Chủ nhật, 24/11/2024 06:15 (GMT+7)
Chủ nhật, 02/01/2022 08:00 (GMT+7)

'Vàng trắng' tiếp tục cho nông dân lãi lớn bất chấp đại dịch

Theo dõi KTMT trên

Cao su là ngành tăng trưởng tốt cả ở sản xuất và xuất khẩu trong mùa dịch, một phần bởi sự tăng giá của mặt hàng cao su, phần khác là bởi các doanh nghiệp vẫn duy trì được hoạt động sản xuất, tăng năng suất.

Toàn bộ nền kinh tế Việt Nam năm 2021 bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là hoạt động sản xuất và xuất nhập khẩu. Tuy nhiên trong số đó, cao su là một ngành nghề sản xuất không những không quá bị ảnh hưởng mà còn đạt được thành tích tốt cho năm nay.

Thống kê của Tổng cục Hải quan cho hay, từ ngày 1/12-15/12, cả nước xuất khẩu 127.920 tấn cao su, trị giá hơn 220 triệu USD, bình quân giá cao su đạt mức 1.719,8 USD/ tấn, kết quả này đã tăng 25,5% về lượng và tăng 27,9% về kim ngạch, và tăng 1,9% về giá so với tháng trước.

'Vàng trắng' tiếp tục cho nông dân lãi lớn bất chấp đại dịch - Ảnh 1

Cao su cho nông dân lãi lớn bất chấp đại dịch. (Ảnh minh họa)

Tính lũy kế đến 15/12/2021, Việt Nam đã xuất khẩu được 1,83 triệu tấn, thu về hơn 3,06 tỷ USD, trung bình, mỗi tấn cao su sẽ có giá là 1.672,1 USD, so với cùng kỳ năm ngoái, sản lượng xuất khẩu tăng nhẹ 4,7%, kim ngạch tăng 28,3% và đặc biệt đã tăng 22,6% giá trung bình cho 1 tấn cao su. Đây có thể xem như một kết quả tích cực đối với người dân trồng cao su.

Mặt hàng này từng đạt đỉnh cao năm 2011–2012 với mức giá rất cao, với hơn 6.000 USD/ tấn, thời gian đó, những hộ gia đình trồng cao su có thể lãi đến tiền tỷ. Nhưng sau 1-2 năm, giá cả mặt hàng này lại giảm sút và đạt mức đáy tại xấp xỉ 1.120 USD/tấn vào năm 2016. Điều này đã khiến người nông dân thua lỗ khi tiền bán mủ còn không bằng chi phí sản xuất, nhiều chủ vườn bỏ nghề trong giai đoạn đó.

Mặt khác, từ năm 2019 đến nay, giá mủ cao su có sự hồi phục đều đều, luôn đạt mức tăng trưởng dương qua các quý, đã khiến người nông dân có lãi và tiếp tục trồng cây này, vì đây là cây rừng, không tốn nhiều công chăm sóc, có tiền thu vào đều cũng như không bị ước thúc thời hạn như cây ăn quả.

'Vàng trắng' tiếp tục cho nông dân lãi lớn bất chấp đại dịch - Ảnh 2
Bảng giá cao theo số liệu giá cao su RSS3 tại sàn Singapore.

Trong 2 năm nay, nhờ giá cao su tăng đều, người dân trồng cao su bắt đầu có lãi để ổn định sinh hoạt. Cùng niềm vui lãi lớn, ông Đặng Minh Hoàng chia sẻ, trang trại Thiên Nông của ông (tỉnh Bình Phước) đã thu được 2,4 tỷ đồng (hơn 50% là lợi nhuận) trong năm nay trên tổng số 30 ha khai thác, tăng 400 triệu so với năm 2020. Đó là nhờ sản lượng cao su và giá mủ tăng.

Gần đây, trang trại Thiên Nông đang thí nghiệm việc dùng thiết bị bay không người lái (drone), để trị bệnh phấn trắng cho cây cao su, giúp tăng sản lượng khai thác. Ông tin rằng cách này sẽ sớm được các trang trại lân cận áp dụng nhằm tăng năng suất, tận dụng đợt giá cao su đang tăng, ông Hoàng cũng cho biết.

Không chỉ các trang trại tư nhân, các doanh nghiệp cao su cũng đã có một năm thành công. Đơn cử như tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) đã thông báo kết quả sản xuất - kinh doanh với hầu hết các chỉ tiêu cốt lõi đều đạt và vượt so với kế hoạch đề ra.Tính đến ngày 15/12, toàn tập đoàn đã khai thác được 377.722,6 tấn mủ cao su (đạt 100% kế hoạch), về đích sản lượng trước 16 ngày.

2021 cũng là năm VRG hoàn thành kế hoạch sớm nhất trong vài năm trở lại đây. Năm 2021, VRG đã tiêu thụ hơn 450.000 tấn cao su, giá bán bình quân cao hơn 27% so với năm 2020.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, xuất khẩu cao su cả năm 2021 đạt 3,313 tỷ USD, sản lượng 1,975 triệu tấn, tăng 39% về giá trị và tăng 12,86% về sản lượng. Trước tình hình lạc quan của thị trường cao su, bộ đã đưa ra kế hoạch xuất khẩu 3,5 tỷ USD cho ngành trong năm 2022.

'Vàng trắng' tiếp tục cho nông dân lãi lớn bất chấp đại dịch - Ảnh 3
Số liệu của Vietdata.

Về xu hướng giá của cao su trong năm 2022, nhiều dự báo cho biết quý I sẽ đi ngang với mức giá 2,4 USD/kg và có thể tăng lên mức 3,8 USD/kg vào nửa cuối năm 2022 do nhu cầu tăng cao. Trong khi đó, sản lượng cao su toàn cầu giảm do diện tích giảm và yếu tố biến đổi khí hậu.

Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ, EU… là thị trường nhập khẩu cao su chính của Việt Nam. Trong đó Trung Quốc là thị trường lớn nhất, chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Nhưng lực cầu của quốc gia này đang yếu đi do các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt theo chính sách Zero covid.

Các thị trường Ấn Độ, Mỹ, EU… đều có sự tăng mạnh với mức tăng trưởng lên tới hai con số. Dự báo, lực cầu từ các thị trường này vẫn sẽ còn và Trung Quốc sẽ nới lỏng các chính sách nhập cảnh để phục vụ cho chế biến, sản xuất trong năm 2022.

Bùi Hằng (T/h)

Bạn đang đọc bài viết 'Vàng trắng' tiếp tục cho nông dân lãi lớn bất chấp đại dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới