Chủ nhật, 24/11/2024 08:02 (GMT+7)
Thứ tư, 03/01/2024 13:55 (GMT+7)

2,2 tỷ cổ phiếu của Vietnam Airlines có thể thoát nguy cơ bị huỷ niêm yết?

Theo dõi KTMT trên

Cổ phiếu doanh nghiệp bị huỷ niêm yết bắt buộc có thể sẽ vẫn được ở lại sàn giao dịch nếu thuộc trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết và được Chính phủ đồng ý.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đang lấy ý kiến của các đơn vị, tổ chức, cá nhân đối với dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 155/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Chứng khoán. Thời gian đăng tải lấy ý kiến đến ngày 5/1.

Điểm đáng chú ý tại dự thảo là Điều 120 trong Nghị định quy định về cổ phiếu bị hủy niêm yết bắt buộc sẽ được bổ sung thêm Khoản 7 với nội dung: "Trường hợp đặc biệt cần duy trì niêm yết do Chính phủ xem xét, quyết định".

2,2 tỷ cổ phiếu của Vietnam Airlines có thể thoát nguy cơ bị huỷ niêm yết? - Ảnh 1
Vietnam Airlines đã có 3 năm lỗ liên tiếp và lỗ luỹ kế cao gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu.

Nhiều nhận định cho rằng, đây có thể là điều khoản giúp cho cổ phiếu HVN của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) thoát khỏi nguy cơ bị huỷ niêm yết.

Hiện tại, 2,2 tỷ cổ phiếu HVN đang có thể phải rời sản chứng khoán do vi phạm 3 điều kiện của Luật Chứng khoán là kết quả sản xuất kinh doanh bị thua lỗ trong 3 năm liên tục, tổng số lỗ lũy kế vượt quá số vốn điều lệ thực góp, vốn chủ sở hữu âm trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét.

Tính hết năm 2022, Vietnam Airlines đã có 3 năm lỗ liên tiếp và lỗ luỹ kế cao gấp nhiều lần so với vốn chủ sở hữu, do vậy việc hãng bay này bị đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết là rất cao.

Cụ thể, theo báo tài chính kiểm toán năm 2022, Vietnam Airlines lỗ hơn 11.200 tỷ đồng, nâng khoản lỗ lũy kế tính đến cuối năm 2022 lên trên 35.000 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của hãng theo đó đã âm 11.000 tỷ đồng.

Mới đây, trả lời cổ đông về nguy cơ bị huỷ niêm yết, ông Trần Thanh Hiền, Kế toán trưởng của Vietnam Airlines cho biết, việc âm vốn chủ và thua lỗ 3 năm liên tiếp của Vietnam Airlines là tình huống đặc biệt khi ảnh hưởng bởi đại dịch.

“Trước COVID-19, Vietnam Airlines đứng top các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, do yếu tố ảnh hưởng khách quan là đại dịch nên không chỉ riêng Vietnam Airlines mà các hãng hàng không trên thế giới đều trong tình trạng khó khăn như vậy. Đây là một tình huống khách quan, tôi tin tưởng các cơ quan nhà nước sẽ có những đánh giá khách quan và kỳ vọng cổ phiếu HVN vẫn sẽ được tiếp tục niêm yết trên sàn chứng khoán”, ông Hiền nói.

Ông Hiền cũng cho biết, Vietnam Airlines đang triển khai đồng bộ các đề án tái cơ cấu, trong đó, giải pháp tự thân là quan trọng nhất nhằm khắc phục các hậu quả của COVID-19, bao gồm việc thực hiện các giải pháp tăng cường quản trị doanh thu, đàm phán giảm giá, tiết kiệm, quản trị chi phí, các giải pháp tái cơ cấu tài sản – nguồn vốn để bổ sung thu nhập, dòng tiền và nguồn vốn nhằm mục tiêu cải thiện tối đa kết quả sản xuất kinh doanh, đảm bảo duy trì thanh khoản.

“Với đề án đã xây dựng, chúng tôi kỳ vọng không lâu nữa sẽ khắc phục được khó khăn, đưa tài chính Tổng Công ty về trạng thái an toàn. Chúng tôi cần thời gian không dài để làm ăn có lãi, khắc phục âm vốn chủ sở hữu”, ông Hiền nói.

Theo đại diện Vietnam Airlines, với các giải pháp vạch ra trong đề án tái cơ cấu, bao gồm: Tái cơ cấu hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cơ cấu tài sản, tái cơ cấu các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, tái cơ cấu nguồn vốn để dần khắc phục lỗ lũy kế và khôi phục trạng thái tài chính lành mạnh,... hãng kỳ vọng có thể đạt được mục tiêu cân đối được thu chi kinh doanh từ năm 2024, khắc phục tình trạng âm vốn chủ sở hữu trước năm 2025 và giảm dần, tiến tới xóa hết lỗ lũy kế trong các năm tiếp theo.

H.A

Bạn đang đọc bài viết 2,2 tỷ cổ phiếu của Vietnam Airlines có thể thoát nguy cơ bị huỷ niêm yết?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới