Chủ nhật, 24/11/2024 05:27 (GMT+7)
Thứ tư, 15/09/2021 16:46 (GMT+7)

Xem xét dùng nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động

Theo dõi KTMT trên

Trước tác động của dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam kiến nghị về việc xem xét dùng nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, nhằm động viên, hỗ trợ và giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Theo báo cáo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, công đoàn các cấp đã chi hỗ trợ đoàn viên, người lao động và các lực lượng tuyến đầu chống dịch từ nguồn tài chính công đoàn và nguồn xã hội hoá với tổng số tiền trên 4.375,882 tỉ đồng, số liệu tính đến hết ngày 13/9.

Theo Tổng Liên đoàn, hiện có hơn 2 triệu công nhân, lao động đã bị mất việc, dừng việc, nghỉ luân phiên hoặc không lương từ khi dịch bùng phát. Gói hỗ trợ cắt giảm nhiều thủ tục, nhưng các địa phương có cách hiểu khác nhau về "tạm dừng hoạt động" của doanh nghiệp nên việc chi hỗ trợ chậm.

Thêm vào đó, chính sách hỗ trợ đào tạo, duy trì việc làm cho người lao động đang khó thực hiện và không hiệu quả như mong muốn. Doanh nghiệp đang phải vật lộn duy trì sản xuất, không có thời gian xây dựng phương án đào tạo, hoặc có thì cũng chưa thể thực hiện khi nhiều tỉnh thành kéo dài Chỉ thị 16.

Xem xét dùng nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động - Ảnh 1
Hơn 2 triệu công nhân, lao động đã bị mất việc, dừng việc, nghỉ luân phiên hoặc không lương từ khi dịch bùng phát. (Ảnh minh họa)

Đề xuất về các giải pháp hỗ trợ công nhân, lao động khó khăn do đại dịch, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Nguyễn Đình Khang cho biết, cơ quan này sẽ kiến nghị gửi Bộ Lao động Thương binh và Xã hội về việc xem xét dùng nguồn kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Điều kiện là người lao động đã và đang tham gia chính sách bảo hiểm thất nghiệp từ 6 tháng trở lên nhằm động viên và hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho người lao động.

Bên cạnh đó, đề nghị tiếp tục nghiên cứu đề xuất các chính sách xã hội, gói an sinh mới thiết thực, hiệu quả hơn cho người lao động trong thời gian tới. 

Trao đổi về vấn đề này, một số chuyên gia cho rằng, nguyên tắc của Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp và một số quỹ ngắn hạn khác là có đóng - có hưởng, nghĩa là người lao động tham gia đóng vào quỹ mới được hưởng khi đủ điều kiện. Công nhân phải ngừng việc, nghỉ việc, mất việc hoặc tạm hoãn hợp đồng phần lớn là lao động chính thức, tham gia bảo hiểm thất nghiệp, nên việc trích quỹ hỗ trợ là hợp lý.

Vì vậy, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn nỗ lực để có những giải pháp chăm lo tốt hơn cho người lao động; tiếp tục triển khai có hiệu quả các chính sách của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; phối hợp, hỗ trợ các cơ quan, nhất là cơ quan lao động thương binh xã hội trong việc thực hiện các chính sách của nhà nước đối với với người lao động…  

Cùng với đó, cần tiếp tục nắm cơ sở, nắm tình hình một cách toàn diện về đời sống, việc làm, những khó khăn mà công nhân lao động đang gặp phải, nhất là những công nhân lao động đang mang thai, nuôi con nhỏ; những con công nhân lao động đang tuổi đi học… Bên cạnh đó, nghiên cứu những khó khăn, vướng mắc của các chính sách để phản ánh về Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; đề xuất những chính sách bổ sung để chăm lo cho người lao động trong thời gian tới… 

Trước đó, Chính phủ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cùng bộ ngành liên quan sớm trình cấp có thẩm quyền và Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành chính sách liên quan đến giảm mức đóng hoặc hỗ trợ từ kết dư quỹ bảo hiểm xã hội ngắn hạn để hỗ trợ lao động, doanh nghiệp khó khăn, hoàn thành trong tháng 9/2021. Đồng thời, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xem xét miễn nộp phí công đoàn năm 2021-2022 cho người lao động tại doanh nghiệp ảnh hưởng bởi dịch.

Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, từ năm 2009 đến 2020, số lao động tham gia bảo hiểm xã hội, người thụ hưởng, nguồn thu, nguồn chi hầu hết tăng đều qua các năm. Số kết dư quỹ tính đến cuối năm 2020 khoảng 89.100 tỉ đồng.

Thùy Linh (T/h)

Bạn đang đọc bài viết Xem xét dùng nguồn kết dư quỹ Bảo hiểm thất nghiệp hỗ trợ người lao động. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới