Chủ nhật, 24/11/2024 07:30 (GMT+7)
Thứ sáu, 06/10/2023 11:50 (GMT+7)

Vì sao Chủ tịch HĐQT PG Bank muốn từ nhiệm sau 3 tháng tại vị?

Theo dõi KTMT trên

Ông Nguyễn Phi Hùng vừa có đơn xin từ nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PG Bank) và xin rút khỏi vị trí thành viên HĐQT ngân hàng này vì lý do cá nhân.

Đáng chú ý, ông Hùng rút khỏi vị trí Chủ tịch HĐQT khi mới được bầu lên vị trí này cách đây 3 tháng.

Trong đơn từ nhiệm ông Hùng viết: “Trong thời gian công tác tại PG Bank, tôi đã nhận được sự tin tưởng, đồng hành, hợp tác của toàn thể cán bộ nhân viên và giúp PG Bank đạt được những thành công nhất định. Vì lý do cá nhân, tôi làm đơn này kính gửi Đại hội đồng cổ đông, HĐQT PG Bank cho phép tôi được từ nhiệm nhiệm vụ Chủ tịch HĐQT và rút khỏi vị trí Thành viên HĐQT PG Bank nhiệm kỳ 2020-2025”.

Vì sao Chủ tịch HĐQT PG Bank muốn từ nhiệm sau 3 tháng tại vị? - Ảnh 1
Chủ tịch HĐQT PG Bank Nguyễn Phi Hùng.

Trước đó, vào hồi tháng 7, HĐQT PG Bank đã miễn nhiệm chức danh Tổng giám đốc với ông Nguyễn Phi Hùng và bầu ông Hùng lên làm Chủ tịch HĐQT, sau khi người tiền nhiệm của ông này là ông Oliver Schwarzhaupt (quốc tịch Đức) được HĐQT PG Bank đồng ý cho thôi chức vụ chủ tịch chỉ sau 2 tháng ngồi ghế “nóng”.

Được biết, đơn từ nhiệm vị trí Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Phi Hùng sẽ được Đại hộc đồng cổ đông gần nhất của PG Bank xem xét thông qua, dự kiến diễn ra vào ngày 23/10/2023.

Gần hết thành viên HĐQT xin từ nhiệm

PG Bank thời gian qua ghi nhận một loạt biến động thượng tầng khi hàng loạt nhân sự cấp cao đồng loạt có đơn xin từ nhệm “vì lý do cá nhân”.

Trước ông Nguyễn Phi Hùng, HĐQT PG Bank cũng đã nhận được đơn xin từ nhiệm khỏi vị trí Phó Chủ tịch HĐQT của ông Nguyễn Tiến Dũng vào giữa tháng 9 vừa qua.

Vì sao Chủ tịch HĐQT PG Bank muốn từ nhiệm sau 3 tháng tại vị? - Ảnh 2

5/6 thành viên Hội đồng Quản trị của PG Bank đã có đơn xin từ nhiệm. (Ảnh: PG Bank).

Cùng với đó, PG Bank cũng cho biết nhận được đơn xin từ nhiệm của loạt lãnh đạo cấp cao Khác như:

Ông Nilesh Ratilal Banglorewala (sinh năm 1965) đã nộp đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT độc lập nhiệm kỳ 2020 - 2025 với lý do cá nhân. Ông Nilesh Ratilal Banglorewala đã giữ vị trí thành viên HĐQT từ ngày 30/3/2021 đến nay.

Ông Oliver Schwarzhaupt (sinh năm 1967) cũng nộp đơn xin từ nhiệm vị trí thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020 - 2025 với lý do cá nhân. Ông Oliver Schwarzhaupt mới được bổ nhiệm vào vị trí thành viên HĐQT từ ngày 26/4/2022 đến nay.

Ngoài ra, từ đầu tháng 5/2023, ông Nguyễn Mạnh Hải – thành viên HĐQT; sau đó, ông Nguyễn Tuấn Vinh - Trưởng ban Kiểm soát và bà Dương Ánh Tuyết - thành viên Ban kiểm soát cùng xin từ nhiệm chức vụ.

Nếu như tất cả các đơn xin từ nhiệm đều được thông, HĐQT PG Bank chỉ còn duy nhất 1 thành viên là ông Đinh Thành Nghiệp.

Xuất hiện nhóm cổ đông mới

Tháng 4 vừa qua, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) đã bán sạch 120 triệu cổ phần sở hữu tại PG Bank, thu về 2.568 tỷ đồng.

Danh sách nhà đầu tư trúng đấu giá gồm 3 tổ chức và 1 cá nhân. Lượng cổ phiếu mà Petrolimex đấu giá thành công tương đương 40% tỷ lệ sở hữu tại PG Bank.

Danh tính của 3 tổ chức trúng đấu giá sau đó được tiết lộ là: CTCP Quốc tế Cường Phát (Cường Phát), CTCP Thương mại Vũ Anh Đức (Vũ Anh Đức) và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển Thương mại Gia Linh (Gia Linh).

3 tổ chứ này nắm giữ lượng cổ phiếu gần như ngang nhau, với tỷ lệ trên dưới 13% và tổng số xấp xỉ 120 triệu cổ phiếu, bằng lượng Petrolimex đem đấu giá.

Như vậy, đây sẽ là 03 tổ chức cổ đông lớn mới của PG Bank với tổng mức chi phối là 40% vốn của ngân hàng này. Việc loạt lãnh đạo cũ của PG Bank từ nhiệm có thể là động thái “dọn đường” để nhóm cổ đông lớn mới thuận lợi hơn trong việc kiện toàn bộ máy nhân sự lãnh đạo cấp cao tại ngân hàng.

Ai là người đứng sau?

3 tổ chức mới chi phối 40% vốn ở PG Bank được đồn đoán là có mối quan hệ mật thiết với một doanh nghiệp trong ngành ô tô, đó là Thành Công Group.

Tuy tại đại hội cổ đông thường niên 2023, lãnh đạo PG Bank từng nói rằng: “Trong kết quả đấu giá không có tên Thành Công Group”. Nhưng Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Cường Phát là ông Nguyễn Văn Mạnh (1981), là cổ đông sáng lập của PL Iro, một thành viên trong hệ sinh thái doanh nghiệp của gia đình chủ tịch Thành Công Group Nguyễn Văn Tuấn . Vợ chồng ông Nguyễn Toàn Thắng, em trai ông Tuấn sáng lập và sở hữu vốn PL Iro.

Chủ tịch tại công ty Vũ Anh Đức là ông Vũ Văn Nhuân (1973), một nhân sự của Thành Công Group. Ông Nhuân từng được biết trong vai trò giám đốc CTCP Khu công nghiệp Tổ hợp Công nghệ Thành Công Việt Hưng. Công ty với cơ cấu cổ đông gồm CTCP Tập đoàn Thành Công (60%), CTCP Hyundai Thành Công Việt Nam (25%) và Công ty TNHH TCG Land (15%).

Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh do ông Nguyễn Tiến Dũng nắm giữ hơn 99% vốn điều lệ công ty. Ông Nguyễn Tiến Dũng từng có thời gian làm giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Công ty CP Sản xuất xây dựng CN Thành Công. Công ty này được thành lập vào tháng 8/2020 với 3 cổ đông sáng lập.

Đầu tháng 4 vừa qua là thời điểm mà cả 3 pháp nhân kể trên tiến hành tăng vốn mạnh mẽ. Cụ thể, vào ngày 20/4, Công ty CP Quốc tế Cường Phát đã tăng vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng lên 882 tỷ đồng. Tới ngày 28/4, Công ty CP Thương mại Vũ Anh Đức cũng tăng vốn điều lệ từ 40 tỷ đồng lên 900 tỷ đồng. Cũng trong ngày 28/4, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu và Phát triển thương mại Gia Linh đã tăng vốn từ 8 tỷ đồng lên 853 tỷ đồng. Tổng vốn góp tăng lên của 3 doanh nghiệp này là 2.577 tỷ đồng, nhiều hơn đôi chút với số tiền 2.568 tỷ đồng được chi ra để mua vào gần 40% sở hữu tại PGBank của Petrolimex.

Vì sao Chủ tịch HĐQT PG Bank muốn từ nhiệm sau 3 tháng tại vị? - Ảnh 3
Tình hình kinh doanh của Thành Công Group. Nguồn: CafeF.

Còn về Thành Công Group, doanh nghiệp này sở hữu ba trụ cột kinh doanh chính gồm: Công nghiệp ô tô, bất động sản, dịch vụ. Tập đoàn cũng là đối tác duy nhất trong khu vực của Hyundai Motor.

Vào năm ngoái, Thành Công Group công bố, doanh thu của tập đoàn này ước đạt 118.000 tỷ đồng (tương đương 5 tỷ USD), tăng 41% so với năm 2021. Nộp ngân sách nhà nước ước đạt hơn 22.000 tỷ đồng.

Việc các doanh nghiệp ăn nên làm ra rồi tham gia vào cuộc chơi tài chính – ngân hàng không còn là chuyện lạ trong giới kinh doanh tại Việt Nam.

Trước đó, Thành Công Group cũng từng sở hữu lượng đáng kể cổ phần ngân hàng Eximbank. Tập đoàn từng đưa bà Lê Hồng Anh, vợ chủ tịch Nguyễn Anh Tuấn vào HĐQT. Ngoài ra còn có thêm ông Đào Phong Trúc Đại, là Tổng giám đốc Khu công nghiệp Việt Hưng.

Đầu năm nay, hai đại diện từ Thành Công Group đã rút vốn hoàn toàn khỏi HĐQT Eximbank. Việc thoái vốn khỏi Eximbank diễn ra chưa đầy một năm sau khi ngân hàng này ổn định thượng tầng.

H.A

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Chủ tịch HĐQT PG Bank muốn từ nhiệm sau 3 tháng tại vị?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới