Chủ nhật, 24/11/2024 07:40 (GMT+7)
Chủ nhật, 29/03/2020 09:00 (GMT+7)

UNESCO: Gần 1,4 tỉ học sinh trên toàn thế giới đang nghỉ học vì Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO), hiện nay gần 1,4 tỉ trẻ em trên toàn thế giới (tương đương 80% học sinh trên thế giới) không được đi học do đại dịch Covid 19.

Dịch bệnh Covid-19 bùng phát và lây lan trên toàn thế giới đã khiến nhiều trường học tại 140 quốc gia buộc phải đóng cửa. UNESCO cho biết 1,37 tỉ học sinh trên toàn thế giới đang không được đi học và hơn 60 triệu giáo viên cũng phải ở nhà.

Trong bối cảnh đó, các cơ quan giáo dục đang áp dụng các biện pháp giúp học sinh và phụ huynh đối phó với việc học ở nhà. Theo UNESCO, bên cạnh việc hỗ trợ về mặt học tập, cũng cần hỗ trợ tâm lý cho học sinh.

Tại một cuộc họp của UNESCO vào tuần này, một nhóm các bộ trưởng từ 11 quốc gia: Costa Rica, Croatia, Ai Cập, Pháp, Iran, Ý, Nhật Bản, Mexico, Nigeria, Peru và Senegal đã thảo luận về các biện pháp giúp học sinh có thể học tập tại nhà trong thời gian trường học đóng cửa và tìm cách tháo gỡ vướng mắc trong các biện pháp đó.

Theo đó, Bộ trưởng Giáo dục Ý cho biết: “Chúng tôi không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc cố gắng hết sức để hỗ trợ các giáo viên, phụ huynh và học sinh, đồng thời đảm bảo an toàn cho họ. Chúng tôi đang sử dụng các công cụ truyền thông xã hội để duy trì mối quan hệ giữa giáo viên và học sinh cũng như thúc đẩy động lực dạy và học của họ”.

Với mong muốn tập hợp chuyên môn từ khắp nơi trên thế giới, Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay tuyên bố thành lập Liên minh Giáo dục toàn cầu chống Covid-19 nhằm nỗ lực giúp trẻ em ở các quốc gia trên thế giới có thể tiếp tục học tập tại nhà trong thời gian nghỉ học vì Covid-19.

Hình thức dạy và học trực tuyến đã phổ biến ở nhiều nơi trong thời gian qua. Cụ thể, các quốc gia đã sử dụng các kênh truyền hình để giáo viên cung cấp bài học cho học sinh qua đó.

Tuy nhiên, việc truy cập Internet không phải luôn dễ dàng ở tất cả mọi nơi. Theo Esteban Moctezuma Barragán, chính trị gia người Mexico, vì đất nước này chỉ có 60% học sinh có thể truy cập Internet nên Mexico đã đưa ra nhiều lựa chọn cho giáo dục từ xa, chẳng hạn như truyền hình mở cho tất cả mọi người.

UNESCO: Gần 1,4 tỉ học sinh trên toàn thế giới đang nghỉ học vì Covid-19 - Ảnh 1
Hình thức dạy và học trực tuyến đã phổ biến ở nhiều nơi trong thời gian qua. (Ảnh: UNESCO)

Tại Mỹ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Betsy DeVos đã hỗ trợ việc học cho học sinh trong thời gian nghỉ chống dịch bằng cách nới lỏng một số nhiệm vụ liên bang như kiểm tra tiêu chuẩn hàng năm.

Một số bang và quận ở Mỹ có các đài truyền hình công cộng. Trong đó, trường công lập quận Miami-Dade - một trong những quận lớn nhất ở Mỹ dự kiến phát sóng bài học cho học sinh trong thời dịch.

Tương tự, tại nhiều quốc gia khác, các sở giáo dục đang cung cấp nền tảng và một số chương trình giảng dạy cho các trường học. Chẳng hạn, tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ Giáo dục nước này đã công bố một hệ thống giáo dục từ xa miễn phí, với chương trình giảng dạy trên truyền hình và Internet trên phạm vi quốc gia. Trong khi đó, Bộ Giáo dục Na Uy cũng mở một nền tảng quốc gia miễn phí cho các dịch vụ kỹ thuật số khác nhau trong giáo dục.

Bên cạnh việc hỗ trợ học thuật cho học sinh, một số quốc gia cũng đang cố gắng giải quyết các nhu cầu khác của học sinh. Peru đã phát triển tài liệu cảm xúc xã hội để giúp học sinh xử lý sự cô lập khi không được đi học và phải học ở nhà.

Trong khi đó, nước Ý đang chi hàng triệu đô la để cải thiện việc truy cập Internet ở vùng sâu vùng xa và hỗ trợ học tập trực tuyến cho 8,5 triệu sinh viên.

Theo Bộ trưởng Bộ Giáo dục Ai Cập - Tarek Shawki, việc mở rộng học trực tuyến gặp phải thách thức lớn nhất là có rất nhiều tài liệu không được Bộ Giáo dục hoặc bất kỳ tổ chức đáng tin cậy nào công nhận. Một thách thức khác là đảm bảo an ninh cho sinh viên khi việc học trực tuyến có thể thu thập rất nhiều thông tin cá nhân.

Lan Chi

Bạn đang đọc bài viết UNESCO: Gần 1,4 tỉ học sinh trên toàn thế giới đang nghỉ học vì Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới