TP.HCM đồng lòng chống dịch Covid-19
Người dân TP.HCM không thể tránh khỏi tâm lý lo lắng trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn ra trên địa bàn. Nhưng chắc chắn đó không phải là sự sợ hãi, thậm chí đây còn là cơ hội cho thấy cả thành phố đang đoàn kết, đồng lòng trước khó khăn.
Thấy gì từ trong "tuyến lửa"?
Cuối tháng 5/2021, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại TP.HCM khi xuất hiện những ca mắc trong cộng đồng vói nhiều chùm lây nhiễm khác nhau. Hiện tại đã có gần 300 ca nhiễm Covid-19 xuất hiện trong cộng đồng tại TP.HCM được phát hiện chỉ trong 10 ngày qua.
Ngay từ thời điểm ấy, Thành đoàn TP.HCM kết hợp với Hội Liên hiệp thanh niên và Hội Sinh viên Việt Nam TP.HCM đã lên tiếng kêu gọi mọi người tham gia làm tình nguyện viên đi vào "tuyến lửa", trực tại các chốt kiểm dịch hay lấy mẫu xét nghiệm tại các khu vực trên địa bàn.
Để tạo được hiệu ứng rộng khắp, tổ chức đã lập ra mạng xã hội Go Volunteer quy tụ sinh viên, các cá nhân đang làm việc tại TP.HCM cùng tham gia. Chị Phương Thảo một tình nguyện viên đang tham gia chống dịch tại quận Bình Tân, TP.HCM chia sẻ: “Khi nhìn thấy những dòng tin đăng tuyển tình nguyện viên, trong lòng tôi đã quyết tâm lên đường phục vụ nhân dân. Bố mẹ ở nhà cũng lo lắm nhưng bằng sức trẻ và sự thuyết phục của mình. Bố mẹ tôi cũng đồng ý!
Ngay từ những ngày đầu, tôi đã được hướng dẫn rất kỹ về việc lấy mẫu xét nghiệm sao cho đúng quy trình, trật tự. Cứ thế mỗi người một việc, nhanh tay, lẹ chân không để người dân đợi lâu. Bên cạnh đó, nhờ ý thức của bà con nên công việc trở nên nhanh chóng và nhẹ nhàng hơn”.
Cùng trực tiếp với những tình nguyện viên khác mặc lên mình bộ đồ bảo hộ từ 7 - 8 tiếng đồng hồ/ngày dưới cái nắng gần 40 độ C ở TP.HCM, chị Phương Thảo mới thấy rõ vất vả mà lực lượng tuyến đầu chống dịch phải trải qua. Lúc đó, chính chị cũng thấy thương cảm cho những người đang ở trong "tuyến lửa".
Trong một khu cách ly khác ở huyện Hóc Môn, TP.HCM, chị Cúc do tiếp xúc gần với ca F0 nên buộc phải đi cách ly 21 ngày. Thời gian gấp gáp, nhận được thông tin là chị lên đường, chẳng chuẩn bị được nhiều, cũng không lường hết được khó khăn phía trước phải trải qua như nào.
Chị Cúc chia sẻ: "Mới đầu các y bác sĩ đưa tôi đi cách ly cảm giác rất sợ, nhưng được các y bác sĩ tận tâm hướng dẫn và giúp đỡ, tôi cảm thấy an tâm hơn. Ngoài ra, tôi còn được các tình nguyện viên hỗ trợ đồ ăn, nước uống, vật dụng cá nhân tôi thấy rất vui vì trong hoàn cảnh khó khăn nhất mà chính người dân ta lại đồng lòng giúp đỡ những hoàn cảnh như tôi".
Truyền thống dân tộc tỏa sáng trong khó khăn
Lực lượng tuyến đầu chống dịch Covid-19 dũng cảm làm thế, còn đối với những người dân đang sống tại TP.HCM cũng không nằm ngoài "cuộc chiến" với dịch bệnh. Khi TP.HCM bước vào giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều người đã tự nguyện đứng ra góp một phần nhỏ bé của mình giúp đỡ người khác cùng nhau đẩy lùi dịch bệnh.
Các phong trào tặng xuất ăn miễn phí, cung cấp nước lọc tại khu cách ly, đi chợ giúp người dân trong khu cách ly, kệ hàng 0 đồng, ATM gạo... diễn ra ở khắp nơi trong thành phố.
Nhớ đến những lời di nguyện cuối đời của mẹ mình, anh Dương ngụ huyện Hóc Môn đã đứng ra kêu gọi người thân, bạn bè cùng chung tay giúp đỡ người bị cách ly tập trung tại địa bàn. Dù chỉ là những suất cơm nghĩa tình hay ly nước trái cây được mang đến cho các y bác sỹ giữa trời nóng như đổ lửa nhưng đằng sau đó ẩn chứa nghĩa cử cao đẹp của anh Dương và bạn bè.
Anh Dương tâm sự: "Nhiều khi đi cứu trợ, cũng hỏi người quen ai có gì cho đó, tiền đi xe, tiền ăn cùng nhau chia đều nên nhiều người cũng thích, cùng chung tay giúp đỡ bà con trong đợt dịch nguy hiểm như thế này. Không những thế, nhiều mạnh thường quân cũng đến trực tiếp tại các điểm chốt chặn để trao hộp khẩu trang y tế, chiếc bánh ngọt để cùng chung tay góp sức giúp đỡ các “chiến binh” tình nguyện".
Tại hẻm 17 đường Gò Dầu, phường Tân Quý, quận Tân Phú có hơn 300 nhân khẩu của 73 hộ gia đình nằm trong điểm cách ly phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Nhưng người dân không phải lo lắng việc mua thực phẩm mỗi ngày vì đã có gian hàng 0 đồng chia sẻ cùng người dân trong khu cách ly, nhằm góp sức đồng hành cùng người dân vượt qua đại dịch.
Được biết, mỗi ngày, gian hàng cung cấp hơn 100 kg các loại rau củ, hàng trăm gói mì, 500 quả trứng, 160 kg thịt heo, 40 chai dầu ăn, 100 hộp đồ hộp các loại được bày trí ngay ngắn trên kệ hàng phục vụ cho bà con tại hẻm.
Hay tại số 550 Phạm Văn Đồng, phường 13, quận Bình Thạnh, chùa Bát Nhã tặng cơm chay miễn phí cho người dân có hoàn cảnh khó khăn bị ảnh hưởng dịch Covid -19 từ ngày 1/6 đến 15/6. Mỗi ngày chùa thực hiện từ 250 - 300 suất cơm, thay đổi món để khẩu phần chay thêm phong phú với các món xào, mặn, trái cây.
Hội Liên hiệp Phụ nữ quận 12 đứng ra vận động toàn lực của cán bộ hội viên Phụ nữ để thực hiện bằng nhiều biện pháp như: Tổ chức các bữa ăn sáng, trưa, chiều cho các lực lượng đứng chốt.
Hỗ trợ phụ nữ khó khăn đơn chiếc, người già neo đơn. Mỗi buổi sáng là các chị đến các điểm chốt cách ly, coi nhu cầu của từng hộ dân, họ cần gì, thế là các chị chạy đi mua.
Cũng tại quận 12, lực lượng Đoàn thanh niên lập cây gạo ATM để hỗ trợ người dân. Tính đến nay cây ATM gạo này đã tiếp nhận được hơn 2 tấn gạo và đã hỗ trợ cho hơn 700 lượt người dân.
Ngoài ra, lực lượng Đoàn thanh niên quận 12 còn triển khai thêm các đội hình tình nguyện mang thực phẩm đến từng nhà dân có hoàn cảnh khó khăn, người lớn tuổi, người khuyết tật không có điều kiện đi lại.
Bên cạnh đó, các phong trào tặng nước, tặng nhu yếu phẩm vẫn hàng ngày diễn ra tại các điểm cách ly trên địa bàn TP.HCM không thể thống kê hết. Dân tộc Việt Nam từ xưa đến nay vẫn toát lên truyền thống "Lá lành đùm lá rách"; "Thương người như thế thương thân"... khi dịch Covid-19 diễn ra, truyền thống đó càng được phát huy mạnh mẽ, tỏa sáng bất chấp những lo lắng, khó khăn mà mỗi người đang trải qua.
Chẳng thế mà, nhiều người trong khu cách ly tại TP.HCM đã hơn một lần phải thốt lên: "Chúng tôi không cảm thấy đơn độc, bởi chúng tôi biết đang có nhiều người hết lòng, hết sức vì chúng tôi. Không chỉ là lực lượng y tế, công an trong tâm dịch mà là cả xã hội bằng sự đoàn kết, tinh thần "tương thân tương ái" cùng chung tay, giúp nhau đẩy lùi dịch Covid-19".
Tường Vy