Chủ nhật, 24/11/2024 07:51 (GMT+7)
Thứ tư, 15/07/2020 08:17 (GMT+7)

Vì sao Bộ Công an phản đối hợp thức hoá condotel thành nhà ở?

Theo dõi KTMT trên

Bộ Công an vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ để bày tỏ bất cập trong quy hoạch pháp luật liên quan đến căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel)...

Vì sao Bộ Công an phản đối hợp thức hoá condotel thành nhà ở? - Ảnh 1

Ảnh chỉ có tính chất minh họa. (Nguồn: Nguyễn Dũng/TTXVN))

Trong khi các Bộ liên quan khẳng định đã đầy đủ pháp lý để quản lý loại hình căn hộ du lịch (condotel), biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú (officetel), Bộ Công an cho rằng loại hình bất động sản này vẫn đang có nhiều điểm thiếu chặt chẽ gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước, kinh doanh, rủi ro cho người mua nhà và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Vì thế, Bộ Công an đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban Nhân dân các địa phương không hợp thức hoá các dự án căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú thành nhà ở.

Chưa xác định đối tượng cấp “sổ đỏ”

Tại báo cáo gửi Thủ tướng về các bất cập trong quy định pháp luật liên quan đến condotel, officetel, Bộ Công an cho biết tại văn bản số 703 ngày 14/2/2020 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn xác định xây dựng căn hộ du lịch, biệt thự du lịch là đất thương mại, dịch vụ; căn hộ du lịch, biệt thự du lịch có đủ điều kiện được chuyển nhượng theo quy định của Luật Kinh doanh bất động sản, việc chứng nhận sở hữu công trình xây dựng cho phép bên nhận chuyển nhượng được thực hiện theo chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng không phải là nhà ở…

Tuy nhiên, theo Bộ Công an, Bộ Tài nguyên và Môi trường chưa hướng dẫn rõ việc cấp chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng (sổ đỏ) căn hộ du lịch, biệt thự du lịch sẽ được cấp cho chủ đầu tư hay cho từng người mua căn hộ.

“Trường hợp cấp giấy sổ đỏ cho từng người mua căn hộ trong dự án sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự trong quản lý vận hành toà nhà, quản lý hoạt động đầu tư kinh doanh căn hộ; quản lý thu hồi dự án khi hết thời hạn sử dụng đất dự án,” Bộ Công an nêu ý kiến.

Phía Bộ Công an cũng cho biết hiện nay, một số địa phương như Đà Nẵng, Bà Rịa-Vũng Tàu đang rà soát, đề xuất chuyển đổi mục đích sử dụng đất, cấp sổ đỏ căn hộ du lịch cho người mua, dần hợp thức các căn hộ du lịch, biệt thự du lịch thành nhà ở, gây áp lực hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội sẽ phát sinh nhiều vấn đề phức tạp, an ninh nhiều vấn đề phức tạp về an ninh kinh tế, an ninh trật tự.

Ngoài ra, việc chưa rõ ràng trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và quyền sở hữu loại hình này ảnh hưởng tới việc thế chấp tài sản vay vốn ngân hàng ngân hàng, nguy cơ mất an toàn hệ thống tín dụng do hầu hết các dự án căn hộ du lịch đều được chủ đầu tư thế chấp quyền sử dụng đất của dự án vay vốn ngân hàng.

Trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho từng căn hộ phát sinh việc thế chấp quyền sở hữu tài sản để vay vốn tại các ngân hàng khác nhau, như vậy sẽ có tình trạng một tài sản sử dụng làm tài sản đảm bảo nhiều lần tại nhiều ngân hàng.

Hơn nữa, văn bản số 703 của Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng chưa đề cập việc xác định chế độ sử dụng đất, thời hạn sử dụng đất và việc cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với loại hình văn phòng kết hợp lưu trú.

Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn

Bộ Công an cũng chỉ ra quy định về kinh doanh căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú còn nhiều bất cập, chưa cụ thể dẫn đến rủi ro cho người mua. Theo đó, quy định điều kiện kinh doanh bất động sản hình thành trong tương lai còn lỏng lẻo, chưa rõ vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước.

Nhiều chủ đầu tư mở bán căn hộ du lịch, biệt thự du lịch khi chưa đủ điều kiện, rủi ro cho người mua, nhất là không thực hiện được cam kết với người mua đã phát sinh tranh chấp, phức tạp về an ninh trật tự, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn.

Vì sao Bộ Công an phản đối hợp thức hoá condotel thành nhà ở? - Ảnh 2

Ảnh minh họa. (Nguồn: Ngọc Hà/TTXVN)

Theo Bộ Công an, vừa qua một số doanh nghiệp bất động sản đã thông báo tạm dừng chi trả lợi nhuận cho khách hàng mua căn hộ du lịch theo cam kết đã được ký kết với người mua.

Đơn cử như Công ty cổ phần đầu tư phát triển và xây dựng Thành Đô ra thông báo chấm dứt trả lợi nhuận cho người mua condotel tại dự án Cocobay (Đà Nẵng)...

Ngoài ra, quy định về quản lý, vận hành căn hộ du lịch và toà nhà hỗn hợp (căn hộ nhà ở và căn hộ du lịch) thiếu chặt chẽ, chưa có vai trò của chủ đầu tư dự án, tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh, an toàn toà nhà.

Ví dụ như tại dự án Our City tại Hải Phòng do Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hiệp Phong Việt Nam (100% vốn Hồng Kông-Trung Quốc) có hàng trăm người Trung Quốc nhập cảnh qua đường du lịch, thuê căn hộ tại dự án này để tổ chức đánh bạc với quy mô rất lớn.

Tại dự án tổ hợp khách sạn chung cư cao cấp Oceanus Mường Thanh Viễn Triều, thành phố Nha Trang với 5 toà nhà 45 tầng, quy mô 1.000 căn hộ, trong đó có khoảng 50% căn hộ dùng để ở và 50% căn hộ cho thuê. Hiện tại nhiều chủ đầu tư căn hộ cho thuê dưới nhiều hình thức nhưng không có sự quản lý, giám sát của chủ đầu tư, ban quản trị toà nhà cũng như chính quyền địa phương.

Việc này dẫn tới hoạt động của cư dân và khách thuê căn hộ diễn ra phức tạp, ảnh hưởng an ninh trật tự. Công an Khánh Hoà đã bắt 14 đối tượng người Trung Quốc thuê nhà tại đây với mục đích du lịch nhưng lại sử dụng nhiều máy tính, thiết bị công nghệ nghi vấn hoạt động tội phạm sử dụng công nghệ cao.

Kiến nghị không hợp thức hoá

Từ thực tế trên, Bộ Công an đã kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Xây dựng khẩn trương nghiên cứu, đề xuất sửa đổi Luật Kinh doanh bất động sản. Trong đó quy định tên gọi, hình thức quản lý, điều kiện kinh doanh, mua bán, cho thuê loại hình căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú.

Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành các toà nhà hỗn hợp vừa có chức năng ở vừa có chức năng cho thuê văn phòng, du lịch…

Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về phân loại đất và cấp sổ đỏ đối với các loại hình bất động sản mới để các địa phương có cơ sở thực hiện; không hợp thức hoá các dự án condotel, officetel.

Thanh tra Chính phủ tiến hành thanh tra việc triển khai các dự án căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, văn phòng kết hợp lưu trú tại một số địa phương phát triển nhiều loại hình bất động sản trên, phát hiện sai phạm đề xuất xử lý.

Về phía địa phương, trước mắt, Bộ Công an kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương không phát triển thêm dự án căn hộ du lịch, biệt thự du lịch, không hợp thức các loại hình này thành nhà ở.

Theo số liệu của Hiệp hội bất động sản Việt Nam, cả nước đang có khoảng 82.902 căn hộ du lịch, 28.099 biệt thự du lịch, 12.617 phòng khách sạn, 15.663 căn shophouse tập trung tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Quy Nhơn, Bình Thuận, Khánh Hoà, Đà Nẵng, Kiên Giang, Quảng Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu… Khoảng 16.523 căn hộ văn phòng kết hợp lưu trú, tập trung chủ yếu tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.
Bạn đang đọc bài viết Vì sao Bộ Công an phản đối hợp thức hoá condotel thành nhà ở?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới