Chủ nhật, 24/11/2024 13:00 (GMT+7)
    Thứ ba, 08/03/2022 14:22 (GMT+7)

    Vàng bất ngờ quay đầu lao dốc, SJC rơi ngay 2,2 triệu/lượng

    Theo dõi KTMT trên

    Trưa ngày 8/3, giá vàng trong nước bất ngờ giảm mạnh sau nhiều phiên phi mã. Vàng miếng SJC giảm tới 2,2 triệu đồng mỗi lượng xuống 72,2 triệu đồng.

    Giá vàng trong nước hiện nay được các đơn vị kinh doanh trong nước niêm yết quanh ngưỡng 70,5 - 72,5 triệu đồng/lượng.

    Cụ thể, lúc 13h, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá bán ra 72,2 triệu đồng, giảm 2,2 triệu đồng mỗi lượng. Còn giá mua vào chỉ giảm 2 triệu đồng, xuống 70,4 triệu đồng. Trong khi đó, vàng nhẫn giữ giá ổn định quanh mức 56-57 triệu đồng một lượng.

    Vàng bất ngờ quay đầu lao dốc, SJC rơi ngay 2,2 triệu/lượng - Ảnh 1
    Giá vàng bất ngờ quay đầu giảm mạnh.

    Tập đoàn DOJI niêm yết chiều mua vào ở ngưỡng 70,5 triệu đồng/lượng; giá bán ra là 72,5 triệu đồng/lượng. Chênh lệch giá mua - bán vàng tại DOJI là 2 triệu đồng/lượng. So với đóng cửa phiên giao dịch ngày 7.3 giá vàng tại DOJI giảm mạnh 1,5 triệu đồng/lượng chiều mua vào và giảm 1 triệu đồng/lượng chiều bán ra.

    Cùng thời điểm, giá vàng miếng SJC được Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở ngưỡng 70,52 - 72,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Vàng SJC được Phú Quý niêm yết ở ngưỡng 70,2 - 72,5 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra).

    Nhìn chung chỉ sau 1 phiên giao dịch, giá vàng trong nước giảm khoảng 1,5 triệu đồng/lượng. Cùng với mức chênh 2 triệu đồng/lượng như thời điểm hiện tại, người mua vàng lỗ đến hơn 3 triệu đồng/lượng.

    Đây là đợt điều chỉnh mạnh đầu tiên trong vòng một tuần qua của thị trường kim loại quý trong nước. Tuy nhiên, theo nhận định của một số tiệm vàng, giá bán sẽ khó mất mốc 70 triệu đồng trong khoảng một tuần tới.

    Trong khi đó giá vàng thế giới niêm yết trên Kitco vào lúc 12h30 (giờ Việt Nam) ở ngưỡng 1.991,3 USD/oz. Giới chuyên gia nhận định, sau khi vượt qua ngưỡng kháng cự 2.000 USD/oz, giá vàng thế giới nhận được nhiều yếu tố kháng cự.

    Cụ thể khi giá vàng ở ngưỡng cao, giới đầu tư sẽ xuất hiện tâm lý chốt lời, khiến dòng tiền một phần chảy khỏi kim loại quý. Bên cạnh đó, USD mạnh lên cũng gây sức ép đến giá vàng.

    Theo báo cáo mới nhất từ Hội đồng Vàng thế giới (WGC), lo ngại lạm phát gia tăng và bất ổn địa chính trị đã đẩy các nhà đầu tư vào các quỹ giao dịch trao đổi (ETF) được hỗ trợ bằng vàng, giúp giá tăng 6% trong tháng 2, mức tăng hằng tháng tốt nhất kể từ tháng 5.2021. Các quỹ ETF vàng toàn cầu đã chứng kiến ​​dòng vốn ròng 35,3 tấn, trị giá 2,1 tỷ USD. Các quỹ Bắc Mỹ chứng kiến ​​dòng tiền vào là 21,5 tấn, các quỹ châu Âu chứng kiến ​​dòng tiền vào là 21,4 tấn.

    Trong khi đó, các công ty niêm yết tại châu Á lại có lượng xuất kho đạt 7,4 tấn. Phần lớn dòng chảy ra này được thúc đẩy bởi các quỹ ETF của Trung Quốc do chiến thuật bán ra khi giá vàng tăng mạnh, trong khi thị trường chứng khoán địa phương vẫn tích cực trong tháng.

    Các nhà phân tích tại WGC cho biết mặc dù lạm phát tiếp tục tăng cao hơn, các ngân hàng Trung ương sẽ bị hạn chế hành động thắt chặt chính sách tiền tệ vì căng thẳng xung đột của Nga với Ukraine tạo ra sự bất ổn đáng kể cho nền kinh tế toàn cầu.

    Nếu kỳ vọng tăng lãi suất giảm hơn nữa và lo ngại lạm phát đình trệ tái xuất hiện, điều này có thể có lợi hơn nữa cho nhu cầu đầu tư vàng. Trong môi trường lãi suất thấp, với áp lực lạm phát gia tăng, vàng vẫn là một yếu tố đa dạng hóa danh mục đầu tư tốt hơn so với trái phiếu.

    Hà Lan (T/h)

    Bạn đang đọc bài viết Vàng bất ngờ quay đầu lao dốc, SJC rơi ngay 2,2 triệu/lượng. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

    Tin mới