40 mỏ vàng mới phát hiện sẽ được khai thác như thế nào?
Việc khai thác 40 mỏ vàng mới phát hiện được thực hiện qua đấu giá, đồng thời phải đánh giá tác động về môi trường và lên phương án khai thác cụ thể.

Khai thác 40 mỏ vàng theo quy trình nào?
Mới đây, Đề án điều tra tổng thể về khoáng sản và hoàn thiện nền bản đồ địa chất tỷ lệ 1/50.000 vùng Tây Bắc phục vụ quy hoạch phát triển bền vững kinh tế xã hội (Đề án Tây Bắc) được Bộ Nông nghiệp và Môi trường công bố.
Theo đó, có 110 mỏ khoáng sản gồm 25 loại khác nhau như đất hiếm, thiếc wolfram, vàng, đồng, antimon, đá mỹ nghệ, đá vôi công nghiệp được phát hiện… Trong đó có 17 mỏ quy mô lớn, 43 mỏ trung bình và 50 mỏ nhỏ, vượt gấp đôi mục tiêu ban đầu đề ra.
Theo Đề án Tây Bắc, 40 mỏ vàng với tổng tài nguyên cấp 333 (được khoanh định trong phạm vi cấu tạo địa chất thuận lợi cho thành tạo khoáng sản) xác định được hơn 29,8 tấn vàng. Trên đây mới chỉ là đánh giá tài nguyên khoáng sản qua nghiên cứu ở khu vực Tây Bắc. Thực tế, ngoài Tây Bắc, mỏ vàng còn phát hiện ở các địa phương khác.
Đối với việc khai thác 40 mỏ vàng này, đại diện Cục Địa chất và Khoáng sản (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cho biết, việc khai thác các mỏ vàng và đất hiếm sẽ được thực hiện thông qua đấu giá theo luật. Mỏ trữ lượng lớn thì Bộ Nông nghiệp và Môi trường cấp phép, còn mỏ trữ lượng nhỏ thì địa phương cấp phép.
Những mỏ vàng này thực tế mới chỉ là điều tra đánh giá tài nguyên cơ bản. Sau khi đánh giá xong còn phải tiến hành thăm dò, nếu có trữ lượng mới đi đến khai thác và chế biến. Đối với mỏ đất hiếm, đến nay mới có một số mỏ được thăm dò tài nguyên, một số mới được điều tra đánh giá, một số đã ra trữ lượng.
Để khai thác các mỏ khoáng sản trong đó có vàng đã được phát hiện, Bộ Công Thương sẽ đưa vào quy hoạch theo Quyết định 866/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2023 về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Sau khi đưa vào quy hoạch các mỏ khoáng sản, các doanh nghiệp sẽ đăng ký thăm dò và lựa chọn nhà đầu tư để khai thác. Trước khi khai thác, các đơn vị phải đánh giá tác động về môi trường và lên một bản thiết kế phương án khai thác.
"Từ lúc phát hiện tới lúc đưa vào khai thác các mỏ khoáng sản trong đó có vàng là cả một quá trình khá dài. Nhóm điều tra chỉ mới phát hiện và tính toán trữ lượng ở mức độ tài nguyên", đại diện Cục Địa chất và Khoáng sản cho biết.
Trước khi khai thác, các đơn vị phải đánh giá tác động về môi trường và lên bản thiết kế phương án khai thác.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia địa chất và khoáng sản, việc khai thác vàng ở Việt Nam đang gây ra các vấn đề đáng lo ngại như phá hủy cảnh quan, ô nhiễm nguồn nước, đặc biệt là trong khai thác vàng với việc xả thải hóa chất độc hại. Các nhà máy khai thác vàng xả thải chưa xử lý chứa xyanua, thủy ngân là mối nguy lớn.
Thêm vào đó hoạt động khai thác nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, ý thức pháp luật kém khiến vấn đề môi trường ngày càng trầm trọng.

Điểm qua các doanh nghiệp đào vàng ở Việt Nam
Tại các địa phương có các mỏ khoáng sản được phát hiện, đánh giá tài nguyên, khi có các doanh nghiệp đầu tư thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản cũng sẽ được hưởng lợi, có điều kiện phát triển kinh tế, tạo thêm công ăn việc làm cho lực lượng lao động ở địa phương, tăng ngân sách cho phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Theo tìm hiểu, hiện nay Việt Nam có một số doanh nghiệp khai thác vàng có công suất lớn, trong đó có Tổng Công ty Khoáng sản TKV - Vimico (KSV). Năm 2024, Vimico ghi nhận doanh thu hợp nhất 13.277 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 1.566 tỷ đồng. Doanh nghiệp nộp ngân sách gần 1.700 tỷ đồng, tạo ra công ăn việc làm cho hơn 5.000 lao động, với thu nhập bình quân 16,5 triệu đồng/người/tháng.
Vimico là công ty con của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Hoạt động chính trong lĩnh vực khai thác khoáng sản như vàng, bạc, kẽm, đồng, nhôm....
Tìm hiểu thêm được biết, bình quân mỗi năm lượng vàng sản xuất của Vimico vào khoảng hơn 900 kg. Với sản lượng hiện tại, nhiều khả năng Vimico hiện là doanh nghiệp khai thác và sản xuất vàng lớn nhất Việt Nam.
Ngoài Vimico, Công ty CP Vàng Lào Cai (GLC) cũng là doanh nghiệp khai thác vàng được biết đến nhiều tại Việt Nam nhưng doanh nghiệp này gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh và chứng kiến sự thay đổi trong dàn lãnh đạo cấp cao.
Trong việc khai thác vàng, mỏ Bồng Miêu và Phước Sơn (Quảng Nam) được đánh giá là hai trong số những mỏ có trữ lượng vàng lớn (tổng khoảng 20 tấn). Trong đó, theo kết quả thống kê của Bộ Tài nguyên và Môi trường, mỏ vàng Bồng Miêu là mỏ vàng có trữ lượng lớn nhất cả nước.
Mỏ vàng Bồng Miêu được mệnh danh là “lãnh địa vàng”, có trữ lượng lớn nhất trên cả nước với sản lượng 12,4 tấn. Mỏ vàng này do Công ty TNHH Khai thác vàng Bồng Miêu được cấp phép khai thác từ năm 1992.
Còn về Đăk Sa (còn gọi là Phước Sơn), mỏ vàng này được đánh giá có trữ lượng khoảng 7,2 tấn. Tháng 8/2016, Công ty vàng Phước Sơn đã tái khởi động hoạt động khai thác vàng tại mỏ vàng Đăk Sa, huyện Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam sau 2 năm tạm dừng sản xuất.
Thời gian qua, mặc dù thị trường chứng khoán Việt Nam đi xuống do tác động từ thuế đối ứng của Mỹ, tuy nhiên các cổ phiếu liên quan tới khoáng sản vẫn tăng, thậm chí có thời điểm tăng kịch trần. Nguyên nhân được cho là động lực từ việc phát hiện ra 40 mỏ vàng với trữ lượng gần 30 tấn. Bên cạnh đó, các cổ phiếu trong ngành khoáng sản bắt đầu tăng mạnh từ đầu tháng 2 sau thông tin Trung Quốc cấm xuất khẩu nhiều khoáng sản quan trọng cho sản xuất công nghiệp Mỹ, trong đó có vonfram và bismuth.
Minh Thành