Xảy ra 3 trận động đất liên tiếp ở Quảng Nam trong 8 phút
Chỉ trong 8 phút tại Quảng Nam đã xảy ra liên tiếp 3 trận động đất. Đây là các trận động đất có cường độ nhỏ, không gây thiệt hại về người và tài sản, người dân cũng không cảm nhận rõ rung lắc.
Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần, Viện Vật lý Địa cầu vừa phát đi các thông báo động đất liên tiếp ở huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam. Cụ thể, hôm nay (ngày 09/10) vào lúc 9 giờ 57 phút 15 giây một trận động đất có độ lớn 2.9, độ sâu khoảng 8.1 km đã xảy ra tại khu vực huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam
Đến 10 giờ 1 phút 51 giây cùng ngày, trận động đất thứ hai có độ lớn 2.6, độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km xảy ra tại đây. Tiếp đó, lúc 10 giờ 5 phút 35 giây, trận động đất có độ lớn 2.6, độ sâu khoảng 8.1 km tiếp tục xảy tại đây. Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần vẫn đang tiếp tục theo dõi các trận động đất này.
Có thể thấy, tại Quảng Nam trong vòng 8 phút đã xảy ra liên tiếp 3 trận động đất. May mắn các trận động đất này có cường độ nhỏ do đó không gây thiệt hại về người và tài sản, người dân cũng không cảm nhận rõ rung lắc.
Huyện Nam Trà My, Quảng Nam giáp ranh với huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Hai khu vực này những năm gần đây vẫn thường xuyên xảy ra động đất.
Cũng trong sáng ngày 9/10, tại Kon Tum đã xảy ra động đất vào lúc 4 giờ 53 phút 01 giây. Trận động đất có độ lớn 3.0 xảy ra tại vị trí có tọa độ (14.869 độ vĩ Bắc, 108.165 độ kinh Đông), độ sâu chấn tiêu khoảng 8.1 km. Động đất xảy ra tại khu vực huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 0. Trung tâm báo tin động đất và cảnh báo sóng thần - Viện Vật lý Địa cầu vẫn đang tiếp tục theo dõi trận động đất này.
Theo ông Nguyễn Xuân Anh, Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, qua quan trắc, nguyên nhân của hiện tượng trên liên quan đến động đất kích thích do hồ chứa. Việc phát sinh động đất kích thích hồ chứa phụ thuộc vào hoạt động địa chất kiến tạo, thể tích hồ chứa, độ cao, tốc độ và tần suất tích nước.
Dự báo trong thời gian tới động đất ở Kon Tum và Quảng Nam vẫn sẽ tiếp diễn, nhưng khó có khả năng lớn hơn 5,5 độ richter. Cần triển khai ngay các nghiên cứu chi tiết hơn để đánh giá hoạt động động đất ở khu vực này.
Viện Vật lý địa cầu sẽ tiếp tục khảo sát, quan trắc, nghiên cứu chi tiết về địa chất kiến tạo và chế độ địa chấn trong khu vực tỉnh Quảng Nam và lân cận. Cùng với đó, Viện sẽ thông báo kịp thời về hoạt động động đất đến chính quyền và người dân tại khu vực này.
Nhìn vào số liệu thống kê của Viện Vật lý địa cầu cho thấy, giai đoạn năm 1903-2020, tại tỉnh Kon Tum chỉ có khoảng 33 trận động đất, trận lớn nhất có độ lớn 3.9. Tuy vậy, từ tháng 4/2021 đến nay, mỗi năm hàng trăm trận động đất đã xảy ra tại đây, trong đó có cả những trận động đất gây rung chấn diện rộng.
Ông Xuân Anh thông tin thêm, động đất có thể gây ra nứt đất; gây rung lắc, phá hủy công trình, hóa lỏng nền đất gây lún, nghiêng công trình; sụt lún, sạt lở đất, đá lăn từ vách núi; có thể làm sụt giảm mực nước ngầm, ảnh hưởng nguồn nước. Chẳng hạn như trận động đất tại Cao Bằng năm 2019 (độ lớn 5.4) làm khu vực xã Đàm Thủy bị mất nước suối, mỏ nước cung cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn người dân xung quanh bị cạn, một số giếng khoan, nước đục như bùn loãng. Hay trận động đất tại Mộc Châu năm 2020 (độ lớn 5.3) tại xã Nà Mường làm mặt đất có hiện tượng phụt nước ra...
Thời gian tới, động đất vẫn sẽ còn tiếp tục xảy ra, khi xảy ra động đất, người dân cần bình tĩnh, tuân thủ theo đúng hướng dẫn của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng; đồng thời chủ động gia cố nhà cửa, tự trang bị thêm những kiến thức về phòng, chống động đất. Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần tăng cường tuyên truyền về các cách phòng chống; thông tin rõ về cường độ, mức độ rủi ro của các trận động đất vừa qua cho người dân.
Bích Ngọc