Chủ nhật, 24/11/2024 11:10 (GMT+7)
Thứ ba, 02/08/2022 06:55 (GMT+7)

Xăng dầu đã "hạ nhiệt", vì sao giá hàng hoá, dịch vụ vẫn “phớt lờ”?

Theo dõi KTMT trên

Vào 15h ngày 1/8, giá xăng dầu đã giảm lần thứ 4 liên tiếp, thế nhưng giá cả hàng hóa tại nhiều chợ, siêu thị trên địa bàn Hà Nội vẫn không có dấu hiệu hạ nhiệt.

Người dân vẫn chờ giảm giá

Tại kỳ điều chỉnh xăng dầu ngày 1/8, giá xăng dầu đã tiếp tục giảm mạnh từ 400 đến hơn 900 đồng/lít, đưa giá xăng, dầu về dưới mốc 25.000 đồng/lít.

Điều này giúp cho người dân vui mừng, kỳ vọng với lần giảm tiếp theo này, giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng và cước dịch vụ vận tải sẽ giảm theo. Thế nhưng "thờ ơ" trước đà "lao dốc" của giá xăng dầu, hàng loạt mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau, gạo, mì, dầu ăn… tại các siêu thị, chợ dân sinh vẫn ở mức cao.

Nhiều tiểu thương tại các chợ Hà Nội chia sẻ, sau nhiều lần xăng giảm giá, các mặt hàng như thịt lợn, thịt gà, thịt bò... không giảm, thậm chí còn có xu hướng tăng. Nguyên nhân được cho là bởi dịch cúm A mới và gây ảnh hưởng đến các trang trại chăn nuôi, dẫn tới việc điều chỉnh giá cả thị trường.

Xăng dầu đã "hạ nhiệt", vì sao giá hàng hoá, dịch vụ vẫn “phớt lờ”? - Ảnh 1
Hàng loạt mặt hàng thiết yếu như thịt, cá, rau, gạo, mì, dầu ăn… tại các siêu thị, chợ dân sinh vẫn ở mức cao. (Ảnh minh họa)

Khảo sát tại một số chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội như chợ Mơ, chợ Phùng Khoang… cho thấy giá nhiều mặt hàng thịt, cá vẫn ở mức cao. Cụ thể, thịt bò 250.000-260.000 đồng/kg (tùy loại), thịt gà làm sẵn 160.000 đồng/kg, tăng 40.000/kg so với tháng trước; thịt lợn 100.000-120.000 đồng/kg, tăng 20.000 đồng/kg; sườn non từ 150.000-160.000 đồng/kg; thịt gầu bò 280.000 đồng/kg, thịt bò phi lê 350.000 đồng/kg, tôm từ 300.000-450.000 đồng/kg, cá trắm đen từ 75.000-120.000 đồng/kg. Tiểu thương tại chợ cho biết các mặt hàng thịt, cá đều đã tăng 20-50% so với thời điểm những tháng trước đó.

Với rau củ, mức tăng giá còn nhiều hơn và hiện vẫn neo ở mức cao. Giá hành lá 60.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với khoảng 2-3 tháng trước; cà chua 25.000 đồng/kg, tăng 7.000-8.000 đồng/kg so với tháng trước..; bắp cải tăng từ 10.000 đồng/kg lên 23.000 đồng/kg; cải xoong từ 10.000 đồng/mớ lên 22.000 đồng/mớ; khoai tây từ 10.000 đồng/kg lên 25.000 đồng/kg, rau cần 8.000 đồng/mớ lên 15.000 đồng/mớ...

Bà Hoài - một tiểu thương chợ Cầu Giấy cho biết, các loại rau củ quả thiết yếu như rau muống, rau cải... trước đó điều chỉnh tăng thêm một giá, trong khoảng 4.000 đồng/bó tăng lên 5.000 đồng/bó, đến hiện tại vẫn giữ nguyên giá 5.000 đồng/bó và chưa có dấu hiệu giảm.

"Vẫn có những sản phẩm giữ giá cố định từ trước vẫn có điều chỉnh giảm giá nhẹ, như dầu ăn Simply giảm khoảng 1.000 - 1.500 đồng/can so với trước", bà Hoài nói.

Đáng nói, giá lợn hơi bình quân cả nước so với tuần trước đang ở mức 66.500 đồng/kg, giảm 4.500 đồng/kg so với tuần trước. Tuy nhiên, giá thịt lợn tại các chợ vẫn cao.

Theo chị Đặng Thị Trang - tiểu thương tại chợ tạm Nam Trung Yên, thời gian gần đây thịt bò, thịt lợn, thịt gà tại đây tăng lên từ 5-10% tuỳ thời điểm do ảnh hưởng của đợt dịch cúm A đang ảnh hưởng tiêu cực đến việc chăn nuôi của các trang trại cung cấp sản phẩm này.

Khó điều chỉnh giảm

Theo chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, giá xăng giảm mà giá tiêu dùng chưa giảm đang gây ra nhiều bức xúc trong sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, giá hàng hóa, lương thực thực phẩm vận hành theo thị trường nên khó có thể can thiệp điều chỉnh ngay được.

Để điều chỉnh, các doanh nghiệp, nhà sản xuất sẽ phải mất thời gian định giá và có độ trễ nhất định. Không chỉ có hàng tiêu dùng mà với dịch vụ vận tải, cũng rất khó để doanh nghiệp thực hiện ngay việc giảm cước.

Bà Vũ Tuyết Hạnh, đại diện Công ty Vận tải Cường Thắng cho biết: "Để thay đổi giá, chúng tôi phải cân đối thu chi, đàm phán và ký kết với khách hàng lại. Giá xăng kỳ này tiếp tục giảm, nhưng diễn biến trên thị trường thế giới khó lường, giá dầu trong những tháng tới ra sao vẫn khó đoán định."

"Khi giá xăng cao, chúng tôi đã chạy xe với mức hòa vốn, thậm chí lỗ để duy trì thời gian dài để giữ mối khách. Nay xăng liên tục giảm giá khiến doanh nghiệp phấn khởi vì có doanh thu. Sức ép từ dư luận, khách hàng là rất lớn, nhưng cần có sự chia sẻ với các ngành nghề nói chung và vận tải nói riêng. Rất nhiều doanh nghiệp đã phải dừng hoạt động, đắp chiếu xe vì chạy không có lợi nhuận suốt thời gian dài vừa qua,” bà Hạnh nói.

Rõ ràng, với việc giá xăng hạ nhiệt, người dân có quyền kỳ vọng, giá cả tiêu dùng sẽ giảm theo. Cùng với đó, giá xăng với sự điều hành của Chính phủ, các bộ, ngành sẽ tiếp tục giảm trong những kỳ điều hành tới, tạo cơ sở để các ngành hàng, dịch vụ giảm giá, cũng là giảm chi phí sinh hoạt, tiêu dùng cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây cũng đã ký ban hành Công điện số 679/CĐ-TTg về việc tăng cường các biện pháp quản lý, điều hành giá.

Trong đó, yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban chỉ đạo điều hành giá; trong phạm vi, lĩnh vực, thẩm quyền quản lý đẩy mạnh tổ chức triển khai theo dõi sát diễn biến thị trường, kịp thời thực hiện giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu trong nước, ổn định giá cả, không để xảy ra tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Xăng dầu đã "hạ nhiệt", vì sao giá hàng hoá, dịch vụ vẫn “phớt lờ”?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới