Chủ nhật, 24/11/2024 09:48 (GMT+7)
Thứ bảy, 15/02/2020 12:25 (GMT+7)

Vụ công viên nước Thanh Hà: Hà Nội truy trách nhiệm chính quyền Hà Đông

Theo dõi KTMT trên

Liên quan đến việc phá dỡ công viên nước Thanh Hà, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã có văn bản giao cơ quan Thanh tra vào cuộc làm rõ trách nhiệm UBND cấp phường, quận để xảy ra việc xây dựng trái phép tại công trình này..

Mới đây, UBND TP. Hà Nội đã gửi văn bản số 439/UBND-TKBT tới Thanh tra Thành phố, chỉ đạo về việc thanh tra trách nhiệm trong việc để xảy ra xây dựng trái phép tại Công viên nước Thanh Hà và quá trình cưỡng chế tháo dỡ.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung giao Thanh tra thành phố vào cuộc làm rõ phản ánh của báo chí về “Việc một công viên nước hoành tráng hơn 3ha, đầu tư 200 tỉ đồng, xây không phép ở thủ đô Hà Nội đã bị đập toang hoang, khiến dư luận đặt ra câu hỏi, các cấp lãnh đạo chính quyền địa phương đã “ở đâu” trong suốt thời gian doanh nghiệp lắp đặt thiết bị và xây dựng cơ sở vật chất cho công viên?”.

Cụ thể, ông Nguyễn Đức Chung giao Chánh Thanh tra Thành phố chỉ đạo thanh tra làm rõ trách nhiệm UBND các cấp phường, quận để xảy ra việc xây dựng trái phép tại Công viên nước Thanh Hà; Đồng thời, làm rõ quy trình, thủ tục thực hiện cưỡng chế theo quy định pháp luật, đề xuất các biện pháp xử lý.

Kết quả thanh tra phải báo cáo Thành ủy, UBND Thành phố trước tháng 3/2020.

Vụ công viên nước Thanh Hà: Hà Nội truy trách nhiệm chính quyền Hà Đông - Ảnh 1
Công viên nước Thanh Hà sau khi bị cưỡng chế.

Công viên nước Thanh Hà được khởi công năm 2018 trên lô đất A2.2 thuộc khu đô thị Thanh Hà - Cienco 5 (quận Hà Đông), rộng 3 ha với 11 công trình phục vụ vui chơi, 8 công trình phụ trợ. Giữa năm 2019 công viên đi vào hoạt động và được quảng bá là một trong những công viên nước lớn, hiện đại bậc nhất thủ đô.

Tháng 6 và tháng 9/2019, hai tai nạn đuối nước đã xảy ra tại công viên này. Đến cuối tháng 11/2019, chính quyền địa phương đình chỉ hoạt động, yêu cầu doanh nghiệp tháo dỡ các hạng mục của công viên do chưa có giấy phép xây dựng.

Trước đó, Tại cuộc giao ban báo chí Thành uỷ Hà Nội chiều 11/2, lãnh đạo quận Hà Đông đã nhận được nhiều câu hỏi xung quanh việc cưỡng chế, tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng tại khu công viên nước Thanh Hà (phường Phú Lương) do Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 đầu tư.

Báo chí cũng đặt câu hỏi về việc UBND quận Hà Đông có xử lý vi phạm quá vội vã và đúng quy định pháp luật chưa? Đặc biệt, tại sao quận Hà Đông không chọn phương án xử lý là tháo dỡ mà lại đập bỏ hết, gây thiệt hại cho doanh nghiệp hàng trăm tỉ đồng?

Về việc này, Phó Chủ tịch UBND quận Hà Đông Nguyễn Quang Ngọc cho biết, toàn bộ 19 hạng mục của công trình công viên nước này không có giấy phép. Trong quá trình xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng, cơ quan chức năng đã gặp gỡ doanh nghiệp, vận động, thuyết phục chủ đầu tư tự giác tháo dỡ. Đến ngày 26/11/2019, doanh nghiệp đã gửi công văn thông báo xin tự giác tháo dỡ bắt đầu từ ngày 6/12/2019.

Tuy nhiên, khi hết thời hạn khắc phục vi phạm về trật tự xây dựng trong các thông báo đã được gửi cho chủ đầu tư cũng như cam kết tự giác tháo dỡ của doanh nghiệp, thì hầu hết các hạng mục vẫn chưa được chủ đầu tư tháo dỡ. Cho nên, theo đúng quy trình của pháp luật, quận Hà Đông đã giao UBND phường Phú Lương tiến hành cưỡng chế, xử lý công trình vi phạm và toàn bộ 19 hạng mục đã được xác định.

Ông Trương Xuân Danh - Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 cho hay, "toàn bộ tài sản Công ty đầu tư hơn 200 tỉ đồng đều đã bị đập phá, hủy hoại và không còn giá trị sử dụng". Theo ông Doanh, các hạng mục kỹ thuật lắp đặt trong khuôn viên công viên nước Thanh Hà không phải được "tháo dỡ", mà đã bị "phá dỡ", đập bỏ toàn bộ.

Trước đó, Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco 5 đơn vị chủ đầu tư dự án Công viên nước Thanh Hà vừa có đơn kiến nghị khẩn cấp gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị giải quyết việc UBND quận Hà Đông thực hiện cưỡng chế khắc phục hậu quả vi phạm hành chính không đúng pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản của doanh nghiệp.

Công ty cổ phần phát triển địa ốc Cienco 5 hiện thuộc sở hữu của Tập đoàn Mường Thanh, do đại gia Lê Thanh Thản đã mua lại khoảng 93% cổ phần. Tập đoàn của ông Thản nổi tiếng với những công trình khổng lồ phá vỡ quy hoạch, xây vượt phép hoặc không phép giữa thủ đô Hà Nội như các khu chung cư HH Linh Đàm, VP6, Kim Văn - Kim Lũ, Đại Thanh, CT6... Tuy vậy, đến nay, theo thông tin chính thức từ UBND Hà Nội, mới có khoảng 20 cán bộ cấp phường, quận liên quan đến các sai phạm này bị xử lý. Hà Nội chưa công bố cụ thể danh tính và hình thức xử lý 20 cán bộ này.

Ngoài ra, 1 Chủ tịch phường và 2 cựu cán bộ Thanh tra quận Hà Đông đã bị khởi tố do có liên quan đến vụ án lừa dối khách hàng của bị can Lê Thanh Thản tại dự án chung cư CT6.

Xuân Đoàn

Bạn đang đọc bài viết Vụ công viên nước Thanh Hà: Hà Nội truy trách nhiệm chính quyền Hà Đông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Hà Nội sẽ có hơn 30.000 căn hộ mới trong năm 2025
Thị trường chung cư Hà Nội trong năm 2025 sẽ có khoảng hơn 30.000 căn hộ mới - tương đương với giai đoạn cao điểm 2016 - 2019. Tuy nhiên, giá căn hộ mở mới sẽ trung bình đạt 72 triệu đồng/m2 (chưa bao gồm thuế VAT và phí bảo trì).

Tin mới