Chủ nhật, 24/11/2024 07:31 (GMT+7)
Thứ ba, 17/08/2021 13:10 (GMT+7)

Ưu thế của công nghệ đốt rác phát điện nhằm xử lý chất thải rắn sinh hoạt

Theo dõi KTMT trên

Theo đánh giá, nếu có cơ chế giá và chính sách ưu đãi thì các dự án nhà máy điện rác ở Việt Nam sẽ hoạt động hiệu quả, góp phần bảo vệ môi trường.

Hà Nội lựa chọn công nghệ xử lý rác tiên tiến

Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, tổng khối lượng chất thải rắn sinh hoạt trung bình trên địa bàn thành phố hiện nay khoảng 7.000 tấn/ngày. Trong đó, về thành phần rác thực phẩm chiếm 51,9%; chất trơ (cao su, da, gỗ...) chiếm 38% và lượng chất thải rắn có thể tái chế chiếm dưới 7,1%... Việc xử lý chủ yếu vẫn bằng phương pháp chôn lấp hợp vệ sinh (chiếm 98% tổng lượng chất thải rắn thu gom); ngoài ra xử lý bằng phương pháp đốt không phát điện (chiếm khoảng 2%).

Để giảm tỉ lệ chất thải rắn sinh hoạt xử lý bằng phương pháp chôn lấp xuống dưới 30% vào năm 2025, TP.Hà Nội định hướng trong giai đoạn 2021 - 2025 sẽ đẩy mạnh việc xử lý rác thải áp dụng công nghệ hiện đại, tiên tiến có thu hồi năng lượng để phát điện.

Ưu thế của công nghệ đốt rác phát điện nhằm xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Ảnh 1
Cần thực hiện nhanh cá dư án nhà máy điện rác ở Hà Nội. (ảnh báo Kinh tế Đô thị)

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng phòng Hạ tầng kỹ thuật (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, Thành phố đã ban hành 5 tiêu chí chính, 5 tiêu chí phụ lựa chọn nhà đầu tư quản lý, xử lý rác thải, đáng chú ý có những tiêu chí cao để việc áp dụng công nghệ hiện đại đạt hiệu quả như: Có năng lực về tài chính, kinh nghiệm xử lý rác thải; có công nghệ đốt phát điện tiên tiến hiệu quả; đã có nhà máy xây dựng ở Việt Nam hay trên thế giới có hiệu quả...

“Đã có 2 dự án nhà máy xử lý rác thải công nghệ cao được thành phố chấp thuận đầu tư và hiện đang đôn đốc hoàn thành là: Nhà máy Đốt rác phát điện công suất 4.000 tấn/ngày đêm tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn, vận hành trong năm 2021; Nhà máy Đốt rác phát điện công suất 1.500 tấn/ngày đêm tại Khu xử lý chất thải rắn Xuân Sơn, dự kiến vận hành từ tháng 4/2023”, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho hay.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, dự án Nhà máy đốt rác phát điện tại Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn sử dụng công nghệ lò đốt ENERGIZE@ - lò ghi cơ học tiên tiến nhất trên thế giới, với phân đoạn 3 vùng đốt, bảo đảm rác thải được đốt cháy hoàn toàn, giúp tận thu nhiệt để phát điện. Các thành phần chất thải trơ, tro xỉ được tận dụng để sản xuất vật liệu xây dựng (gạch không nung) hoặc san lấp mặt bằng...

Việc xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện vừa giúp giảm tỷ lệ xử lý rác thải bằng phương pháp chôn lấp, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, giảm quỹ đất cho công tác xử lý chôn lấp; vừa bổ sung năng lượng vào hệ thống điện quốc gia.

Cần nhân rộng mô hình

Theo các chuyên gia, thế giới có 2 dòng công nghệ đốt rác phát điện gồm đốt rác phát điện từ nguồn rác nhiệt trị cao (rác được phân loại kỹ càng) và đốt rác phát điện từ nguồn nhiệt trị thấp (phân loại sơ bộ).

Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu, việc phân loại rác tại nguồn rất tốt nên sử dụng công nghệ đốt rác phát điện từ nguồn rác nhiệt trị cao, cho năng lượng thu hồi nhiều hơn. Việt Nam, có thể áp dụng công nghệ đốt rác phát điện từ nguồn rác tổng hợp (rác mới được loại bỏ sành sứ, thủy tinh, kim loại).

Công nghệ này cho thu hồi năng lượng thấp hơn, tỷ lệ tro đáy cao hơn song phù hợp với điều kiện hiện tại của Việt Nam. Hai nhà máy ở Bắc Ninh và Cần Thơ đang áp dụng công nghệ này.

Ưu thế của công nghệ đốt rác phát điện nhằm xử lý chất thải rắn sinh hoạt - Ảnh 2
Nhà máy điện rác ở Cần Thơ đang phát huy hiệu quả trong việc bảo vệ môi trường và phát điện. (Ảnh minh họa).

Theo GS. Đặng Kim Chi, chuyên gia môi trường, đốt rác phát điện biến rác thải thành tài nguyên thứ sinh tạo ra năng lượng phục vụ đời sống, giảm đáng kể thể tích rác, giảm diện tích chôn lấp, giảm phát thải ra môi trường, mang lại lợi ích về kinh tế.

Còn theo TS. Trần Thế Loãn, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam, công nghệ đốt rác tiên tiến của thế giới hiệu nay có thể hạn chế tốt khí thải từ quá trình đốt. Vấn đề quan trọng là cần đưa ra hàng rào kỹ thuật để đưa về Việt Nam các công nghệ tiên tiến, hiện đại, đảm bảo tốt quá trình xử lý khí thải sau đốt. Bên cạnh đó, cần công cụ đủ mạnh để giám sát hoạt động đốt rác theo các quy chuẩn đã được xây dựng.

Tuy nhiên có một vấn đề cũng được đặt ra với công nghệ đốt rác phát điện đó là việc thu hút nhà đầu tư và cơ chế chính sách để thực hiện dự án đó. Còn nhớ, dự án nhà máy điện rác Trạm Thản ở Phù Ninh (Phú Thọ) với tổng mức đầu tư hơn 2.200 tỉ đồng và được dự kiến có quy mô “lớn nhất Đông Nam Á”, được chờ đợi có thể xử lý rác hiệu quả và đem lại công ăn việc làm cho người dân địa phương. Tuy nhiên, sau gần 3 năm triển khai, dự án vẫn là một bãi đất trống, còn người dân nơi đây phải chịu cảnh ô nhiễm nặng nề do rác thải ùn ứ lại.

Nguyên nhân của sự chậm trễ tại dự án này là do “nhà đầu tư chưa lường hết được khó khăn khi triển khai”. Doanh nghiệp khó có thể tự giải quyết được khó khăn này nên rất cần sự hỗ trợ của nhà nước. PGS.TS. Đinh Văn Thuận (Chủ tịch Tập đoàn Cơ điện lạnh Bách Khoa) cho rằng, “nhà nước phải đứng ra hỗ trợ cùng làm, chứ để thả cho tư nhân đứng một mình sẽ không thành công, hoặc sẽ dẫn đến phương án rẻ tiền, lạc hậu”.

Năm 2014, hàng trăm người dân ở gần khu vực bãi rác quận Ô Môn (TP.Cần Thơ) - một trong những bãi rác lớn nhất ở Cần Thơ, đã chặn xe chở rác vì bãi rác bốc mùi gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân. Trước áp lực rác thải, TP.Cần Thơ đã xây dựng một nhà máy đốt rác phát điện.

Kể từ khi đi vào hoạt động cuối năm 2018, nhà máy đã xử lý 400 - 430 tấn rác/ngày (khoảng 70% lượng rác thải hàng ngày của Cần Thơ), đồng thời tạo ra hơn 170 nghìn kWh điện/ngày. Đây cũng là một dự án được đánh giá có hiệu quả về kinh tế, môi trường và cần được nhân rộng.

Xuân Hòa (t/h)

Bạn đang đọc bài viết Ưu thế của công nghệ đốt rác phát điện nhằm xử lý chất thải rắn sinh hoạt. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới