vẫn ngổn ngang và không biết đến khi nào khu vực này mới được hoàn thiện.

Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn (Cty Thanh Tuấn, địa chỉ: 1/23 Khu Phố 2 đường 33, phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP. HCM; Mã số thuế: 0302740032) là đơn vị hoạt động đấu thầu xây lắp trên địa bàn TP. HCM và các tỉnh phía Nam.

Về thành tích tham gia đấu thầu, theo thông tin tại cổng thông tin đấu thầu quốc gia, Công ty Thanh Tuấn đã tham gia 46 gói thầu trong đó trúng 39 gói, trượt 7 gói. Tổng giá trị trúng thầu của Công ty Thanh Tuấn là hơn 7,7 nghìn tỷ đồng (7,754,258,623,531 VND) (trong đó có hơn 388 tỷ đồng (388,986,247,000 VND) là các gói chỉ định thầu, 388 tỷ đồng (388,986,247,000 VND) là các gói thầu có kết quả lựa chọn nhà thầu nhưng không có thông báo mời thầu).

Tỷ lệ chào giá thấp nhất khi tham gia các gói thầu công ty này chỉ ở mức 98.17% (chỉ tính dựa trên các gói có công bố giá dự toán hoặc giá gói thầu). Tỷ lệ trung bình giá trúng thầu so với giá dự toán là 96.51% (chỉ tính dựa trên các gói có công bố giá dự toán hoặc giá gói thầu).

Công ty Thanh Tuấn đã từng đấu với 41 nhà thầu trong 13 gói và đã thắng 8 gói, thua 5 gói. Tuy nhiên, Công ty Thanh Tuấn lại có thành tích rất ấn tượng khi công ty này liên danh cùng đơn vị khác để tham gia các gói thầu công. Cụ thể, Công ty Thanh Tuấn đã từng liên danh với 33 nhà thầu trong 20 gói thầu và thắng ở cả 20 gói thầu với tỷ lệ trúng thầu 100% khi liên danh cùng các đơn vị khác.

Với tỷ lệ tuyệt đối khi liên danh đấu thầu nên từ tháng 7/2022 đến tháng 3/2023, Công ty Thanh Tuấn đã liên tiếp trúng 16 gói thầu đầu tư công quy mô lớn trên địa bàn các tỉnh phía Nam với tổng giá trị gần 6.400 tỷ đồng. Hiện tại 16 gói thầu này đang được Công ty Thanh Tuấn thi công cùng một lúc trong đó có 9 gói thầu thuộc dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương – Bến Cát – rạch Nước Lên .

Phạm Thạch - Vũ Thanh

Bạn đang đọc bài viết TP.HCM: Người dân “khốn đốn” vì dự án xây dựng 4 đoạn đê xung yếu thi công dở dang. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thời tiết những ngày cuối tháng 11 tại TPHCM ra sao?
Theo Cơ quan khí tượng, trong ngày 28/11 TPHCM có khả năng có mưa rào và dông rải rác với một vài nơi có mưa vừa. Trong những ngày còn lại, thời tiết không mưa hoặc chỉ có mưa vài nơi với lượng không đáng kể.
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng
Dù đã đón nhiều đợt không khí lạnh nhưng miền Bắc vẫn nóng, người dân chưa cảm nhận được cái lạnh. Do đợt không khí lạnh này về rất khô, trời ít mây và có nắng nên nhiệt độ thấp nhất thường rơi vào đêm và sáng sớm, ban ngày ít cảm nhận được lạnh.

Tin mới