Chủ nhật, 24/11/2024 09:26 (GMT+7)
Thứ năm, 09/04/2020 10:09 (GMT+7)

Viễn cảnh đại dịch chấm dứt và thế giới hậu khủng hoảng do Covid-19

Theo dõi KTMT trên

Giống như tất cả các cuộc khủng hoảng khác, dịch bệnh Covid-19 có thể làm thay đổi bộ mặt của thế giới, tạo ra những quy tắc và trật tự mới.​

Đại dịch Covid-19 đã và đang gây ra cuộc khủng hoảng y tế nghiêm trọng trên toàn cầu. Tuy nhiên ảnh hưởng của dịch bệnh cũng lan rộng ra nhiều lĩnh vực khác. Một số nhà phân tích cho rằng, tác động của Covid-19 đối với nền kinh tế, chính trị trên thế giới có thể nghiêm trọng và sâu rộng hơn so với tác động của cuộc Đại khủng hoảng xảy ra vào những năm 1930.

Giống như tất cả các cuộc khủng hoảng khác, dịch bệnh Covid-19 có thể làm thay đổi bộ mặt của thế giới. Một hệ thống quy tắc và trật tự mới có thể xuất hiện, hoặc hệ thống hiện tại có thể được sửa đổi vì hậu quả trực tiếp hay gián tiếp của dịch bệnh.

Viễn cảnh đại dịch chấm dứt và thế giới hậu khủng hoảng do Covid-19 - Ảnh 1
vắc-xin ngừa Covid-19 đang được thử nghiệm lâm sàng. (Ảnh: Reuters)

Những khu vực nào bị tổn hại nhiều nhất?

Đại dịch Covid-19 sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn đối với các cộng đồng dân cư nghèo và dễ bị tổn thương tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Tại Mỹ, hơn 60% dân số trưởng thành bị mắc một căn bệnh mãn tính. Cứ 8 người Mỹ thì có 1 người sống dưới mức nghèo khổ. Hơn 3/4 trong số này sống dựa vào tiền lương và hơn 44 triệu người không có bảo hiểm y tế.

Thách thức thậm chí còn lớn hơn tại khu vực Châu Mỹ Latin, châu Phi và Nam Á, những nơi có hệ thống y tế yếu hơn và năng lực ứng phó của các chính phủ có hạn. Suy giảm kinh tế do Covid-19 sẽ diễn ra ở nhiều nơi. Mức độ nghiêm trọng phụ thuộc vào việc đại dịch kéo dài trong bao lâu cũng như phản ứng ở cả cấp độ quốc gia lẫn quốc tế của các chính phủ. Nhưng ngay cả với kịch bản khả quan nhất, thì tác động của dịch bệnh vẫn sẽ vượt xa cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 về quy mô và mức độ nghiêm trọng. Ước tính thiệt hại có thể vượt quá 9.000 tỉ USD, tương đương hơn 10% GDP toàn cầu.

Ở những cộng đồng nghèo, nơi nhiều người dân phải chung sống trong những căn nhà chật hẹp với nguồn sống chủ yếu phụ thuộc vào công việc lao động hàng ngày, lời kêu gọi giãn cách xã hội sẽ rất khó được thực hiện. Khi người dân mất đi nguồn thu nhập, tình trạng vô gia cư và nạn đói sẽ gia tăng nhanh chóng.

Tại Mỹ, đã có 3,3 triệu người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp, trong khi đó, tỉ lệ thất nghiệp trên khắp châu Âu cũng đạt mức cao kỷ lục. Chuỗi cung ứng bị phá vỡ khi các nhà máy phải đóng cửa và công nhân bị cách ly, người tiêu dùng không thể mua sắm hay tham gia các hoạt động xã hội. Chính sách tiền tệ gần như bị tê liệt khi nhiều nước hạ lãi suất xuống gần mức 0. Khái niệm đảm bảo thu nhập cơ bản nghe có vẻ phi thực tế cách đây 1 tháng, giờ đã nằm ở trung tâm trong chương trình nghị sự của các chính phủ.

Khi số ca mắc Covid-19 tăng vọt, hầu hết các nhà lãnh đạo trên thế giới đều nhận thức được cái giá phải trả về mặt kinh tế và con người. Theo kịch bản xấu nhất do Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ đưa ra, khoảng 160 triệu đến 210 triệu người Mỹ sẽ bị mắc Covid-19 cho đến tháng 12/2020 và khoảng 1,7 triệu người có thể tử vong. Các nhà nghiên cứu của Đại học Havard ước tính có khoảng 20% đến 60% dân số trên toàn cầu có thể bị nhiễm virus SARS-CoV-2 và con số tử vong vào khoảng từ 14 đến 42 triệu người.

Khi nào dịch bệnh chấm dứt?

Câu hỏi phổ biến hiện nay là “Khi nào dịch bệnh sẽ chấm dứt?”. Câu trả lời phụ thuộc vào nhiều yếu tố, chẳng hạn như 1 bệnh nhân có thể mắc bệnh nhiều lần hay không, các nhà khoa học trên thế giới có thể sản xuất vắc-xin nhanh như thế nào, lợi ích và cái giá phải trả của biện pháp phong tỏa kéo dài, cùng việc các quốc gia có đủ khả năng ứng phó với dịch bệnh, cả về mặt chính trị lẫn mặt kinh tế, hay không.

Có ý kiến cho rằng, đại dịch sẽ kết thúc khi tạo ra được cái gọi là miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng chỉ tình trạng một cộng đồng được bảo vệ gián tiếp trước nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Miễn dịch cộng đồng xuất hiện khi một tỉ lệ lớn người dân trong cộng đồng ấy có miễn dịch với một số bệnh truyền nhiễm, từ đó họ trở thành "lá chắn sống" cho những người chưa bị nhiễm.

Có 2 con đường dẫn tới viễn cảnh này. Thứ nhất là tiêm chủng. Các nhà nghiên cứu sẽ phải phát triển 1 loại vắc-xin an toàn và hiệu quả chống lại virus SARS-CoV-2 và các cơ quan y tế sẽ phải tiêm vắc-xin này cho một số lượng người vừa đủ. Con đường thứ 2 nghiệt ngã hơn. Kịch bản này có thể xảy ra sau khi phần lớn cộng đồng bị mắc bệnh và phát triển các kháng thể chống virus. Tuy nhiên, điều đó sẽ khiến số ca mắc và số ca tử vong tăng vọt một cách không thể kiểm soát.

Hiện tại, hàng chục công ty và các trường đại học trên thế giới đang nỗ lực tìm kiếm vắc-xin. Trong cuộc đua này, nhiều bên đã đặt mục tiêu cung cấp vắc-xin trong khoảng từ 12 đến 18 tháng, nhưng giới chuyên gia cho rằng đây là mục tiêu đầy tham vọng bởi phát triển vắc-xin thường là một quá trình lâu dài và phức tạp, mất nhiều năm ròng để đảm bảo tính an toàn, hiệu quả. Nếu không có vắc-xin phòng ngừa, Covid-19 sẽ là bài toán nan giải trong nhiều năm sau đó.

Trong thời gian chờ đợi, nhiều quốc gia đã áp dụng các biện pháp làm giảm đáng kể sự lây lan của dịch bệnh Covid-19 như đóng cửa các doanh nghiệp và trường học, cấm các cuộc tụ tập và buộc người dân phải ở trong nhà. Mục đích là ngăn chặn một đợt bùng phát lớn có thể khiến hệ thống y tế quá tải, dẫn đến những ca tử vong không đáng có. Điều này cũng giúp cơ quan chức năng và các nhà cung cấp dịch vụ y tế tăng cường năng lực xét nghiệm, theo dõi liên lạc của những người mắc bệnh, mở rộng các cơ sở y tế, thành lập thêm nhiều đơn vị chăm sóc đặc biệt.

Thế giới hậu Covid-19 sẽ ra sao?

Trong bài viết đăng tải trên National Interest, Giáo sư Jay Zawatsky, tại Trường Montgomery cho rằng, trong mỗi cuộc khủng hoảng đều có một cơ hội. Cơ hội trong cuộc khủng hoảng Covid-19 hiện nay là mọi người hiểu ra rằng đôi khi thói quen và những phong tục tập quán như tụ tập dịp lễ hội hay bắt tay khi chào hỏi lại là điều có thể tiềm ẩn rủi ro và vô tình khiến dịch bệnh lây lan. Vì thế mọi người có thể hình thành những quy tắc xã hội mới, chẳng hạn như cúi đầu và mỉm cười khi gặp nhau.

Một khía cạnh tươi sáng khác là sự đổi mới và phát triển hệ thống y tế sau đại dịch Covid-19. Những tiến bộ trong y học liên quan đến việc tìm kiếm thuốc và vắc-xin điều trị Covid-19 cùng những sáng kiến đột phá khác có thể không liên quan trực tiếp đến việc đối phó với dịch bệnh, sẽ giúp cứu sống nhiều sinh mạng, tiết kiệm chi phí và phòng ngừa những hệ lụy đáng tiếc.

Theo ông Jay Zawatsky, bài học lớn nhất rút ra từ cuộc khủng hoảng hiện nay đó là con người nhìn nhận được mặt tích cực và mặt tiêu cực của vấn đề toàn cầu hóa, cũng như việc đặt các cơ sở sản xuất thiết yếu tại nước ngoài. Giáo sư Jay Zawatsky cho rằng Mỹ cần phải đẩy mạnh việc sản xuất thuốc men, thiết bị và hàng hóa thiết yếu ở trong nước. Sau dịch bệnh Covid-19, Mỹ có lẽ sẽ hiểu ra họ không nên lệ thuộc vào Trung Quốc hay những nhà cung cấp nước ngoài khác trong việc sản xuất các mặt hàng và dịch vụ quan trọng.

Ngoài ra, việc mở cửa biên giới cũng là một vấn đề cần được xem xét. Những người được cho phép bước vào một quốc gia cần phải có hồ sơ rõ ràng về mặt y tế. Đó không phải là tư tưởng bài ngoại, phân biệt chủng tộc hay ý muốn kiểm soát sự tự do di chuyển của người dân. Đó chỉ đơn giản là ngăn chặn dịch bệnh, ông Zawatsky lưu ý.

Đối với nền chính trị thế giới,các học giả nghiên cứu quan hệ quốc tế đã đưa ra những đánh giá và dự đoán khác nhau sau khi dịch bệnh Covid-19 qua đi. Một số nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng sẽ đẩy nhanh quá trình chuyển đổi cán cân quyền lực từ phương Tây sang châu Á, tuy nhiên, cạnh tranh Mỹ - Trung vẫn diễn ra căng thẳng.

Những người khác dự đoán, nhân tố có ảnh hưởng lớn là Mỹ sẽ thay đổi chính sách liên quan đến Trung Quốc, giảm sự hiện diện tại một số khu vực trên thế giới và sử dụng các nguồn lực của nước này một cách hiệu quả để cân bằng với Trung Quốc. Việc trì hoãn chiến lược của Washington sẽ làm giảm vai trò toàn cầu của nước này. Một kịch bản như vậy có thể tạo ra khoảng trống quyền lực, dẫn đến sự cạnh tranh và hỗn loạn tại nhiều khu vực.

Trường phái bi quan nhận định, cuộc khủng hoảng hiện tại và các vấn đề khác trên toàn cầu khác sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn vì thiếu sự đoàn kết và hợp tác giữa các cường quốc. Với bối cảnh này, thế giới có thể rơi vào một cuộc khủng hoảng chính trị sâu rộng hơn, thậm chí là một cuộc chiến mới trên toàn cầu.

Trái lại, trường phái lạc quan cho rằng, nhân loại vẫn thể hiện sự đoàn kết khi đối mặt với tình trạng khẩn cấp do dịch bệnh gây ra. Lợi ích chung và động lực sống còn của con người có thể thúc đẩy các chính phủ hợp tác để thực hiện các chương trình nghị sự chung.

Hồng Anh

Bạn đang đọc bài viết Viễn cảnh đại dịch chấm dứt và thế giới hậu khủng hoảng do Covid-19. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới