Chủ nhật, 24/11/2024 04:20 (GMT+7)
Thứ tư, 02/09/2020 07:08 (GMT+7)

75 năm Quốc khánh 2/9: Vượt thác ghềnh đi đến phồn vinh

Theo dõi KTMT trên

Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất, nhập khẩu, thậm chí là có xuất siêu. Năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu gần 10 tỉ USD.

75 năm Quốc khánh 2/9: Vượt thác ghềnh đi đến phồn vinh - Ảnh 1
(Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

75 năm đã trôi qua, kể từ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam, vượt qua bao gian khổ, hy sinh, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đã không chỉ từng bước đánh bại mọi âm mưu xâm lược của kẻ thù, giữ vững nền hòa bình, độc lập của dân tộc, bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, mà còn chung sức, đồng lòng xây dựng đất nước ngày càng phát triển, vững bước đi lên.

Kinh tế phát triển ngoạn mục

Sau khi giành được chính quyền, nước ta đứng trước muôn vàn khó khăn: một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu, ngân khố kiệt quệ, tài nguyên khoáng sản cạn kiệt, nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu và manh mún, sản xuất công nghiệp chủ yếu tập trung vào khai thác mỏ, sau nhiều nỗ lực và trải qua chặng đường tìm tòi, sáng tạo, thử nghiệm, tổng kết của Đảng và nhân dân ta để xây dựng cương lĩnh cho cách mạng nước ta trong giai đoạn mới và đề ra chiến lược phát triển kinh tế lâu dài, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc.

Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân trong vòng 20 năm (1996-2016) của Việt Nam thuộc các nhóm nước đạt mức 5% mỗi năm. Đặc biệt, năm 2018 đạt 7,08% (cao nhất trong gần một thập kỷ qua) và năm 2019 đạt 7,02%.

Cơ cấu kinh tế chuyển biến tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, gắn sản xuất với thị trường. Tỉ trọng nông nghiệp trong GDP giảm dần, tăng tỉ trọng các sản phẩm có năng suất và hiệu quả kinh tế cao, các sản phẩm có giá trị xuất khẩu. Các ngành dịch vụ đã phát triển đa dạng hơn, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của sản xuất và đời sống.

Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam tăng đều qua các năm. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt ở thị trường trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, hầu hết các châu lục.

Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất, nhập khẩu, thậm chí là có xuất siêu. Năm 2019, Việt Nam đã xuất siêu gần 10 tỉ USD.

Đáng chú ý, môi trường đầu tư liên tục được cải thiện, nhờ đó đã thu hút ngày càng nhiều hơn vốn đầu tư cho phát triển. Tính riêng năm 2019, vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện đạt trên 2.046 nghìn tỉ đồng.

Cùng với đó, ngày càng có nhiều nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư nước ngoài năm 2019 đạt 38 tỉ USD, bao gồm đăng ký cấp mới, điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phẩn.

Đặc biệt, du lịch là lĩnh vực gặt hái được nhiều thành công, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Trong những gần đây, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển ấn tượng.

Từ dấu ấn 10 triệu lượt khách quốc tế, 62 triệu lượt khách nội địa năm 2016, đến năm 2019 các con số này đã tăng lên đáng kể, lần lượt là 18 triệu và 85 triệu. Tổng thu từ khách du lịch năm 2019 đạt hơn 720.000 tỉ đồng.

Việt Nam đã được vinh danh tại nhiều lễ giải quốc tế về du lịch như: “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á 2018”, “Điểm đến hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến ẩm thực hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến văn hóa hàng đầu châu Á 2019”, “Điểm đến thành phố văn hóa hàng đầu châu Á 2019: Hội An”, “20 quốc gia nên đến du ngoạn nhất trong năm 2020”...

Văn hóa - xã hội tiếp tục phát triển

Cùng với phát triển kinh tế, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm, đầu tư mọi nguồn lực cho sự phát triển các mặt thuộc lĩnh vực văn hoá - xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Trong đó, thành công nổi bật, đầy ấn tượng qua gần 35 năm thực hiện đổi mới là đã giải quyết có hiệu quả mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; các cơ hội phát triển được mở rộng cho mọi thành phần kinh tế, mọi tầng lớp dân cư, khuyến khích, phát huy được tính tích cực, chủ động, sáng tạo của nhân dân.

75 năm Quốc khánh 2/9: Vượt thác ghềnh đi đến phồn vinh - Ảnh 2
Băng rôn, biểu ngữ được trang hoàng dọc đường trước Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh: Thành Đạt/TTXVN)

Nhờ đó, thu nhập bình quan đầu người tăng nhanh, nếu như năm 1988 chỉ đạt 86 USD/người/năm thì đến năm 2019 đã đạt 2.800 USD/người/năm, nước ta đã ra khỏi nhóm nước thu thập thấp để trở thành nước đang phát triển có thu nhập trung bình.

Đặc biệt, công tác giảm nghèo của Việt Nam đã đạt được những thành tựu ấn tượng. Tỉ lệ hộ nghèo trên cả nước đã giảm từ 58% năm 1993 xuống 22% năm 2005; 9,4% năm 2010 và giảm xuống còn khoảng 7% năm 2015. Năm 2019, tính theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều, áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, tỉ lệ hộ nghèo trên cả nước ước còn 4%.

Cùng với đó, sự nghiệp giáo dục có bước phát triển mới về quy mô, đa dạng hóa về loại hình trường lớp từ mầm non, tiểu học đến cao đẳng, đại học. Công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân có tiến bộ. Bảo hiểm y tế được mở rộng; các chỉ số sức khỏe cộng đồng được nâng lên. Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng đều đặn và liên tục suốt mấy thập kỷ qua. Với chỉ số HDI là 0,63 năm 2019, Việt Nam xếp thứ 118 trên tổng số 189 nước, chỉ cần thêm 0,007 điểm để vào nhóm các nước có chỉ số phát triển con người ở mức cao.

Công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng được Đảng, Nhà nước và cả xã hội quan tâm, đảm bảo mức sống cho người có công phải bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của dân cư trên địa bàn cư trú...

Quốc phòng, an ninh được tăng cường

Việt Nam đã bảo vệ vững chắc chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững chủ quyền biển đảo, biên giới; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Chúng ta đã kiên quyết đấu tranh bằng các biện pháp phù hợp, bảo đảm được chủ quyền quốc gia, biển đảo và giữ vững được hòa bình, ổn định để phát triển đất nước. Chủ động đấu tranh ngăn chặn, làm thất bại mọi âm mưu “diễn biến hòa bình”, hoạt động phá hoại, gây rối, bạo loạn lật đổ của các thế lực thù địch, không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống; bước đầu đối phó có hiệu quả với mối đe dọa an ninh phi truyền thống, kiềm chế sự gia tăng tội phạm.

Những chủ trương, giải pháp trong chiến lược quốc phòng, quân sự, chiến lược an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện.

Thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân tiếp tục được tăng cường, củng cố, nhất là trên các địa bàn chiến lược quan trọng; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố ngày càng vững mạnh; xây dựng thế trận lòng dân vững chắc trong thực hiện chiến lược bảo vệ Tổ quốc.

Sức mạnh về mọi mặt của Quân đội nhân dân và Công an nhân dân được tăng cường; xây dựng lực lượng dự bị động viên hùng hậu, dân quân tự vệ rộng khắp, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Kết hợp có hiệu quả giữa nhiệm vụ xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa kinh tế với quốc phòng, an ninh, đối ngoại và ngược lại.

Vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao

Thành tựu lớn nhất và khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế là không những phá được thế cô lập, bao vây, cấm vận, mà còn đạt được thành quả vượt tầm quốc gia, đạt tới tầm khu vực và quốc tế; xây dựng được vị thế mới của Việt Nam trong quan hệ với các nước, cả song phương và đa phương.

Đến năm 2019, Việt Nam đã có quan hệ chính thức với 189/193 quốc gia của Liên hợp quốc; có quan hệ kinh tế-thương mại và đầu tư với trên 224 nước và vùng lãnh thổ trên toàn thế giới; có 16 đối tác chiến lược, 11 đối tác chiến lược toàn diện; có 71 quốc gia công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, trong đó có các đối tác thương mại lớn của Việt Nam.

Việt Nam cũng đã tham gia hơn 500 hiệp định song phương và đa phương trên nhiều lĩnh vực trong đó có 16 Hiệp định thương mại tự do (FTA).

Việc tham gia vào các FTA có tác động tích cực tới phát triển kinh tế, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam đã tham gia vào ba chuỗi giá trị có vai trò ngày càng quan trọng đối với nền kinh tế toàn cầu.

Đó là chuỗi giá trị lương thực và an ninh lương thực; chuỗi giá trị năng lượng và an ninh năng lượng (dầu mỏ, khí, than) và chuỗi giá trị hàng dệt may và da giầy...

Chúng ta đã tạo được khuôn khổ quan hệ hợp tác hữu nghị, ổn định lâu dài và đan xen lợi ích với tất cả các nước láng giềng, khu vực. Sau khi gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông-Nam Á (ASEAN) năm 1995, Việt Nam đã có nhiều đóng góp tích cực, góp phần vào việc củng cố đoàn kết, duy trì những nguyên tắc cơ bản, tăng cường hợp tác nội khối, góp phần nâng cao vai trò, vị trí của của hiệp hội ở khu vực và trên trường quốc tế.

Đặc biệt, năm 2020, với vai trò Chủ tịch ASEAN Việt Nam đã chủ động, tích cực thúc đẩy các nỗ lực chung, đồng bộ của Cộng đồng ASEAN trong ứng phó dịch bệnh Covid-19...

Có thể khẳng định, trải qua hàng nghìn năm lịch sử, Tổ quốc Việt Nam giàu bản sắc văn hóa và truyền thống yêu nước, anh hùng cách mạng, đã chiến thắng nhiều thế lực xâm lăng và ngày nay đang vươn lên mạnh mẽ trong công cuộc xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh, như nhạc sỹ Nguyễn Văn Thương đã viết: “Tổ quốc tôi chưa đẹp thế bao giờ/Xanh núi, xanh sông, xanh đồng, xanh biển/ Xanh trời, xanh của những giấc mơ.../Ôi Việt Nam! Yêu suốt một đời”.

Minh Duyên

Bạn đang đọc bài viết 75 năm Quốc khánh 2/9: Vượt thác ghềnh đi đến phồn vinh. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0917 681 188 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Gã Gàn và tự truyện doanh nhân sinh thái
Phải ngẫm kỹ, hẳn thấy anh là một gã gàn. Thứ gàn có hồn có vía, có lớp lang, bản ngã. Một thứ gàn đĩnh đạc của doanh nhân, triết lý của nhà khoa học, thông tuệ trí pháp của luật sư, lam lũ hồn hậu của nông dân, và đau đáu hàm xúc của mặc khách thi ca.

Tin mới