Chủ nhật, 24/11/2024 08:14 (GMT+7)
Thứ sáu, 31/12/2021 14:00 (GMT+7)

10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn

Theo dõi KTMT trên

Tạp chí Kinh tế Môi trường trân trọng giới thiệu 10 sự kiện kinh tế môi trường tiêu biểu của Việt Nam và thế giới năm 2021 do Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam bình chọn.

1. Hội nghị COP26 và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam

Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP26) kéo dài từ ngày 31/10-13/11, tại Glasgow, Scotland (Vương quốc Anh).

Tại COP26, tất cả 197 quốc gia tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu đã thông qua Hiệp ước khí hậu Glasgow (Glasgow Climate Pact), theo đó khẳng định lại mục tiêu khống chế gia tăng nhiệt độ trung bình trên toàn cầu ở ngưỡng dưới 2 độ C so với mức thời kỳ tiền công nghiệp và quyết tâm theo đuổi các nỗ lực để đạt mục tiêu tăng ở mức 1,5 độ C nhằm tránh những tác động xấu nhất của biến đổi khí hậu. Mục tiêu này đòi hỏi phải cắt giảm lớn lượng khí thải CO2 một cách nhanh chóng và bền vững, bao gồm giảm 45% lượng phát thải CO2 vào năm 2030 so với mức năm 2010 và về 0 vào khoảng giữa thế kỷ, cũng như giảm sâu phát thải các khí nhà kính khác.

10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn - Ảnh 1
Hội nghị COP26 diễn ra tại Thành phố Glasgow, Scotland, Vương quốc Anh từ ngày 31/10-12/11/2021. (Ảnh: COP26)

Trong 14 ngày diễn ra Hội nghị, các nước tham dự đã đưa ra một loạt các cam kết quan trọng, trong đó nổi bật là hơn 100 quốc gia cam kết chấm dứt nạn phá rừng vào năm 2030, gồm Brazil, quê hương của rừng nhiệt đới Amazon. Gần 100 nước cũng cam kết đến năm 2030 sẽ cắt giảm 30% lượng phát thải khí metan, được xem là một trong những cách tốt nhất để giảm nhanh sự nóng lên toàn cầu.

Ngoài ra, đã có 40 quốc gia, bao gồm Việt Nam, cam kết loại bỏ điện than - chiếm khoảng 37% tổng điện năng trên thế giới trong năm 2019 - và là nhiên liệu đóng góp lớn nhất vào biến đổi khí hậu. Một liên minh mới các quốc gia cam kết đặt ra thời hạn chấm dứt sử dụng dầu mỏ và khí đốt đồng thời ngừng cấp giấy phép thăm dò mới cũng được ra mắt tại COP26.

2. Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: “Phục hồi và phát triển bền vững”

Với chủ đề "Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội bền vững thời kỳ hậu Covid-19 và đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong kỉ nguyên số", đây là diễn đàn lớn nhất về công nghiệp 4.0 được tổ chức thường niên tại Việt Nam, thu hút hàng ngàn đại biểu trong nước và quốc tế.

10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn - Ảnh 2
Mục tiêu đến năm 2045 Việt Nam trở thành nước phát triển, là một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á. (Ảnh: baodautu.vn)

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021 là cơ hội để Quốc hội, các cơ quan, tổ chức hữu quan lắng nghe ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước, các đối tác phát triển của Việt Nam, đại biểu Quốc hội qua các thời kỳ, nhân dân, cử tri và cộng đồng doanh nghiệp trong cả nước hiến kế các giải pháp tổng thể để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội một cách bền vững. Qua đó, đưa ra những chính sách cụ thể về huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực thuộc chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ với quy mô hợp lý nhất, cũng như sự phối hợp giữa các chính sách này để duy trì tăng cường các động lực tăng trưởng, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, vừa đáp ứng yêu cầu trước mắt, vừa đáp ứng mục tiêu dài hạn của phát triển bền vững hướng tới thúc đẩy đổi mới sáng tạo, tăng trưởng xanh và chuyển đổi số.

Từ đó, hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; Đến năm 2045 trở thành nước phát triển, có thu nhập cao, trở thành một trong những trung tâm sản xuất và dịch vụ thông minh của khu vực châu Á.

3. Đối thoại chiến lược quốc gia lần đầu tiên giữa Việt Nam và WEF

Ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) bằng hình thức trực tuyến kết hợp trực tiếp. Cuộc đối thoại có sự tham dự của gần 70 tập đoàn hàng đầu ở khu vực và toàn cầu đã và đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam.

Đối thoại chiến lược quốc gia lần đầu tiên giữa Việt Nam và WEF có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh các nước, trong đó có Việt Nam, bắt đầu chuyển sang giai đoạn thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19, đẩy mạnh khôi phục và phát triển kinh tế trong giai đoạn "bình thường mới".

10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn - Ảnh 3
Ngày 29/10, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đồng chủ trì Đối thoại chiến lược quốc gia giữa Việt Nam và WEF. (Ảnh: TTXVN)

Đối thoại nhằm truyền tải tới các tập đoàn toàn cầu tầm nhìn, khát vọng và mục tiêu của Việt Nam được đề ra tại Chiến lược Phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021-2030, phấn đấu đến năm 2030 trở thành nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.

Đây là cơ hội để Chính phủ Việt Nam chia sẻ những kế hoạch phục hồi nền kinh tế, từ đó thúc đẩy hợp tác giữa Chính phủ, các địa phương với các tập đoàn đồng hành khôi phục sản xuất kinh doanh, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, các đặc khu kinh tế.

4. 15 năm gia nhập WTO - Cơ hội để kinh tế Việt Nam vươn ra “biển lớn”

Ngày 7/11/2021 đánh dấu 15 năm Việt Nam được kết nạp và chính thức trở thành thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), mở ra cánh cửa lớn để đất nước hội nhập sâu rộng, tích cực với khu vực và thế giới.

Theo WTO, trong số 50 nước có nền thương mại hàng hóa lớn nhất thế giới, Việt Nam có mức tăng trưởng bứt phá. Cùng với WTO, 17 hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực và đang đàm phán đã đưa Việt Nam trở thành một nền kinh tế có độ mở tới 200% GDP. Nếu như năm 2006 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước chỉ ở mức 84,7 tỷ USD… thì đến năm 2020 tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đã lên tới trên 545 tỷ USD. Việc khai thác các Hiệp định thương mại tự do cũng góp phần phát triển xuất khẩu nhanh và bền vững, giảm dần phụ thuộc các thị trường bên ngoài.

10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn - Ảnh 4
15 năm gia nhập WTO- Cơ hội mở ra cánh cửa lớn để Việt Nam hội nhập sâu rộng, tích cực với khu vực và thế giới. (Ảnh: uschamber)

Cùng với đó, sau 15 năm, kinh tế Việt Nam đã có sự bứt phá liên tục, tăng trưởng thần tốc, đạt được nhiều thành tựu ấn tượng và tiếp tục vươn ra biển lớn, trở thành một trong những quốc gia năng động nhất khu vực Đông Á - Thái Bình Dương. Đáng chú ý, kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa đạt kỷ lục, vượt 540 tỷ USD. Việt Nam có 31 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đáng chú ý, Việt Nam đã xuất siêu kỷ lục gần 20 tỷ USD. 

Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp với những mối quan hệ đan xen về lợi ích, việc giải quyết hàng loạt thách thức đặt ra chính là chìa khóa để Việt Nam tạo đà, tiếp tục đưa con tàu kinh tế vươn ra biển lớn.

5. Liên Hợp Quốc khởi động Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái

Ngày 1/3/2021, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã ra tuyên bố giai đoạn 2021 - 2030 là “Thập kỷ về phục hồi Hệ sinh thái” nhằm nhân rộng trên quy mô lớn việc phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái và bị phá hủy để chống lại cuộc khủng hoảng khí hậu, tăng cường an ninh lương thực, nguồn nước và đa dạng sinh học.

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với 3 mối đe dọa về môi trường, bao gồm mất đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu và ô nhiễm gia tăng, trước thềm Ngày Môi trường thế giới 5/6, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres đã kêu gọi huy động "nỗ lực chưa từng có để chữa lành Trái Đất".

10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn - Ảnh 5
Thập kỷ phục hồi hệ sinh thái là "một lời kêu gọi hành động toàn cầu" để ngăn chặn thảm họa khí hậu, đẩy lùi làn sóng ô nhiễm gây chết người và chấm dứt sự mất mát các loài động, thực vật.

Ngoài ra, Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc mô tả "thập kỷ phục hồi" là "một lời kêu gọi hành động toàn cầu", sẽ thu hút sự hỗ trợ chính trị, nghiên cứu khoa học và nguồn lực tài chính. Hàng loạt các hoạt động hưởng ứng kế hoạch của Liên Hợp Quốc được triển khai trên thế giới thông qua hình thức trồng cây, phủ xanh thành phố, cải tạo vườn, thay đổi chế độ ăn uống xanh, làm sạch sông, bờ biển. Ông cho rằng, 10 năm tới là "cơ hội cuối cùng" để con người có thể ngăn chặn thảm họa khí hậu, đẩy lùi làn sóng ô nhiễm gây chết người và chấm dứt sự mất mát các loài động, thực vật.

“Chúng ta cần trồng lại và bảo vệ rừng. Chúng ta cần phải làm sạch sông và biển và chúng ta cần phủ xanh các thành phố. Mọi người hãy đóng góp trách nhiệm của mình. Hôm nay là sự khởi đầu của một thập kỷ mới - một thập kỷ mà cuối cùng chúng ta đã làm hòa với thiên nhiên và đảm bảo một tương lai tốt đẹp hơn cho tất cả mọi người”, ông Guterres nhấn mạnh.

6. Thủ tướng phê duyệt Đề án trồng 1 tỉ cây xanh

Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số 524/QĐ-TTg trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. 

Theo đó, đề án đặt mục tiêu đến năm 2025, cả nước trồng được 1 tỉ cây xanh, trong đó có 690 triệu cây phân tán và 310 triệu cây trồng tập trung trong rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và trồng mới rừng sản xuất.

10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn - Ảnh 6
Ngày 1/4/2021, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án số 524/QĐ-TTg trồng 1 tỉ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025. 

Đề án hoàn thành sẽ góp phần bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và sự phát triển bền vững của đất nước.

Trong tổng số 690 triệu cây phân tán trồng tại khu vực đô thị và nông thôn, Đề án đặt mục tiêu mỗi năm sẽ trồng khoảng 138 triệu cây với yêu cầu chọn loại cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái, tập quán canh tác từng địa phương, từng khu vực cụ thể. Đối với 310 triệu cây trồng rừng (tương đương 180 nghìn ha), sẽ gồm 30 nghìn ha rừng đặc dụng, và rừng mới sản xuất là 150 nghìn ha.

Trong năm 2021, mục tiêu đề án sẽ trồng khoảng 182 triệu cây trong đó cây xanh phân tán 120 triệu cây, tăng 1,5 lần so với năm 2020. Từ năm 2022-2025, trồng bình quân 204,5 triệu cây/năm, trong đó cây xanh phân tán 142,5 triệu cây, tăng 1,8 lần so với năm 2020.

Trước đó, ngày 20/2, tham dự lễ phát động Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ xuân Tân Sửu năm 2021 tại Phú Yên, hưởng ứng chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh, Thủ tướng đã đề nghị chính thức chọn thông điệp cho chương trình trồng mới 1 tỷ cây xanh là “Vì một Việt Nam xanh”.

7. Giờ Trái Đất 2021: “Lên tiếng vì thiên nhiên”

Giờ Trái Đất năm 2021 được Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên (WWF) phát động với chủ đề “Speak up for nature” - “Lên tiếng vì thiên nhiên”, nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về mối liên hệ giữa các tác động của con người với thiên nhiên và nguyên nhân của dịch bệnh, đặc biệt đối với đại dịch Covid-19.

Theo báo cáo của Ủy ban Liên Chính Phủ về Biến đổi khí hậu (IPCC), hơn 90% tác nhân gây ra biến đổi khí hậu ngày nay là do hoạt động của con người trong đó bao gồm các khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Với thông điệp trên, chiến dịch Giờ Trái Đất 2021 tập trung chủ yếu vào hai chủ đề “Tiết kiệm năng lượng - Giảm phát thải khí nhà kính” và “Không còn rác nhựa trong môi trường tự nhiên”.

10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn - Ảnh 7
Giờ Trái Đất 2021 là thời điểm để hành động! Đã đến lúc chúng ta Lên tiếng vì Thiên nhiên.

Thông điệp kêu gọi tất cả mọi người suy ngẫm về mối liên kết giữa con người và thiên nhiên, mối quan hệ tương sinh giữa các giống loài. Từ đó có những hành động và đóng góp cụ thể nhằm giải quyết những vấn đề môi trường lớn hiện, đặc biệt là tiêu thụ năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, hướng tới đảm bảo mục tiêu mà Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã đặt ra. Đồng thời, hạn chế tiêu thụ các sản phẩm nhựa dùng một lần nhằm đạt mục tiêu không còn rác thải nhựa trong môi trường tự nhiên.

Vì vậy, Giờ Trái Đất năm 2021 không chỉ là một sự kiện mang tính biểu tượng, mà là thời điểm để hành động! Đã đến lúc chúng ta Lên tiếng vì Thiên nhiên - Thiên nhiên là Lá chắn, cho Chúng ta và cho Hành tinh của chính chúng ta.

8. Phê duyệt Đề án xây dựng “Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương”

Với quan điểm tiên phong trong khu vực giải quyết vấn đề rác thải nhựa đại dương, góp phần xây dựng và thực thi thành công mô hình nền kinh tế tuần hoàn, quản lý nhựa hiệu quả, ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương".

10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn - Ảnh 8
Ngày 16/8, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án “Việt Nam chủ động chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận toàn cầu về ô nhiễm nhựa đại dương". (Ảnh: Diệp Bảo Tân)

Đề án nhằm mục tiêu bảo đảm đầy đủ điều kiện về nguồn nhân lực, thông tin, dữ liệu phục vụ cho việc chủ động, tích cực chuẩn bị và tham gia đàm phán, bảo đảm quyền và lợi ích, nâng cao năng lực quốc gia trong việc phòng, chống ô nhiễm nhựa đại dương.

Đồng thời, thiết lập cơ chế điều phối hiệu quả giữa các cơ quan, tổ chức liên quan ở Trung ương và địa phương; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm trong nước và quốc tế trong suốt quá trình chuẩn bị và tham gia xây dựng Thỏa thuận; chuẩn bị kỹ lưỡng về năng lực của đội ngũ cán bộ liên quan đến công tác đàm phán…

9. Hai khu dự trữ sinh quyển của Việt Nam được UNESCO công nhận

Tại kỳ họp lần thứ 33 Hội đồng Điều phối Quốc tế Chương trình Con người và Sinh quyển diễn ra từ ngày 13-17/9/2021 tại Abuja, Nigeria, 2 khu dự trữ sinh quyển (DTSQ) Núi Chúa và Cao nguyên Kon Hà Nừng của Việt Nam đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu DTSQ thế giới.

10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn - Ảnh 9
Hệ sinh thái rừng khô hạn tại Khu dự trữ sinh quyển Núi Chúa đặc trưng, độc đáo nhất của Việt Nam.

Như vậy, trong giai đoạn 2000 - 2020, Việt Nam đã được công nhận tổng cộng 11 khu DTSQ thế giới, trở thành quốc gia có số lượng Khu DTSQ đứng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia (19 Khu DTSQ).

Khu DTSQ Núi Chúa với 1 vùng lõi là VQG Núi Chúa, tổng diện tích 106.646,45 ha, là mẫu chuẩn duy nhất về hệ sinh thái rừng khô hạn đặc trưng và độc đáo của Việt Nam và Đông Nam Á. Đây là 1 trong 200 vùng sinh thái quan trọng toàn cầu và được lựa chọn là 1 trong những vùng ưu tiên bảo tồn cao nhất của tất cả các kiểu sinh cảnh chính trên Trái Đất.

10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn - Ảnh 10
Cao nguyên Kon Hà Nừng giữ được vẹn nguyên hệ sinh thái của rừng kín nhiệt đới, có tính đa dạng sinh học cao. (Ảnh: Hodadi)

Khu DTSQ Cao nguyên Kon Hà Nừng, với tổng diện tích 413.511,67 ha, gồm 2 vùng lõi là Vườn Quốc gia Kon Ka Kinh và Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng. Đây là nơi có hệ sinh thái rừng kín thường xanh mưa ẩm á nhiệt đới núi trung bình còn tương đối nguyên vẹn, tính đa dạng sinh học cao đặc trưng cho hệ sinh thái rừng, hệ thực vật rừng và hệ động vật rừng của khu vực Tây Nguyên. 

Việc UNESCO công nhận thêm 2 Khu DTSQ của Việt Nam thể hiện sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị về đa dạng sinh học cũng như nỗ lực bảo tồn thiên nhiên, phát triển bền vững của Việt Nam; đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, con người và văn hóa của Việt Nam đối với bạn bè thế giới.

10. Việt Nam có thêm 2 thành phố bền vững môi trường

Tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN về môi trường lần thứ 32 (Hội nghị ASOEN 32) và các Hội nghị khác có liên quan vừa được tổ chức theo hình thức trực tuyến, TP.Cần Thơ nhận Giải thưởng thành phố ASEAN bền vững môi trường lần thứ 5; TP.Ninh Bình nhận Chứng chỉ thành phố ASEAN tiềm năng bền vững môi trường lần thứ 4 ở hạng mục Đất sạch.

10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn - Ảnh 11
TP.Cần Thơ - Thành phố ASEAN bền vững môi trường lần thứ 5. (Ảnh: Báo TN&MT)

Lĩnh vực bền vững môi trường trở thành lĩnh vực ưu tiên hàng đầu trong hợp tác về môi trường của các quốc gia Đông Nam Á hướng tới sự phát triển bền vững. Tính đến nay, Việt Nam đã có 4 thành phố đạt giải thưởng thành phố bền vững môi trường ASEAN, bao gồm TP.Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh, 2008), TP.Đà Nẵng (2011), TP.Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế, 2014) và TP.Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng, 2017).

10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn - Ảnh 12
TP.Ninh Bình - Thành phố ASEAN tiềm năng bền vững môi trường lần thứ 4 ở hạng mục Đất sạch. (Ảnh: Sở KH&ĐT Ninh Bình)

Thành phố bền vững môi trường ASEAN là giải thưởng có ý nghĩa quan trọng nhằm tôn vinh và quảng bá hình ảnh các thành phố tiêu biểu về chất lượng môi trường (không khí sạch, đất sạch và nước sạch) của các nước trong khu vực, nâng cao nhận thức của cộng đồng và lãnh đạo các cấp của các quốc gia về tầm quan trọng của công tác bảo vệ môi trường.

KTMT

Bạn đang đọc bài viết 10 sự kiện kinh tế môi trường năm 2021 do VIASEE bình chọn. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Về mái trường xưa
Dịp kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam, ngôi trường tiểu học quê tôi cũng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập với bao xúc cảm của cậu học trò năm xưa nay tóc đã điểm bạc.

Tin mới