Chủ nhật, 24/11/2024 10:10 (GMT+7)
Thứ sáu, 15/04/2022 16:00 (GMT+7)

Xăng dầu vẫn "nóng", Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo khẩn

Theo dõi KTMT trên

Trước tình trạng xăng dầu vẫn chưa thể hạ nhiệt, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương cần đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước và tăng cường tuần tra, chống buôn lậu mặt hàng này.

Xử lý nghiêm các hành vi gian lận, đầu cơ xăng dầu

Tại Công văn số 2310/VPCP-V.I ngày 14/4/2022, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia yêu cầu Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo các đơn vị, lực lượng chức năng tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện số 160/CĐ-TTg ngày 22/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước và Kế hoạch số 410/KH-BCĐ389 ngày 14/6/2017 của Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại xăng dầu và các văn bản liên quan.

Đồng thời, chủ động, nắm chắc tình hình hoạt động nhập khẩu, vận chuyển, sản xuất, kinh doanh, lưu kho, phân phối, lưu thông mặt hàng xăng dầu (các hoạt động dễ bị lợi dụng nhằm trục lợi); tăng cường tuần tra, kiểm soát trên các tuyến biên giới, địa bàn trọng điểm trong nội địa và trên các vùng biển để kịp thời phát hiện, đấu tranh đối với các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh xăng dầu giả, kém chất lượng, nhất là các đối tượng có vai trò chủ mưu, cầm đầu để xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Xăng dầu vẫn "nóng", Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo khẩn - Ảnh 1
(Biểu đồ: Văn Hưng)

Phó Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác phối hợp giữa các đơn vị, lực lượng chức năng, nhất là các đơn vị có thẩm quyền cấp phép, đăng ký chất lượng, đo lường thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp, đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu trong việc chấp hành các quy định về điều kiện nhập khẩu, lưu kho, vận chuyển, sản xuất, phân phối, lưu thông để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về gian lận đo lường, không bảo đảm chất lượng, đầu cơ, găm hàng chờ tăng giá nhằm trục lợi.

Khen thưởng kịp thời đối với tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; đồng thời, xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân có hành vi bao che, tiếp tay, bảo kê cho các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại, trốn thuế trong kinh doanh xăng dầu.

Phó Thủ tướng giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia theo dõi việc thực hiện và tổng hợp kết quả, báo cáo Trưởng ban.

Doanh nghiệp bán lẻ lãi đậm

Mới đây, chia sẻ tại hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh quý I/2022, lãnh đạo Tổng công ty Dầu Việt Nam - PV Oil (OIL) cho biết, trong quý I, PV Oil đã thu về 295 tỷ đồng lợi nhuận ròng, tăng gấp rưỡi so với cùng kỳ và hoàn thành gần 60% kế hoạch cả năm.

Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm, tổng sản lượng kinh doanh xăng dầu của PV Oil đã đạt 875.000 m3/tấn, vượt 5,2% so với kế hoạch quý và đạt 26,3% kế hoạch năm.

Sản lượng tăng nhẹ trong khi giá bán lẻ tăng cao giúp doanh thu hợp nhất của tổng công ty đạt 17.800 tỷ đồng, vượt 58,2% kế hoạch quý và hoàn thành 39,6% kế hoạch năm.

Lợi nhuận trước thuế hợp nhất PV Oil thu về được trong giai đoạn này cũng là 295 tỷ đồng, cao hơn gấp đôi so với kế hoạch quý và hoàn thành gần 60% kế hoạch lợi nhuận cả năm. So với cùng kỳ năm trước, mức lợi nhuận nhà bán lẻ xăng dầu này ghi nhận được trong quý I vừa qua cũng tăng hơn 54%.

Xăng dầu vẫn "nóng", Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo khẩn - Ảnh 2

Đây đồng thời là mức lợi nhuận cao nhất mà PV Oil ghi nhận được trong một quý kinh doanh từ khi nhà bán lẻ xăng dầu này niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.

PV Oil cho biết kết quả kinh doanh kể trên diễn ra trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, thị trường xăng dầu trong và ngoài nước có nhiều biến động.

Theo đó, tình hình chiến sự giữa Nga và Ukraine, cùng các lệnh trừng phạt khiến nguồn cung dầu bị thiếu hụt dẫn đến giá leo thang. Trong khi đó, nguồn hàng thiếu hụt do Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất và nguồn hàng nhập khẩu chỉ về cuối tháng 2 đã dẫn đến các đầu mối hạn chế bán hàng, chiết khấu thị trường xuống rất thấp, ảnh hưởng đến hiệu quả kênh bán lẻ.

Tuy nhiên, nhờ các giải pháp điều hành kinh doanh hợp lý và tận dụng tốt cơ hội thị trường, PV Oil vẫn hoàn thành vượt các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh quý I.

Từ cuối năm 2021 đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 9 kỳ điều chỉnh giá, trong đó có 6 kỳ tăng liên tiếp đầu năm, đưa giá xăng trong nước lên mức cao kỷ lục 28.985 đồng/lít với xăng E5 RON 92 và 29.820 đồng/lít với xăng RON 95, cao hơn gần 30% so với cuối năm 2021.

Dù đã giảm liên tục trong 3 kỳ điều chỉnh gần nhất, giá xăng dầu trong nước hiện vẫn phổ biến cao hơn 17-20% so với đầu năm.

Trên thị trường, PV Oil hiện là nhà bán lẻ xăng dầu lớn thứ 2 trong nước với khoảng 22,5% thị phần (xếp sau Petrolimex với 50% thị phần).

Theo đó, xăng E5 RON 92 được điều chỉnh giảm 830 đồng/lít, giá xăng RON 95 giảm 840 đồng/lít. Sau khi giảm, mức giá bán lẻ tối đa với xăng E5 RON 92 là 26.470 đồng/lít và xăng RON 95 là 27.310 đồng/lít.

Không chỉ xăng, giá các mặt hàng dầu tại kỳ điều hành lần này cũng được điều chỉnh giảm. Giá bán đối với mặt hàng dầu diesel hiện còn 24.380 đồng/lít; dầu hỏa là 23.020 đồng/lít...

Như vậy, giá các mặt hàng xăng trong nước đã giảm 3 lần liên tiếp, đưa giá xăng dầu về mức giá tương đương thời điểm đầu tháng 3. Tính chung trong 3 tháng đầu năm, giá xăng đã có 6 lần tăng, 3 lần giảm giá. Theo Bộ Công Thương, giá xăng dầu thành phẩm thế giới (căn cứ dùng để tính giá cơ sở) đã tăng 33,7-38,9% từ đầu năm nhưng giá bán lẻ trong nước tăng thấp hơn, ở mức 9-11%.

Hà Lan

Bạn đang đọc bài viết Xăng dầu vẫn "nóng", Phó Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo khẩn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới