Chủ nhật, 24/11/2024 08:43 (GMT+7)
Thứ tư, 28/08/2024 17:30 (GMT+7)

Trước ngưỡng cửa lên sàn HoSE, Lọc hóa dầu Bình Sơn kinh doanh ra sao?

Theo dõi KTMT trên

Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) công bố đã nhận hồ sơ niêm yết của Công ty cổ phần Lọc hóa dầu Bình Sơn (mã: BSR).

Trước ngưỡng cửa lên sàn HoSE, Lọc hóa dầu Bình Sơn kinh doanh ra sao? - Ảnh 1

"Bom tấn" chờ kích hoạt

Không phải bây giờ, tham vọng lên sàn HoSE của Lọc hóa dầu Bình Sơn đã nhen nhóm từ lâu nhưng đến nay hồ sơ niêm yết mới chính thức được gửi lên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM.

Với khối lượng đăng ký niêm yết 3,1 tỷ cổ phiếu, Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ là “bom tấn” hiếm hoi trong vài năm trở lại đây trên sàn HoSE.

Việc cổ phiếu BSR niêm yết trên HoSE được giới đầu tư mong đợi nhưng kéo dài nhiều năm chưa thực hiện do vướng mắc liên quan quyết toán cổ phần hóa và khoản đầu tư vào Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học Dầu khí miền Trung (BSR-BF). Theo báo cáo tài chính quý II/2024, ngày 27/5/2024, Tòa án Nhân dân tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành quyết định mở thủ tục phá sản đối với Công ty cổ phần Nhiên liệu Sinh học dầu khí Miền Trung (BSR-BF). Vì vậy trên báo cáo tài chính quý II/2024 BSR điều chỉnh khoản đầu tư vào BSR-BF từ khoản đầu tư vào công ty con thành khoản đầu tư góp vốn đơn vị khác. Tại báo cáo soát xét bán niên vừa công bố, hãng kiểm toán Deloitte chỉ ra 2 vấn đề cần nhấn mạnh. Trong đó, liên quan đến BSR-BF, BSR đã chấm dứt quyền kiểm soát của công ty tại BSR-BF. Và theo đó, báo cáo tài chính của BSR-BF chấm dứt hợp nhất báo cáo tài chính hợp nhất từ ngày 27/5. BSR cho biết đã hoàn thành công tác xử lý tài chính và quyết toán các khoản phải nộp ngân sách nhà nước với cơ quan thế, chờ cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Nhờ đó, những rào cản cho quá trình niêm yết HoSE của BSR gần như được xử lý. Chứng khoán Agriseco cho rằng với vị thế doanh nghiệp đầu ngành, cổ phiếu BSR có thể lọt rổ chỉ số VN30 sau khi chuyển sàn và từ đó gia tăng tính hấp dẫn, hỗ trợ thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.

Ngoài niêm yết HoSE, tổng công ty còn có kế hoạch chia tách cổ phiếu để tăng vốn từ 31.000 tỷ đồng lên 50.000 tỷ đồng. Tại kỳ họp ĐHĐCĐ thường niên diễn ra tháng 6, lãnh đạo doanh nghiệp cho biết đang báo cáo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam xem xét, trình cấp thẩm quyền phương án chia thưởng tổng tỷ lệ 60% để tăng vốn.

Mục tiêu là để đảm bảo đủ nguồn vốn chủ từ 40 – 60% tổng mức đầu tư dự án nâng cấp mở rộng nhà máy Lọc dầu Dung Quất (tương đương 1,5 tỷ USD).

Trước ngưỡng cửa lên sàn HoSE, Lọc hóa dầu Bình Sơn kinh doanh ra sao? - Ảnh 2

Diễn biến giá và khối lượng giao dịch cổ phiếu BSR của Lọc hóa dầu Bình Sơn từ đầu năm 2024 đến nay. (Nguồn: TradingView)

BSR đang kinh doanh ra sao?

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2024 của BSR ghi nhận doanh thu thuần đạt 30.689 tỷ đồng, giảm 3.376 tỷ đồng tương đương giảm 10% so với cùng kỳ. Trừ đi giá vốn, doanh nghiệp báo lãi gộp gần 1.255 tỷ đồng, giảm 39% so với cùng kỳ; lãi sau thuế là 1.115 tỷ đồng, giảm 31% so với cùng kỳ năm 2023.

Giải trình về kết quả kinh doanh quý I/2024, Lọc hóa dầu Bình Sơn cho biết, nhà máy đã tạm dừng sản xuất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần 5 từ ngày 15/3/2024. Bên cạnh đó, mặc dù giá dầu thô trong quý 1/2024 tăng so với cùng kỳ, nhưng khoảng cách giá dầu và thành phẩm (cracking spread) lại thấp hơn năm trước.

Tại 31/3/2024, tổng tài sản của BSR gần 74.986 tỷ đồng, giảm hơn 13% so với đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn giảm 16%, còn gần 56.710 tỷ đồng, chủ yếu do hàng tồn kho giảm 47% xuống 8.213 tỷ đồng và các khoản phải thu ngắn hạn giảm 46% còn 8.058 tỷ đồng.

Đối với tổng nợ phải trả cuối kỳ của BSR, ở mức 16.946 tỷ đồng, giảm 42% so với đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ở mức 8.957 tỷ đồng, giảm khoảng 2.000 tỷ đồng so với số đầu kỳ; chi phí phải trả ngắn hạn lại ghi nhận 2.015 tỷ đồng, tăng 1.423 tỷ đồng so với đầu kỳ.

Quý II/2024, Lọc hoá dầu Bình Sơn đạt 24.429 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 27% so cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) giảm mạnh 43% về còn gần 768 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu là do công ty đã tạm ngưng hoạt động Nhà máy Lọc dầu Dung Quất để tiến hành bảo dưỡng tổng thể lần trong tháng 3 - 4/2024 nên sản lượng sản xuất và tiêu thụ đều giảm so cùng kỳ năm trước. Bên cạnh đó, nguyên nhân cũng đến từ việc giá dầu thô và sản phẩm biến động phức tạp. Lũy kế nửa đầu năm, doanh thu đạt 55.118 tỷ đồng, giảm 19% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 35% về mức 1.925 tỷ đồng.

So với kế hoạch kinh doanh cả năm, Lọc hóa dầu Bình Sơn đã hoàn thành 58% kế hoạch doanh thu và 160% kế hoạch hoạch lợi nhuận.

Tại thời điểm 30/6/2024, tổng tài sản của BSR đạt 86.243 tỷ đồng tương đương mức đầu năm, trong đó, tiền gửi ngân hàng lên đến gần 40.000 tỷ đồng, tăng so với mức hơn 37.448 tỷ đồng hồi đầu năm.

Mới đây, Hội đồng quản trị Lọc hoá dầu Bình Sơn cũng thông qua phương án chi trả cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 7% (700 đồng/cổ phiếu). Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông nhận cổ tức là 15/10. Như vậy, ngày giao dịch không hưởng quyền vào 14/10. Cổ tức sẽ được thanh toán tới cổ đông vào 11/11.

SSI dự báo lợi nhuận ròng của BSR năm 2024 là 5,8 nghìn tỷ đồng (-31,6%). Sản lượng tiêu thụ có thể đạt 6,5 triệu tấn (-10%). Lưu ý rằng công suất thực tế của nhà máy có thể vượt khoảng 14-16% công suất thiết kế ở thời điểm hiện tại, cải thiện so với công suất hoạt động tối đa trước đây là 108-110%.

Trong năm 2025, SSI dự báo lợi nhuận ròng sẽ tăng 14,7% đạt 6,63 nghìn tỷ đồng do sản lượng tiêu thụ phục hồi 12%.

Minh Thành

Bạn đang đọc bài viết Trước ngưỡng cửa lên sàn HoSE, Lọc hóa dầu Bình Sơn kinh doanh ra sao?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới